Mới đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự việc một nhà hàng buffet hải sản trên phố Nguyễn Chí Thanh (phường Láng Hạ, Hà Nội) đăng tải thông tin một nhóm khách gồm 7 người đến ăn và lấy 10kg hải sản chế biến sẵn nhưng ăn không hết định mang về.
Nội dung bài viết đăng tải trên mạng xã hội cho biết, trưa 25/1, nhóm khách gồm 7 người tới dùng bữa tại nhà hàng với mức giá là 409.000 đồng/suất. Đây là suất ăn dạng buffet hải sản có cua, tôm, ghẹ dưới hình thức nướng và lẩu. Khi nhóm khách định ra về, nhân viên quán kiểm tra phát hiện trong túi có nhiều cua, ghẹ, tôm, sashimi và bánh bao kim sa với tổng số hải sản lên tới 10kg.
Trao đổi với báo chí, chị N.T, người đặt bàn cho nhóm khách tới ăn trưa 25/1 cho biết, người phụ nữ bị giữ lại vì lấy 10kg hải sản là chị B nhân viên phục vụ ở quán cà phê của chị T. Do đây là lần đầu tiên được đi ăn tiệc buffet, lại không biết chữ nên chị B không đọc hiểu những quy định của nhà hàng và nghĩ như ăn cỗ ở quê, không ăn hết nên mang về. Chị T tỏ ra không hài lòng khi bản thân chị đã chấp nhận bồi thường số hải sản 10kg với giá hơn 6 triệu đồng nhưng vẫn bị quán quay clip có hình ảnh chị T. rồi đăng lên trang của quán.
PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp để làm rõ hơn dưới góc nhìn pháp lý xung quanh sự việc trên.
Không chỉ thiếu văn minh
Dưới góc độ pháp luật, luật sư nhìn nhận thế nào về hành vi của người phụ nữ khi lấy đến 10kg hải sản sau khi ăn buffet?
Thực tế không chỉ vụ việc trên, thời gian qua xảy ra không ít trường hợp các thực khách sau khi ăn buffet đã có hành vi mang đồ ăn không hết về. Hành vi này không phù hợp với loại hình kinh doanh, gây thiệt hại đến tài sản của các nhà hàng. Tùy thuộc vào chính sách bán hàng, quy định của nhà hàng, thái độ ứng xử giữa các bên mà có những cách giải quyết khác nhau.
Trong vụ việc trên, người phụ nữ lấy đến 10kg hải sản và bị phạt đến hơn 6 triệu đồng, sau đó còn xảy ra những tranh cãi là chuyện rất đáng tiếc. Tuy nhiên, có thể một số thực khách đi ăn lần đầu, lại ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa, nhận thức, hiểu biết hạn chế nên không biết các quy tắc trên.
Bản chất vụ việc xuất phát từ quan hệ dân sự, khuyến khích thỏa thuận tự nguyện giữa các bên để giải quyết, nếu không thỏa thuận được có thể đưa sự việc ra cơ quan chức năng. Việc nhà hàng xử phạt đến hơn 6 triệu đồng sau đó còn đăng tải clip lên mạng xã hội là hơi nặng nề.
Thông tin cho thấy, nhà hàng đã mời cơ quan công an vào cuộc. Sau khi xác minh cơ quan công an không khởi tố vụ án là có cơ sở. Bởi tội trộm cắp tài sản là tội danh có cấu thành vật chất với lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi tài sản phải biết rõ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị hại nhưng vẫn chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu trở lên.
Trong vụ việc trên, cần phải đánh giá thực phẩm đã chế biến định mang về đã thuộc sở hữu của ai? của nhà hàng hay thực khách? Khi thực phẩm còn bày trên hệ thống của nhà hàng đó thuộc quyền sở hữu của nhà hàng. Khi khách hàng đã lựa chọn thực phẩm thì quyền sở hữu thuộc về khách hàng với điều kiện phải ăn tại chỗ, không được mang về mà phải hoàn lại cho nhà hàng. Nếu khách hàng mang về là vi phạm thỏa thuận, quy định về buffet và nghĩa vụ về dân sự. Nếu khách mang thực phẩm sống về mà trị giá tới 2 triệu đồng thì mới có thể xử lý về tội trộm cắp tài sản.
Đăng tải hình ảnh thực khách lên mạng có phạm luật?
Việc nhà hàng tự ý công khai hình ảnh của khách trên mạng sau khi nhóm khách đã bồi thường số tiền thiệt hại có phạm luật?
Trong vụ việc trên, nhà hàng đã đăng clip có hình ảnh, thông tin khách hàng lên trang của nhà hàng trên mạng xã hội, tôi cho rằng, nhà hàng không nên hành xử như vây. Bởi hành vi này có thể xâm phạm quyền hình ảnh, quyền cá nhân. Những hành vi vi phạm nếu có của khách hàng, nhà hàng có thể chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Trong trường hợp, hành vi của thực khách chỉ xử lý bằng quy chế, thỏa thuận, nhà hàng không nên đưa ra các hình thức khác mà có thể gây tổn hại đến uy tín, danh dự của khách hàng, đặc biệt liên quan việc ăn uống.
Việc nhà hàng sử dụng hình ảnh khách hàng có tính chất cảnh báo nhưng lại bêu rếu khách hàng như vậy là việc làm hoàn toàn không nên. Trong quan hệ kinh doanh, rất tối kỵ việc đối đầu với khách hàng, đặc biệt là hạ nhục khách hàng như vậy. Việc sử dụng hình ảnh, thông tin của khách hàng phải rất thận trọng, cân nhắc.
Về phía khách hàng, khi thấy nhà hàng sử dụng thông tin, hình ảnh không đúng có thể phản hồi với nhà hàng yêu cầu gỡ bỏ thông tin, hình ảnh. Trong vụ việc này, hai bên đều có những bức xúc riêng. Tuy nhiên, ứng xử thế nào cho có văn minh, văn hóa, tránh ảnh hưởng đến uy tín nhà hàng cũng như khách hàng. Trong đó cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
|
Qua vụ việc trên, với những tình huống như vậy nếu xảy ra, các bên phải ứng xử như thế nào cho phù hợp, thưa luật sư?
Có thể thấy vụ việc trên là mâu thuẫn, tranh chấp về mặt dân sự. Để giảm thiểu những việc như trên, các nhà hàng cần công khai rõ ràng các quy tắc về ăn buffet, đặc biệt với các khách hàng ăn lần đầu và chưa quen hình thức về buffet, có thể hướng dẫn hoặc đặt bảng thông tin thông báo, cảnh báo ở vị trí dễ nhìn. Nhân viên nhà hàng cũng cần có sự quan sát, nếu phát hiện thực khách cất giấu đồ ăn cần nhắc nhở, cảnh báo một cách tế nhị. Không cần thiết phải đăng tải, bêu hình ảnh họ lên mạng xã hội.
Khách hàng khi lấy đồ ăn thừa mang về có nhiều nguyên nhân. Một số người nghĩ rằng lãng phí đồ ăn khi không ăn hết nên mang về mà không báo cho nhà hàng, hành vi này về mặt quy tắc là vi phạm. Thứ hai, khách hàng có trẻ nhỏ đi cùng nhưng không ăn hoặc ăn dở, họ mang một phần thức ăn về và có thể châm chước được. Bên cạnh đó cũng có những khách hàng vì thiếu hiểu biết nên lấy đồ ăn thừa mang về.
Nếu thực khách cố tình lấy thực phẩm với số lượng lớn, nhà hàng thấy bị thiệt hại nên bức xúc, không hài lòng và có những phản ứng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cần có cách ứng xử tế nhị hơn. Trường hợp khách hàng nhiều lần đi ăn buffet và có hành vi lấy đồ ăn về, nhà hàng có thể lưu lại thông tin, hình ảnh để cảnh báo các nhân viên nhưng chỉ được lưu hành nội bộ để cảnh giác để quản lý bảo vệ tài sản nhà hàng. Thậm chí từ chối phục vụ. Đối với khách hàng thực sự không hiểu biết quy tắc, có thể nhắc nhở thực khách, cho họ rút kinh nghiệm không nên có những ứng xử gây căng thẳng, tranh cãi.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị tố “bẩn kinh hoàng”, quán “buffet 99k” “bốc hơi” trong đêm