Trung tướng Phạm Tuân: Đời tôi là hành trình ngược

Google News

(Kiến Thức) - Cảm xúc bồi hồi, tự hào, hãnh diện, thiêng liêng của giây phút là người VN và người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, đến giờ vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính Phạm Tuân.

Đã có bay thế nào chẳng có rơi
Trước khi gặp ông, tôi cứ nghĩ vị phi công già bây giờ chắc là khó tính lắm. Nhưng cảm giác đó của tôi tan biến hết ngay khi nhìn thấy ông với nụ cười hiền hậu chào đón tôi ở cánh cổng căn hộ với đầy giò lan treo rất đẹp. Vị tướng già đã nghỉ hưu. Công việc tuổi già là tập thể dục, đi du lịch, chăm sóc vườn lan do ông tự tạo. Chuyện về ông nhiều người đã nói, đã kể, đã viết, đã thán phục, đã ngợi ca. Tôi chỉ biết bắt đầu câu chuyện bằng những thứ mà một người không phải phi công như tôi thấy tò mò.
 Trước khi bay vào vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân từng nghĩ: “Có khi mình trở thành vệ tinh bay trên trời vĩnh viễn cũng nên".
Tôi hỏi: “Trước khi bay vào vũ trụ, ông có lo lắng mình sẽ không trở về?”. Ông bảo, 18 tuổi ông vào không quân, xung quanh câu chuyện đó cũng có nhiều chìm nổi. Nhưng nói đến không quân là nói đến sự bay bổng, đến cái gì đó mênh mông. Mà đã có bay thì thế nào chẳng có rơi. Bản thân người đi học thì cũng biết xác xuất rủi ro nó thế nào, hiểu được quy luật nghề của mình. Vì thế, cũng có lúc ông nghĩ: “Có khi mình trở thành vệ tinh bay trên trời vĩnh viễn cũng nên. Nhưng nếu mà lo lắng thì có lẽ là không bay được, chưa nói gì đến bay vũ trụ”.
Bị bệnh tim bẩm sinh vẫn trúng tuyển
Tôi tò mò, không biết lúc ấy sức khoẻ của anh lính Phạm Tuân “phi phàm” như thế nào mà vượt được qua rất nhiều ứng cử viên cũng như những thử nghiệm nghiêm ngặt trước khi bay vào vũ trụ, ông cười bảo: “Có lẽ có cái gì đó khác ở con người tôi. Vì bản thân tôi không phải là người khoẻ. Cả 3 lần tôi đi tuyển phi công đều trượt.
Đầu năm 1965 thì tôi đi tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau đó họ thấy tôi có sức khoẻ tốt nên để vào danh sách tuyển phi công. Nhưng đi tuyển phi công thì tôi không trúng vì bị rối loạn nhịp tim, hở tâm thu tim, bệnh đau mắt hột. Tháng 9/1965, nhà trường chọn sinh viên sang Nga học phi công và thợ máy. Tôi nằm trong danh sách học thợ máy do không đủ sức khoẻ. Tháng 12/1965 thì tôi lại đi dự tuyển phi công do lại có đợt tuyển. Khi điện tim thì họ bảo tôi về, tim có vấn đề. Thế là lại trượt. Đêm về tôi nằm nghĩ mãi. Sáng hôm sau thì tôi lại đến. Ông kiểm tra sức khoẻ lúc đó bảo: “Hôm qua tao kiểm tra mày rồi cơ mà”. Tôi bảo: “Nhưng mà tôi rất thích bay, ông kiểm tra lại cho tôi xem thế nào”. Thế là lần này thì ông ấy bảo được”.
“Đến khi bay vũ trụ thì tôi thậm chí còn không nằm trong danh sách được dự tuyển. Lúc đó ở Việt Nam bắt đầu tìm 4 phi công để bay vào vũ trụ, nhưng chỉ tuyển được có 3. Cùng lúc đó, khoảng tháng 3/1979 khi tôi đang ở bên Nga thì cũng đi tuyển, nhưng người ta bảo luôn: “Anh đủ điều kiện để bay bất cứ máy bay nào, nhưng riêng về bay vũ trụ thì anh đừng bao giờ mơ tới”. Thế là tôi yên phận, tim mình trước nay thế rồi, có tật từ bé rồi, chẳng mơ mộng gì. Đến khi bỗng nhiên người ta bảo: “Thôi cho thằng Tuân vào đó cho nó đủ quân số”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Đến lúc vào tuyển, càng lúc khó khăn thì tôi lại làm càng tốt. Những lúc thực hiện các thực nghiệm mạnh, quay cuồng, phải gắng sức, mọi người thấy khó khăn thì ông lại vượt qua. Ông bảo, dường như cứ vào guồng hoạt động rồi thì ông lại bất chợt khỏe lên. Đến tận bây giờ sức khỏe ông cũng thế, lúc phải làm việc bình thường thì mọi chỉ số huyết áp tim mạch đều rất ổn, nhưng khi nghỉ ngơi thì huyết áp lại tăng.
