Kỳ 3: Nghĩa địa mộ cổ khổng lồ
Khi nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) tiết lộ ngôi mộ cổ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay mà ông vẫn giấu, ở xã Liên Hòa (Kim Thành, Hải Dương), tôi đã lập tức tìm về xã Liên Hòa. Tuy nhiên, “quả đồi” lớn cao vượt ngọn tre, án ngữ trước UBND xã Liên Hòa đã biến mất.
Theo người dân ở đây, nó đã bị phá để lấy đất đắp con đường liên thôn dài 500m xuyên qua cánh đồng. Người dân kể, nguyên lượng gạch và đất của ngôi “mộ Tàu”, đủ đắp một con đường rộng rãi, cao hơn mặt ruộng 1m.
Tôi thẫn thờ đi trên bãi đất trống, nơi từng có ngôi mộ, thẫn thờ đi nhặt những viên gạch cổ có hoa văn đặc trưng thời Bắc thuộc thòi lòi bên vệ đường. Quả là xót xa, một di sản hàng ngàn năm tuổi biến mất bởi sự thiếu hiểu biết của người dân, bởi sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ngôi mộ đã bị phá một cách công khai, rầm rộ.
Tôi chợt nhớ đến lời than thở của ông Tăng Bá Hoành: “Lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể nước ta gần như trống hoác giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc. Chỉ có duy nhất những ngôi mộ Hán là còn nguyên vẹn, lưu giữ đầy đủ nhất những thông tin về thời đoạn đó. Tiếc rằng, chúng ta không biết bảo vệ, chúng ta vẫn thi nhau phá”.
|
Ông Tăng Bá Hoành trong một ngôi mộ cổ khổng lồ. |
Khi về xã Liên Hòa, không được tận mắt ngôi mộ mà ông Hoành cho là lớn nhất Việt Nam, nhưng tôi lại được các cụ già nơi đây kể rằng, ở làng cạnh, có một nghĩa địa “mộ Tàu”, có những ngôi mộ lớn tương đương ngôi mộ khổng lồ đã bị phá trước UBND xã Liên Hòa.
Nghe được thông tin như vậy, tôi mừng quýnh, liền tìm về làng Phí Xá. Ngôi làng nằm cạnh con sông nhỏ, chảy uốn lượn vòng quanh. Hỏi về ngọn đồi giữa cánh đồng, một số người dân trong làng bảo: “Nghe đồn dưới những đống đất ấy có mộ tổ của họ Phí. Anh cứ tìm vào nhà ông Phí Quang Đoán mà hỏi, ông ấy là trưởng ban liên lạc của họ Phí vùng này”.
Trước đó, để tìm câu trả lời về chủ nhân của các ngôi mộ cổ khổng lồ có nhiều ở Hải Dương, tôi đã tìm đọc nhiều trang sách, tài liệu cổ có nhắc đến vùng đất này.
Theo các sách cổ như Dư địa chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, huyện Kim Thành trước đời Hồng Đức (1470) có tên là Cổ Phí hoặc còn gọi là Phí Gia. Huyện Phí Gia khi đó rất rộng, bao gồm toàn bộ huyện Kim Thành và một phần huyện Kiến Thụy, huyện An Lão và TP. Hải Phòng.
Vào thế kỷ thứ 5, năm 456, vua Bắc Tống cử ông Phí Yêm sang Giao Châu làm Thứ sử, cai trị vùng đất này đến năm 465, tức 9 năm. Tuy nhiên, nhà Bắc Tống mất, ông Phí Yêm không về nước nữa, mà ở lại lập nghiệp, định cư. Dòng họ Phí phát tích từ đây giàu có rực rỡ.
Ngôi nhà của ông Phí Quang Đoán nằm chìm nghỉm giữa một vùng cây cối rậm rạp, thòi lòi ra giữa cánh đồng. Trước mặt là con sông nhỏ, có lẽ gọi là mương cũng được. Khung cảnh thanh tịnh, vắng vẻ. Thế nhưng, trong sân có khá đông người ngồi trên những chiếc ghế đá dưới gốc cây. Ông Đoán là thầy thuốc. Có rất nhiều bệnh nhân chầu chực ở nhà ông chờ đến lượt được bốc thuốc, chữa bệnh.
Ông Đoán ngoài 80 tuổi, song tướng mạo rất đẹp, trí tuệ minh mẫn. Ông từng có nhiều năm phục vụ trong quân đội, khi về hưu thì tiếp tục sự nghiệp bốc thuốc mà cha ông, tổ tiên họ Phí truyền lại.
Theo ông Đoán, tại ngôi làng Phí Xá và tại chính mảnh đất ông đang ở, là nơi cụ Phí Yêm định cư. Điều đặc biệt là dù đã trải hơn 15 thế kỷ, song con cháu cụ Phí Yêm vẫn bám đất này, vẫn đời nọ đời kia hương khói cho tổ tiên.
|
Ông Phí Quang Đoán tin rằng, nghĩa địa mộ cổ khổng lồ cạnh làng Phí Xá là của tổ tiên ông. |
Theo cuốn gia phả mà ông Phí Quang Đoán, con cháu nhiều đời của cụ Phí Yêm đang giữ, thì khi sang Giao Châu nhận nhiệm vụ, đi đến vùng đất liền cách biển không xa, cực kỳ hoang vu, cỏ cây lau lách rậm rạp, phù sa màu mỡ, nên đã dừng chân, dựng trại.
Cụ Phí Yêm lấy mảnh đất bao bọc bởi sông Cầu Vàng và sông Cầu Đồng làm nơi đặt “trụ sở”, rồi cắm đất từ sông Kinh Môn xuống tận sông Rang, ra tới cửa biển Văn Úc ở huyện An Lão, rộng hàng chục ngàn mẫu để làm trang trại canh tác.
Khi đó, con cháu, gia nô sống trong trang trại gồm gần ngàn người, đều mang họ Phí, nên ông đã đổi tên thành Phí Gia Trang. Các đời vua sau của Trung Quốc, thấy vùng đất đó toàn người họ Phí sinh sống, bèn đặt tên là huyện Phí Gia.
Theo sử sách, ông Phí Yêm là một viên quan nhân hậu, cai trị dân bằng lòng nhân ái, chính vì thế, suốt thời gian tại chức Thứ sử Giao Châu, vùng đất này không có loạn lạc. Cổ sử của cả Trung Quốc và Việt xưa đều không có dòng nào phê phán tư cách của ông.
Cụ Phí Yêm thọ hơn 70 tuổi, mất vào cuối thế kỷ thứ 5 ở Phí Gia Trang. Nhân dân trong vùng nhớ ơn cụ Phí Yêm, người lập làng, khai hoang vùng đất, đã lập miếu thờ, rồi cụ trở thành phúc Thần Thành Hoàng làng, hương khói ngàn năm nay.
Đời sau, nhân vật Phí Yêm được coi là người khai phá đầu tiên vùng đất Kim Thành. Tuy nhiên, thời Pháp, năm 1946, bom đạn đã phá hủy sạch sẽ đình miếu thờ cụ Phí Yêm.
Tương truyền, con cháu đã xây dựng cho cụ một ngôi mộ khổng lồ, đắp to như quả núi ở bên sông Cầu Vàng, đứng xa vài dặm vẫn nhìn thấy mộ. Ngôi mộ của cụ Phí Yêm nằm ở phía Đông Nam của trung tâm gia trang. Sau này, các đời con cháu, làm quan to, đều được dựng mộ lớn ở cạnh mộ cụ Phí Yêm, tạo nên một quần thể nghĩa địa mộ Hán khổng lồ rộng cả trăm mẫu.
Cụ Phí Yêm sinh được 3 người con, mỗi người cai quản một vùng đất rộng lớn hàng ngàn mẫu của Phí Gia Trang. Nhiều đời sau, họ Phí vùng Phí Gia Trang đều sinh ra nhân tài, làm quan lớn và cai trị những vùng đất rộng lớn, rồi chết cũng được chôn tại nghĩa địa ở “trung tâm hành chính” Phí Gia Trang.
|
Ông Phí Quang Đoán đứng trên một ngôi mộ cổ khổng lồ, đắp cao như quả đồi. |
Khu nghĩa địa khổng lồ ấy đã tồn tại suốt 15 thế kỷ. Nhưng đến thời cải cách ruộng đất, cả khu nghĩa địa rộng mênh mông đã bị san phẳng, những ngôi mộ khổng lồ đã bị đào bới, phá hủy để làm ruộng. Chính vì thế, khu nghĩa địa mênh mông, với hàng chục ngôi mộ Hán khổng lồ như những “cung điện dưới lòng đất”, giờ thu hẹp lại chỉ còn độ vài chục ngàn mét vuông.
Ông Đoán dẫn tôi ra trước cổng nhà, đứng bên con sông Cầu Vàng, chỉ tay ra bốn bề bảo: “Vùng đất này như một ốc đảo, được bao bọc bởi 2 con sông là Cầu Vàng và Cầu Đồng. Tại ốc đảo này, có thể họ Phí đã lập làng, xây dựng gia trang, đặt nền móng, rồi phát triển ra khắp Việt Nam”.
Theo truyền thuyết, sở dĩ hai con sông này có tên là Cầu Vàng và Cầu Bạc, bởi xưa kia, tổ họ Phí đã cho xây dựng hai cây cầu, một dát vàng, một dát bạc qua hai con sông, nên lấy tên sông như vậy.
Đứng bên con sông Cầu Vàng, nhìn theo hướng chỉ tay của ông Đoán, tôi thấy bên kia con sông, cách mấy thửa ruộng, có một nghĩa địa với mồ mả đỏ choe choét. Cái nghĩa địa đó rộng mênh mông và đúng là cao vượt ngọn tre. Điều đó có nghĩa là, những ngôi mộ mới đã nằm trên nghĩa địa mộ Hán, tức nghĩa địa mộ cổ khổng lồ có thể là của họ Phí.
Mặc dù chỉ cách con sông nhỏ xíu và vài thửa ruộng, song tôi và ông Đoán phải đi vòng 3km mới tới khu nghĩa địa của tổ tiên họ Phí. Qua nhiều lần chia tách hành chính, Phí Gia Trang rộng nhiều ngàn mẫu, gồm 3 huyện, giờ đã biến mất, chỉ còn lại ngôi làng mang tên Phí Xá (phần lớn cư dân làng Phí Xá mang họ Phí) nơi ông Đoán ở, còn nghĩa địa của tổ tiên họ phí đã “nhảy” sang xã Đồng Gia.
Đứng giữa “ngọn núi”, chỉ tay vào những ngôi mộ xanh đỏ xây kiên cố ông Đoán buồn rầu nói: “Từ hàng ngàn năm nay, họ Phí trong làng Phí Xá vẫn hương khói trên khu mộ của tổ tiên. Thế nhưng, từ khi khu mộ tổ bị chia về xã khác, rồi chiến tranh loạn lạc, con cháu họ Phí phải ra chiến trường, nên khu mộ tổ tiên bị bỏ hoang. Khu mộ mênh mông bị san phẳng phần lớn để làm ruộng, rồi người dân chôn người chết, cải táng người chết trên nóc mộ tổ tiên nhà mình, mà không làm gì được”.
Đứng giữa trung tâm một gò đất cao nhất, ông Đoán bảo, ông Tăng Bá Hoành (khi đó đương vị Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) khi về xã Liên Hòa đọc bia đá thời Lý khai quật được ở một ngôi chùa, đã bất ngờ phát hiện một “ngọn đồi” giữa cánh đồng, bao bọc bốn bề bởi tre pheo. Ông Hoành đã tìm gặp ông Đoán để đề xuất được khảo sát những đống đất khổng lồ đó.
Sau khi đào một hố thám sát, ông Hoành cho biết, dưới lòng đất là hàng loạt những ngôi mộ Hán khổng lồ. Những ngôi mộ lớn như những “cung điện” dưới lòng đất, có 3-4 vòm cuốn, rộng cả sào đất, được xếp bằng hàng chục vạn viên gạch cổ, ngôi nhỏ cũng rộng cả trăm mét vuông.
Những ngôi mộ Hán này còn được gọi là mộ gạch, hay mộ vòm cuốn. Khi một vị quan lớn chết đi, sẽ có hàng ngàn người được huy động, đào một vùng đất rộng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét vuông, sâu chừng 0,5 đến 1m. Họ sẽ lắp ghép những viên gạch hình múi bưởi, được phết chất kết dính đặc biệt, thành những vòm cuốn dài dằng dặc, sâu hun hút, như những đường hầm.
Các vòm cuốn thường cao đến gần 3m, người ngựa có thể đi lại thoải mái bên trong. Các vòm cuốn chạy song song với nhau, được nối với nhau bằng các con đường nhỏ.
|
Hàng trăm ngôi mộ của người dân chôn cất mấy trăm năm nay trên nóc của một ngôi mộ Hán từng cao như quả đồi. |
Trong những ngôi mộ này thường có nhiều phòng. Phòng chứa thức ăn, phòng chứa vật dụng, phòng chứa báu vật và phòng lớn nhất là nơi đặt xác người chết. Khi ngôi mộ hoàn thành, các cửa sẽ được xây bịt kín và hàng ngàn nhân công sẽ thực hiện công việc dời non lấp bể: đào đất lấp ngôi mộ.
