Ngày 31/3, tại trụ sở 53 Nguyễn Du Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam – LHHVNh) đã tổ chức Hội thảo Phổ biến Luật Báo chí năm 2016 cho các cơ quan báo chí trong hệ thống LHHVN. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch LHHVN Phan Tùng Mậu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo các cơ quan báo chí thuộc hội ngành và các tổ chức khoa học công nghệ của LHHVN.
|
Ông Phan Tùng Mậu- PCT LHHVN phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh: Luật Báo chí 2016 sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí và công tác báo chí, mang tính thời đại, xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc và cụ thể cho việc phát triển báo chí trong giai đoạn tới, Luật Báo chí 2016 đã khắc phục những nội dung bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn của Luật Báo chí trước đây. Thông qua hội thảo này, các lãnh đạo của cơ quan báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam tham dự hội thảo sẽ nghiên cứu kỹ các nội dung, trao đổi thảo luận các vấn đề còn chưa rõ nhằm thống nhất trong triển khai thực hiện, phổ biến, quán triệt nội dung của Luật tại toà soạn của mình.
|
Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Văn Hiếu phổ biến Luật Báo chí 2016 |
Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu cụ thể Luật Báo chí năm 2016 tới các đại biểu tham dự với một số nội dung cơ bản sau:
Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in….
Đồng thời, Luật Báo chí mới cũng bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Một điểm mới đáng chú ý nữa là Luật Báo chí mới đã bổ sung quy định về liên kết trong báo chí, điều mà trước đây luật không quy định, chỉ có trong thông tư của Bộ quy định liên kết trong sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình.
Việc liên kết trong báo chí được quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với các cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - Chính trị tổng hợp; thời lượng tối đa mà cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình.
Quyền tác nghiệp báo chí ở Luật Báo chí mới cũng quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời cũng đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng,
Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo cũng được bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; trong đó quy định Hội Nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thức hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng,.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí cũng được quy định mở hơn với các quy định về nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí ở Luật Báo chí mới đã có sự tương thích với các quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ Luật dân sự với các luật khác, nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tế.
Đặc biệt, việc cải chính và xử lý vi phạm ở Luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới như: Báo điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.
Ngoài ra, Luật Báo chí mới cũng đã pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật như: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin…