Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: VIẾT CHUNG
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn LHQ luôn đồng hành cùng Việt Nam trên mọi chặng đường phát triển. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, sự hỗ trợ của LHQ đã giúp Việt Nam sớm đẩy lùi dịch bệnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt để mở cửa nền kinh tế, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt những kết quả khởi sắc về ổn định kinh tế.
Thủ tướng chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của LHQ, hướng tới triển khai 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam sẵn sàng đóng góp hết sức mình cho công việc chung của LHQ trên tất cả các trụ cột của LHQ.
Tổng Thư ký António Guterres chia sẻ khó khăn của các nước, trong đó có Việt Nam, do tác động của tình hình kinh tế thế giới. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong cuộc chiến chống bất bình đẳng xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu... để thúc đẩy các Mục tiêu phát triển bền vững, đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. LHQ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh, bền vững và tự cường, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ LHQ - Việt Nam phát triển toàn diện, hiệu quả. Tổng Thư ký António Guterres mong muốn hai bên hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo đảm quyền con người, phát triển công nghệ số, phục vụ người dân...
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí việc gia tăng hợp tác giữa ASEAN và LHQ, coi trọng vai trò của ASEAN, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
Tại cuộc hội kiến Tổng Thư ký António Guterres ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn LHQ đóng vai trò dẫn dắt thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác quốc tế để tăng cường hợp tác trong chuyển đổi năng lượng quốc gia công bằng và bền vững, chuyển đổi số. LHQ cần thiết và hoàn toàn có thể đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác quốc tế để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng như chuyển đổi số. “Quốc hội Việt Nam hiện cũng đang tập trung nỗ lực xây dựng và hoàn thiện khung khổ thể chế thích hợp để tận dụng được cơ hội, khắc phục được những khó khăn, thách thức, thậm chí cả những rủi ro để đảm bảo được nhu cầu phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Tổng Thư ký LHQ António Guterres. Ảnh: VIẾT CHUNG
Cảm ơn những tình cảm mà Tổng Thư ký António Guterres đã dành cho Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Quốc hội nâng cao năng lực, kỹ năng trong hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý, giám sát triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó có lồng ghép hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trưa 22-10, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đến thăm Tổng cục Khí tượng - Thủy văn (Bộ TN-MT). Đánh giá cao vai trò của Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, Tổng Thư ký LHQ cho rằng, không chỉ dự báo thời tiết, thủy văn mà các sản phẩm dự báo khác của Việt Nam còn mang lại dịch vụ hữu ích cho người dân trong nước và các nước khu vực. Sự hợp tác quốc tế trong phòng chống thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Mục tiêu mà LHQ đang cố gắng thiết lập trong 5 năm tới là một hệ thống liên minh cảnh báo sớm thiên tai ở các nước được xây dựng với mục đích chấm dứt những thảm họa ảnh hưởng đến sinh mạng, tài sản.
Tổng Thư ký António Guterres nhấn mạnh: ĐBSCL đang phải ứng phó với nước biển dâng và xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước từ thượng nguồn. Đây là hiểm họa không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng cần biết. Cách đây mấy năm tôi đã đến thăm ĐBSCL. Tôi hy vọng sau này khi cháu tôi đến Việt Nam sẽ thấy đây là một khu vực xanh tươi, năng động, kinh tế phát triển nổi bật, cuộc sống thịnh vượng.