Với phương pháp thủ công, chỉ gồm cuốc, xẻng, để đắp ngôi mộ cao như ngọn núi, rộng hàng ngàn mét vuông, với hàng vạn khối đất, đủ biết tốn kém và cầu kỳ như thế nào.
Tôi đã gặp ông Tăng Bá Hoành, hỏi về nghĩa địa mộ Hán khổng lồ có tuổi 15 thế kỷ của họ Phí. Ông Hoành đánh giá đây là một khu mộ cổ cực kỳ quý giá, khá rõ chủ nhân và nguyên vẹn. Hiện tại, khu mộ vẫn được bảo quản khá tốt bởi dòng họ Phí ở làng Phí Xá.
Tôi hỏi về biện pháp bảo vệ khu di chỉ khảo cổ quý giá này, theo ông Hoành, tốt nhất là cứ để họ Phí trông nom. Vài chục, hoặc vài trăm năm sau, khoa học phát triển, có điều kiện nghiên cứu, phục dựng, bảo quản thì mới nên khai quật. Khi đó, cả một nghĩa địa mộ cổ khổng lồ phát lộ, có thể chứa nhiều báu vật, sẽ là một bảo tàng vô cùng sinh động.
Theo ông Phí Quang Đoán, theo đề xuất của dòng họ Phí, UBND tỉnh Hải Dương đã đồng ý về chủ trương cho khai quật khu mộ Hán cổ có tuổi 15 thế kỷ này. Tuy nhiên, với diện tích lên đến hơn 10 ngàn mét vuông, khối lượng đất khổng lồ, cả chục vạn mét khối, lại có hàng trăm ngôi mộ xây kiên cố của nhân dân nằm trên nóc khu nghĩa địa mộ Hán này, nên việc khai quật không phải đơn giản, chi phí lại cực kỳ tốn kém. Chính vì thế, họ Phí chưa thể thực hiện việc khai quật. Để tiến hành trùng tu, bảo quản, tiến tới khai quật, họ Phí cả nước còn phải họp bàn chán chê.
Ông Phí Quang Đoán dẫn tôi đến một gò đất nằm tách biệt hẳn khu mộ, rồi ông chỉ vào những hố đào trên nóc mộ đã bị cỏ dại phủ kín. Theo ông Đoán, mấy năm trước, ngôi mộ cổ này đã bị trộm đào tung tóe. Con cháu ông Đoán đã thu được nhiều gạch cổ thời Hán do trộm đào bới hất lên. Ông Đoán đã chỉ đạo vứt gạch xuống hố rồi lấp đất lại.
Việc bọn mộ tặc có thu hoạch được gì hay không từ vụ đào bới đó thì không ai biết, vì chúng đào vào ban đêm. Người dân trong vùng đồn đại ghê lắm: nào là bọn trộm đã đào được mấy đấu vàng, rồi thì có người nhìn thấy bọn trộm khiêng những bao tải báu vật mấy chuyến liền, rồi thì dưới những ngôi “mộ Tàu” này còn rất nhiều vàng bạc, châu báu…
Những lời đồn như thế, khiến ông Đoán như ngồi trên đống lửa. Ngày nào ông cũng phải dạo qua khu mả rộng mênh mông, cao như quả đồi của tổ tiên mình vài lượt. Hôm nào mệt, ông đều không quên nhắc con cháu đi tuần một vài vòng.
Theo ông Hoành, trong những ngôi mộ Hán thời Bắc thuộc, đều có nguyên một phòng chứa đồ vật chia cho người chết, thậm chí là kho báu. Tuy nhiên, hầu như những kho báu trong những ngôi mộ này đã bị trộm đào bới, ăn cắp từ cả ngàn năm trước rồi. Những ngôi mộ đều đã trải mười mấy thế kỷ, qua nhiều thời kỳ loạn lạc, nên không thể thoát khỏi sự dòm ngó của “mộ tặc”.
Mong rằng, số phận khu nghĩa địa mộ Hán cổ khổng lồ này, không đen đủi như ngôi mộ Hán lớn nhất Việt Nam từng tồn tại hàng ngàn năm giữa cánh đồng, ngay trước UBND xã Liên Hòa.
Còn tiếp…