Làm sao để tránh vướng tội “Không tố giác tội phạm”?

Google News

Thêm 2 đối tượng trong vụ cướp xe máy nữ công nhân vệ sinh ở Hà Nội đã bị tạm giữ để điều tra hành vi không tố giác tội phạm. Vậy, phải làm thế nào để tránh vướng tội "Không tố giác" khi người thân, quen phạm tội?

Ngày 8/8, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết đã bắt tam giam và đang tiếp tục điều tra thêm 2 đối tượng trong vụ án cướp tài sản của nữ công nhân vệ sinh (xảy ra trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về hành vi không tố giác tội phạm. 2 nghi phạm này là Nguyễn Huy Hoàng (21 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) và Lê Thùy Trang (17 tuổi, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Được biết, khi các đối tượng trộm chiếc xe máy của nữ lao công đã kể cho Hoàng, Trang. Tuy nhiên, 2 người này không tố giác đến cơ quan chức năng thậm chí còn đồng lõa với các đối tượng để tẩu tán tài sản.
Lam sao de tranh vuong toi “Khong to giac toi pham”?
Hai nghi phạm Hoàng và Trang tại cơ quan Công an. 
Trước đó cũng rất nhiều vụ việc tương tự cũng đã xảy ra, đơn cử như vụ việc của chị Nguyễn Thị Vân (SN 1980, trú uyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Trong quá trình sinh sống với Dương Văn Sáng (SN 1973, trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - chồng "hờ" của Vân), chị biết Sáng buôn bán ma túy nhưng không tố giác tội phạm. Sau khi chồng "hờ" bị bắt vì buôn bán 1 bánh heroin. Ngày 29/6, Viện KSND huyện Kỳ Sơn Vân đã phê chuẩn quyết định khởi tố Vân.
Lam sao de tranh vuong toi “Khong to giac toi pham”?-Hinh-2
 Nguyễn Thị Vân tại cơ quan Công an. 
Một vụ án khác xảy ra tại Lào Cai vào hồi tháng 3/2021, Giàng Seo N. (16 tuổi, trú tại Bắc Hà, Lào Cai) bị truy tố về tội giết người. Kéo theo đó là 3 người thân gồm bố, mẹ và bà nội của N. bị khởi tố tội không tố giác tội phạm do biết hành vi sai trái của con mà không tố cáo đến cơ quan công an.
Lam sao de tranh vuong toi “Khong to giac toi pham”?-Hinh-3
Khu vực nơi xảy ra vụ án. 
Thực tế cho thấy rất nhiều vụ án người phạm tội kéo theo cả người thân vướng vào vòng lao lý. Bởi lẽ, khi người ta đến bước đường cùng thì phản xạ tự nhiên là cầu cứu người thân, gia đình, người quen... Trong tình huống khi người thân, quen phạm tội chúng ta phải hành xử thế nào để không vi phạm pháp luật như những ví dụ kể trên? 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này, luật sư Đặng Đình Ngọc, Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn thế xã hội, của tất cả mọi người chứ không phải riêng cơ quan nhà nước. Mỗi người khi phát hiện hành vi hoặc sự việc có dấu hiệu tội phạm đều phải nhanh chóng báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Và nếu không thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội "Không tố giác tội phạm" hoặc nếu có hành vi che giấu gây cản trở cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra sau này thì có thể bị truy cứu về tội "Che giấu tội phạm" theo quy định của Bộ luật hình sự.
Lam sao de tranh vuong toi “Khong to giac toi pham”?-Hinh-4
Luật sư Đặng Đình Ngọc, Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
"Bên cạnh đó pháp luật còn quy định hành vi che giấu tội phạm tại Điều 18 Bộ luật Hình sự. Theo đó che giấu tội phạm là không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Che giấu tội phạm cũng được coi là hành vi phạm tội. Người có hành vi che giấu tội phạm cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với tình cảm của những người thân với nhau thì việc can ngăn một người phạm tội là điều có thể thực hiện được. Việc ngăn chặn tội phạm từ giai đoạn chuẩn bị, khiến cho người thân của mình bỏ ý định phạm tội là việc làm rất ý nghĩa" - luật sư Ngọc cho hay.
Luật sư Ngọc chia sẻ, trong trường hợp tội phạm đã được thực hiện mà buộc phải tố giác thì trước hết hãy khuyên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền để tự thú, đồng thời giúp người phạm tội khắc phục hậu quả. Sau đó nên mời luật sư bảo chữa cho người đó. Cuối cùng nếu không thể khuyên họ tự thú được thì tố giác họ.
Cũng trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, các hành vi phạm tội có thể nói là vẫn diễn ra nhiều và người thực hiện tội phạm cũng trải dài ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nguyên tắc của Luật hình sự và Tố tụng hình sự khi xử lý tội phạm là đúng người, đúng tội, đúng mức độ.
Lam sao de tranh vuong toi “Khong to giac toi pham”?-Hinh-5
  Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Hoàng Tùng cho biết thêm, một hành vi phạm tội có thể do một cá nhân, tổ chức thực hiện hoặc cũng có thể là nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện với vai trò là đồng phạm. Có rất nhiều trường hợp bị nhầm lẫn giữa đồng phạm và không tố giác tội phạm. Một vấn đề khá nhiều người quan tâm đó là không tố giác tội phạm thì bị xử lý như thế nào? Nếu người phạm tội là người thân của mình thì hành xử ra sao?
Trước tiên, không tố giác tội phạm được hiểu là Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác tới cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn thì phải chịu truy cứu TNHS theo điều 390 của BLHS.
"Theo Điều 19 BLHS quy định: Không tố giác tội phạm xác định những đối tượng sau đây sẽ không phải chịu TNHS nếu không tố giác tội phạm đó là: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Đây là các đối tượng thuộc người thân thích của người phạm tội. Pháp Luật cũng xét đến những sự khó xử và mối quan hệ thân thích khi quy định điều này. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không tố giác và phải chịu TNHS đó là không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Việc không tố giác ở đây chỉ đơn thuần là biết nhưng không tố giác. Trường hợp biết người thân thực hiện hành vi phạm tội, không tố giác và còn giúp đỡ người phạm tội che giấu, bỏ trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra thì vẫn phải chịu TNHS tùy vào hành vi cụ thể: Có thể là trở thành đồng phạm với người phạm tội, phạm tội, có thể bị truy cứu TNHS về tội phạm mới trong quá trình giúp đỡ…" - luật sư Tùng chia sẻ.
Luật sư Tùng nói: "Mỗi một công dân đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước, bảo vệ và phát triển xã hội, chính vì thế mà phát hiện và tố giác tội phạm cũng được xem như là nghĩa vụ của công dân. Cho dù người phạm tội là người thân của mình, thì trước tiên nên khuyên người phạm tội đi đầu thú hoặc tự thú. Đối với hành vi phạm tội thì cần thiết phải tố giác tới cơ quan chức năng. Điều này không chỉ là nghĩa vụ mà còn là có lợi cho người phạm tội: Để người phạm tội sớm nhận thức về hành vi vi phạm của mình, tránh phát sinh tội phạm tiếp theo và gia tăng hậu quả của tội phạm".
>>>> Xem thêm video: Hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)