Ký ức 17/2/1979: Thảm sát Tổng Chúp, nỗi đau còn ám ảnh (kỳ cuối)

Google News

(Kiến Thức) - Giờ hòa bình trở lại, hận thù đã cởi bỏ, người dân Cao Bằng chỉ mong một cuộc sống yên ổn, không bao giờ tái diễn một sự việc đau buồn như thảm sát Tổng Chúp.

Kỳ 2 (Kỳ cuối): Thôi thì gạn đục khơi trong

Tổng Chúp hiện tại bừng lên một sức sống mới mãnh liệt, phần lớn những người chúng tôi đã gặp là dân di cư đến đây sinh sống từ sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, một số nhân chứng đã mất, số khác trải qua sự kiện bi thảm 40 năm trước cũng chuyển đi nơi khác bởi những nỗi đau mất mát quá lớn, bởi họ sợ đối mặt với ám ảnh quá khứ.

Chiến tranh đã qua, cuộc sống mới có nhiều thay đổi, đã yên bình được 40 năm. Ở mảnh đất phên dậu này, có những con người mới chuyển đến. Có thể họ không biết hay không còn nhớ nhiều đến những ngày kinh hoàng cũ.

Đối với một vài người ít ỏi còn bám trụ lại sau cơn hoạn nạn ấy, thì ký ức vụ thảm sát ấy vẫn quá khủng khiếp.

Bà Nông Thị Nương ở khu Đức Chính, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, kể lại, lúc quân Trung Quốc đánh tới thị xã, thời điểm ấy bà mới có 15 tuổi, nhờ chạy vào khu rừng gần đó nên thoát chết. Bà bảo, hôm đó là tảng sáng ngày 24/2, đang ngủ chưa dậy, thì bất ngờ bà nghe thấy tiếng nổ như bom phía sau nhà, người thì bị sức ép thổi bắn vào tường. Lồm cồm bò dậy, bà cùng mọi người mới biết là phía sau nhà mình bị trúng một quả đạn pháo, cái bếp tan tành, may lúc đấy không ai ở đó.

Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)
Bà Nông Thị Nương.

Biết quân Trung Quốc đã đánh vào, không ai bảo ai, bà cùng người thân cứ thế cắm đầu cắm cổ chạy thẳng ra ngoài, không kịp mang theo bất cứ đồ đạc gì. Ra đến đường lớn, đã thấy quân lính và xe tăng Trung Quốc rầm rập đông vô số kể, la hét đốt phá ầm ỹ. 

Đến lúc bà cũng người thân vượt qua được bên kia sông, chạy hướng về sâu trong nội địa, thì mới biết dân Tổng Chúp cũng như các xã xung quanh cũng đều chạy về phía ấy.  Lúc đó, vắng bóng quân Trung Quốc, mọi người tưởng đã yên bình nên tụ tập nhau lại, bàn tính sẽ kéo nhau về Bắc Kạn lánh nạn, chờ tình hình yên ổn mới trở về thu dọn đồ đạc.

Nhưng đoàn người mới chỉ đi được quãng ngắn thì lại rơi vào bẫy phục kích của lính Tàu. Chúng bắn lia 1 loạt súng thẳng vào giữa đám đông, những thi thể đổ gục xuống như cây chuối. Tất cả bỗng chốc tán loạn mỗi người chạy một hướng, người lao xuống suối, người chạy thẳng về phía rừng già, người ba chân bốn cẳng chạy thẳng về phía trước. Bà Nương chạy theo một người hàng xóm, đến lúc hoàn hồn trở lại thì mới nhận ra là người thân trong gia đình không còn ai bên cạnh mình.

Bà Nương cùng những người sống sót đành chui vào trong hang đá ẩn náu. Ngày thì ngồi im trong hang, đên đến thì mò ra hái lá rừng, đào củ sắn, củ mài ăn cho để tồn tại. Về sau, nghe bảo quân Trung Quốc đã rút, mọi người lục tục kéo về. Tất cả chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát, vết cháy xém cùng xác người vương vãi khắp nơi.

Về đến nhà, bà Nương kinh hoàng khi biết trong đám đông bị xả súng hôm ấy, nhóm mấy chục công nhân xấu số ở trại lợn Đức Chính, toàn phụ nữ và trẻ em,đã không chạy thoát, tất cả đều bị bắt và hành quyết. Hôm dân quân thông báo hộ gia đình nào có người còn mất tích thì ra giếng cổ xem có phải người nhà mình không để nhận về chôn cất, bà cứ bồn chồn không yên.  Cũng thật may là những thành viên trong gia đình bà đều được bảo toàn mạng sống, về sau đoàn tụ, họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi.

“Tại sao lại có chiến tranh, chúng tôi chỉ là dân thôi mà”, bà Nương thảng thốt.

Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-2
 
Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-3
Với ông Đinh Ngọc Tinh, những gì đã xảy ra 40 năm trước quá đỗi đau thương và khủng khiếp 

Cùng đám đông chạy loạn hôm 24/2/1979 đó, người mẹ của ông Đinh Ngọc Tinh (Khu Đức Chính, xã Hưng Đạo, tp Cao Bằng) đã bị quân Trung Quốc giết hại trong vụ thảm sát ngày 9/3. Bà tên Tô Thị Yến, năm đó bà Yến 41 tuổi.

Ông Tinh kể lại, về sau có người còn sống sót cho biết là nhóm công nhân trại lợn cùng bà Yến và một số người dân khác chạy đến cây số 5 trên đường đi Bắc Kạn thì gặp phải một toán lính khác của Trung Quốc. Lúc đó, chúng không bắn mà trói nghiến tất cả lại rồi giải về Tổng Chúp. Ông Tinh biệt tin mẹ, cho đến ngày biết được mẹ mình đã bị chúng vùi lấp xuống cái giếng cổ.

Ở cái nhóm người bị bắt đấy, không hiểu sao dân cứ chạy đi đâu, thì quân Trung Quốc theo đến đó, về sau mới biết là trong đám đông đã có kẻ chỉ điểm.

Hôm trở lại Tổng Chúp, ông Tinh cùng mọi người trong nhà đều trở về hết, chỉ thiếu mỗi mẹ. Cho đến lúc thu dọn hết tất cả mọi thứ, thì dân quân thông báo sẽ bốc những thi hài dưới giếng cổ. Nghe vậy, bố ông gọi các chú chạy ra xem có tìm thấy bà Yến ở đó không. Những xác chết được đưa lên đều không phải, niềm hy vọng mẹ mình còn sống sót tăng dần. Nhưng đến người dưới cùng của cái giếng, ông Tinh mới bàng hoàng nhận ra đó là mẹ mình. Như những nạn nhân khác, bà Yến cũng bị bịt mắt, trói tay, bị gậy tre đập thẳng vào đầu. Và bà là nạn nhân đầu tiên của vụ thảm sát khủng khiếp 40 năm trước.

Ông Tinh bảo, có những thời điểm, không lúc nào ông được yên giấc, có những lúc giật mình giữa đêm thảng thốt. Giờ nỗi đau cũng đã qua, hận thù ông đã cởi bỏ, ông cùng gia đình chỉ mong một cuộc sống yên ổn, không bao giờ tái diễn một sự việc đau buồn như thế nữa.

Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-4
Cao Bằng bị tàn phá trong cuộc chiến 1979. (Ảnh tư liệu)
Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-5
Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh ở Cao Bằng. (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi tiếp tục đi một vòng quanh xã Hưng Đạo. Với những nhân chứng khác của vụ thảm sát, qua thời gian 40 năm mà câu chuyện  bi thảm ấy vẫn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, cảm giác căm phẫn nay đã không còn, chỉ có sự thương cảm giành cho các nạn nhân xấu số năm ấy thì lúc nào cũng như trước.

Giờ hòa bình trở lại, hận thù đã cởi bỏ, họ  chỉ mong một cuộc sống yên ổn, không bao giờ tái diễn một sự việc đau buồn như thế nữa.

Xã Hưng Đạo đang từng ngày thay đổi, Tổng Chúp cũng thay đổi, tràn đầy sức sống mới. Giếng nước đã bị người dân nơi đây lấp đi, như muốn xóa nhà hết những ký ức đau thương cũ.

Khi chúng tôi đi dọc Cao Bằng, dù là Tổng Chúp nói riêng với nỗi đau quá lớn, thì ở những địa điểm khác của mảnh đất miền biên viễn này, vẫn không thiếu những cơn đau, những tiếng thở dài hay những giọt nước mắt khi nhắc đến ký ức tháng 2/1979, có những căn nhà nhỏ chưa bao giờ có được bữa cơm trọn vẹn.

Chiến tranh đã lùi xa từ lâu, 40 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó…

Và câu chuyện này, chúng tôi viết lại, miêu tả kỹ, không phải là muốn khơi dậy nỗi đau năm xưa, hay là kích động hận thù, mà muốn tất cả chúng ta cần phải có cái nhìn chính xác, khách quan hơn về những đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã trải qua trong quá khứ. Chiến tranh biên giới 1979 là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử. Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ.

Đó cũng là sự ghi nhận những giá trị của lịch sử, giá trị của hòa bình, khi mà cho đến tận năm 1991, tiếng súng mới ngừng vang lên trên biên giới. Đó là điều mà những thế hệ đi trước, cũng như những thế hệ ngày hôm nay đã, đang nỗ lực phấn đấu và luôn hướng tới.

Minh Hải

>> xem thêm

Bình luận(0)