Lễ hội chùa Hương 2018: ‘Không để tái diễn hình ảnh phản cảm'

Google News

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND Huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 cho biết, năm nay, lễ hội sẽ được tổ chức với nhiều điểm mới. 

Theo đó, lễ hội chùa Hương 2018 có chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch,” sẽ chính thức khai hội vào sáng mùng 6 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 21/2), kéo dài đến cuối tháng Ba Âm lịch.
Không tiến hành phát lộc
Phật tử bái lễ Bồ tát Quan Thế Âm trong động Hương Tích mong cho một năm mới may mắn. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN) 
Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, năm nay, ban tổ chức đã đề nghị Ban trị sự chùa Hương thống nhất phương án không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy để “cướp” lộc, gây ra tình trạng lộn xộn và sự phản cảm như năm trước.
Tại lễ hội chùa Hương 2017, sau lễ khai hội (diễn ra sáng 2/2/2017), một nhà sư đã phát lộc (là hạt nhựa trong lồng hình Phật bà, có dây đeo vào cổ) cho khách.
Ban đầu nhà sư phát cho từng người. Tuy nhiên, do lượng người xin lộc tăng lên nhanh chóng nên sư đã đứng trên bục cao tung xuống, khiến du khách xô đẩy nhau để tranh giành, gây ra sự phản cảm.
Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, đây là sự cố lần đầu tiên xảy ra và là việc làm tự phát từ phía nhà chùa, không nằm trong kịch bản tổ chức lễ hội. “Năm nay, ban tổ chức sẽ không để tình trạng này tái diễn. Việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội sẽ theo đúng kế hoạch,” ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Lễ hội chùa Hương năm 2017 đón khoảng 1,3 triệu lượt khách (trong đó, có khoảng 7.800 lượt khách nước ngoài). Năm nay, với việc Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), dự kiến, lượng khách tham gia lễ hội sẽ tăng mạnh.
Năm nay, ban tổ chức lễ hội tiếp tục "nói không" với việc sử dụng xuồng máy, đò gắn động cơ để chở khách. (Ảnh minh họa: TTXVN) 
“Bởi vậy, ban tổ chức đã đề ra nhiều phương án nâng cao chất lượng phục vụ, kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm, để mùa lễ hội diễn ra an toàn, kỷ cương, gắn liền phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di tích,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Mỹ Đức nhấn mạnh.
Cụ thể, tại mùa lễ hội năm nay, có khoảng 4.500 đò sẽ tham gia phục vụ du khách. Số đò này được sơn lại đồng bộ màu xanh, được gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, năm nay, ban tổ chức tiếp tục “nói không” với việc sử dụng xuồng máy, đò gắn động cơ để chở du khách tại suối Yến.
“Tại khu vực này, chỉ có lực lượng chức năng (an ninh, y tế, kiểm lâm…) mới được sử dụng xuồng máy. Trong quá trình sử dụng loại phương tiện này, người ở trên xuồng bắt buộc mặc trang phục của ngành. Trong trường hợp ban tổ chức phát hiện cá nhân nào cố tình vi phạm, sẽ kiên quyết xử lý bằng hình thức cho ‘treo xuồng’,” Trưởng Ban tổ chức lễ hôi chùa Hương 2017 cho biết.
Cũng tại khu vực bến Yến, cơ quan chức năng đã xây dựng hệ thống thu gom và chuyển nước thải sinh hoạt của người dân địa phương về địa điểm xử lý riêng, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực này.
“Trước đây, trong quá trình xây dựng bến, một số hộ dân vẫn xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra suối Yến, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cảnh quan. Tuy nhiên, trong mùa lễ hội năm nay, tình trạng này đã được khắc phục, xử lý,” ông Nguyễn Văn Hậu cho hay.
Bên cạnh đó, ban tổ chức đã có kế hoạch hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền đúng nơi quy định, bố trí lực lượng trông giữ xe, phân luồng giao thông… Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ, ban tổ chức yêu cầu phải có biển hiệu rõ ràng, cầu không quảng cáo và chế biến thực phẩm từ động vật hoang dã, không treo móc thịt các loại trước cửa hàng gây phản cảm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
“Về cơ bản, công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay đã cơ bản hoàn thành,” ông Nguyễn Văn Hậu cho hay.
Theo AN NGỌC/VIETNAM+

>> xem thêm

Bình luận(0)