Thợ máy bay vào vũ trụ
Trung tướng Phạm Tuân kể: “Tôi thích làm phi công. Khi còn nhỏ, tôi đặc biệt thích cái gì liên quan đến bơi lội, bay lượn. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nguyên sở thích đó. Thi thoảng rảnh rỗi tôi lại đi thả diều, đi bẫy chim rồi luyện cho chúng quen thì thả chúng bay ở trong sân nhà. Nhưng thích thế thôi chứ lúc nhỏ có biết gì về không quân đâu, cũng chẳng biết gì về phi công cả. Chỉ thấy yêu bầu trời, yêu thiên nhiên thôi. Mãi đến năm 1965, nhìn thấy cái máy bay Mỹ, rồi thấy không quân bay lượn trên trời thì mới mơ mộng, giá mà được đi bay thì cũng thích. Nhưng phi công lúc đó vẫn là một cái gì cao xa lắm”.
“Cái khao khát được rời khỏi mặt đất lên trời là tôi nung nấu lắm. Nên khi được ông đoàn trưởng gọi lên để thông báo đi tuyển phi công thì đã hồi hộp lắm. Nhất là hôm tuyên bố đã trúng tuyển, ngày mai lên đường vào trường bay. Đó có lẽ là lần đầu tiên tôi cảm thấy phấn chấn khi được đặt chân vào nghề mà sang Nga mình mới hiểu nó thế nào, chứ ở Việt Nam là chưa hiểu hết”.
 Trung tướng Phạm Tuân vẫn thường ngắm máy bay mô hình để hoài niệm về ngày xưa.
Một số bạn bè ông bảo, có khi ông viết hồi ký thì sẽ bán chạy đấy. Ông bảo ông mà viết thì chắc chẳng ai đọc đâu. Bởi cái ông làm chẳng giống ai làm cả. Cuộc đời Phạm Tuân, những bước đi của Phạm Tuân, có lẽ chỉ diễn tả bằng một từ: Ngược dòng. Là bởi bình thường người ta đi tuyển phi công, không bay được thì phải xuống làm thợ máy, không thì làm cái này cái khác. Còn ông làm thợ máy không được thì mới đi bay, không bay được thì bay vũ trụ.
“Để xem lên vũ trụ mày ngủ thế nào!”
Ít ai biết rằng thời khắc chuẩn bị bay vào vũ trụ, thay vì hồi hộp lo lắng thì anh phi công Phạm Tuân lại... ngủ. Trung tướng Phạm Tuân kể: “Chuyện này khi gặp lại nhau ông Gorbatko (nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko) vẫn kể lại. Hôm đó buổi chiều thì đi bay. Ăn cơm trưa xong thì về nghỉ đến 3h thì phải ra để thay quần áo, cạo râu cắt tóc để lên tàu. Lúc về phòng nghỉ thì tôi cũng nghĩ, không biết sống trên tàu thì như thế nào nhỉ. Nghĩ được một tí thì tôi cũng ngủ luôn. Đến lúc ông Gorbatko sang gõ cửa, nhìn thấy tôi ngủ, ông ấy mới chửi: “Mẹ cái thằng này. Tao nằm mãi không ngủ được. Trước khi bay thường còn không ngủ nổi. Thế mà trước khi bay vũ trụ mà mày còn ngủ được. Để xem lên vũ trụ mày ngủ thế nào”. Nhưng ngay cả trên vũ trụ, tôi vẫn cứ ngủ bình thường. Cứ hết giờ bảo đi ngủ là ngủ được”.
“Cho đến giờ gặp tôi, ai cũng hỏi khoảng thời gian sống trong vũ trụ có điều gì đáng nhớ. Nói chung cái gì cũng nhớ bởi cái gì cũng đặc biệt, nó chỉ xảy ra một lần thôi mà. Lúc cất cánh, nghĩ mình đang nằm chót vót trên quả tên lửa, dưới thì có biết bao nhiêu là tấn thuốc nổ thì kinh khủng lắm. Rồi lúc nó phóng ù ù lên, nó xoay phải xoay trái, nó ngật ngưỡng, nó thả tầng thứ nhất, thả tầng thứ hai... Những cái đó làm tôi cứ giật mình thon thót. Rồi lần đầu tiên bay vào điều kiện không trọng lượng, người mình lơ lửng nổi lên, giấy bút mọi thứ bay lơ lửng. Thích lắm. Lúc đó nhìn thấy bầu trời xanh xanh, trái đất ở bên dưới, những cái đó thì không quên được” trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.
Trung tướng Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 vào ngày 23/7/1980 và trở về Trái Đất ngày 31/7/1980 tên tàu Soyuz 36. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô Viết khác. Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Ông cũng tiến hành các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu. Du hành đoàn ở trong không gian trong vòng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút, thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất.
Tô Hội

Bình luận(0)