Phát biểu khai mạc tại hội nghị, GS.VS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, xử lý các kiến nghị của các Hội thành viên đồng thời triển khai thực hiện chương trình công tác năm 2018, 2019 theo kế hoạch đã đề ra, cụ thể: chỉ đạo, hỗ trợ các hội thành viên, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội và vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam phù hợp với Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/04/2010 của Bộ Chính trị về Liên hiệp Hội Việt Nam và Nghị quyết Đại hội VII của Liên hiệp Hội Việt Nam.
|
GS.TS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch LHHKHKTVN phát biếu khai mạc Hội nghị. |
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thăm hỏi, động viên, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức KH&CN nắm vững các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước hăng hái tham gia các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp trong hội; Thực hiện chế độ hỗ trợ cho 152 trí thức theo Kết luận số 59-KL/TW của Ban Bí thư đợt 2 năm 2018.
Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động nắm bắt tình hình tổ chức và hoạt động của hội thành viên, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các Liên hiệp hội địa phương khi các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, GS Minh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng đang phối hợp cùng các hội thành viên triển khai đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị; Sơ kết việc triển khai Kết luận số 102-KL/TW về Hội quần chúng và báo cáo kết quả triển khai kết luận 102-KL/TW tới Ban dân vận Trung ương.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Theo báo cáo kết quả hoạt động của Hội ngành toàn quốc 8 tháng đầu năm 2019, TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, các Hội ngành luôn chủ động thực hiện triển khai nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt nhất đó là hoạt động về tư vấn phản biện, đây là một trong những hoạt động phù hợp với chức năng chính của các Hội ngành toàn quốc và cũng là thế mạnh của các Hội ngành với việc tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hoạt động. Hoạt động này được thể hiện qua việc thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội độc lập, nguồn kinh phí có thể do Liên hiệp Hội Việt Nam cấp hoặc do cơ quan, tổ chức cần thông tin phản biện đề án, dự án đặt hàng, tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến cho các Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản về môi trường, chính sách của Nhà nước, các Quy chuẩn và Tiêu chuẩn quốc gia. Trong năm 2019, một số Hội ngành toàn quốc đã được Liên hiệp Hội Việt Nam hỗ trợ và có những hoạt động tư vấn, phản biện sôi nổi, bám sát tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học của các Hội ngành thường xuyên được mời tham gia vào các Hội đồng tư vấn, phản biện, xét duyệt các công trình, dự án, chương trình, đề tài nghiên cứu các cấp và ý kiến của các chuyên gia của Hội luôn được đánh giá cao. Như một số Hội ngành cũng đã được mời tham gia đoàn giám sát của MTTQ, Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội.
|
TS Phạm Văn Tân – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam |
TS Tân cho biết thêm, ngoài hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, Hội ngành còn phát triển nhiều lĩnh vực như hoạt động phổ biến kiến thức; Hoạt động đào tạo, cung cấp dịch vụ xã hội; Hoạt động về KHCN; Hoạt động giải thưởng, tôn vinh trí thức; Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo TS Tân, mặc dù đã gặt hái được nhiều thành công nhưng vẫn còn số khó khăn đó là trụ sở, thiết bị và điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, chật hẹp, thiếu thốn. Đa số các Hội không có trụ sở làm việc riêng, phải đi thuê hoặc mượn của các cơ quan, đơn vị khác. Phương tiện phục vụ công tác Hội còn hạn chế nên việc triển khai các hoạt động Hội còn gặp nhiều khó khăn.
Một số Hội chưa chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn lực phục vụ cho công tác Hội, dẫn đến không có nhiều kinh phí để duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Công tác quản lý của nhiều Hội ngành toàn quốc chưa chặt chẽ, các hình thức tập hợp trí thức còn đơn điệu, thiên về tính hàn lâm, mà thiếu hoạt động liên kết doanh nghiệp và thiếu tính xã hội, nên xã hội còn ít biết đến Hội. Nội dung các hoạt động chưa hấp dẫn, đặc biệt đối với trí thức trẻ trong các trường đại học, viện nghiên cứu…Một số Hội ngành vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình kiện toàn tổ chức, triển khai công tác kết nạp hội thành viên; gặp nhiều trở ngại khi làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch tổ chức đại hội nhiệm kỳ.
Nhiều Hội ngành toàn quốc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc gửi báo cáo kết quả công tác định kỳ bằng văn bản về Liên hiệp Hội Việt Nam. Một số ít Hội ngành còn chậm tổ chức đại hội nhiệm kỳ theo quy định.
|
TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe TSKH Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày chuyên đề về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội ngành toàn quốc và Dự thảo Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.
Chia sẻ một số kinh nghiệm về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, ông Vũ Hữu Nam – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, những năm gần đây Hội chúng tôi đã phát triển mạnh về hoạt động tư vấn, điển hình là tham gia vào soạn thảo, dự thảo như Luật Kế toán 2015, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cùng các Nghị định hướng dẫn luật, Dự thảo Luật Quản lý thuế 2018, Luật Kế toán, Kiểm toán Nhà nước. VAA đã chủ động chủ trì tổ chức một số cuộc hội thảo về trưng cầu ý kiến các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia giàu kinh nghiệm nhằm tập hợp, sàng lọc những nội dung thiết thực.
Tuy nhiên, theo ông Nam thì Hội vẫn còn một số hạn chế như chưa chủ động tiếp cận thường xuyên với các Bộ ngành, cơ quan để nắm bắt dữ liệu thông tin về dự thảo các văn bản pháp quy (thường là thực hiện theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo); Đội ngũ cán bộ chuyên sâu của Hội tuy nhiều, nhưng phân tán tại nhiều đơn vị thành viên, lực lượng tại cơ quan Trung ương Hội còn ít; Một số bài viết phản biện còn mang tính khái quát, chưa phân tích sâu về cơ sở lý luận và thực tiễn.
|
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam |
Còn theo ý kiến của GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam cho biết, năm 2019, Hội chúng tôi cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau: Các tỉnh, thành hội, các đơn vị trực thuộc Hội vẫn cần quan tâm đến công tác tổ chức, một mặt vừa kiểm tra giám sát, củng cố chặt chẽ về tổ chức, mặt khác vẫn cần chú ý phát triển, kết nạp thêm hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị mình, vừa tuân thủ nghiêm luật pháp, điều lệ Hội, vừa chú ý tìm tòi, sáng tạo nhiều phương pháp, cách thức hoạt động mới theo chỉ đạo chung của Liên Hiệp Hội Việt Nam, hoạt động có hiệu quả tuyên truyền mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các tri thức Tâm lý học và Giáo dục học trong cộng đồng, nâng cao uy tín, thương hiệu của Hội Khoa học Tâm lý- Giáo dục Việt Nam.
Năm nay theo kế hoạch có nhiều các tỉnh, thành hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ. Lãnh đạo Hội đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức Đại hội theo chỉ đạo chung và theo Điều lệ của Hội Khoa học TL-GD Việt Nam, TS Phú chia sẻ thêm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến như Liên hiệp Hội Việt Nam cần tăng cường và đẩy mạnh công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, trong đó lưu ý tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học, để rút kinh nghiệm và triển khai các hoạt động chuyên môn; Đề nghị chính phủ và các bộ chuyên ngành giao việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp cho Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam; Tăng cường sự chỉ đạo, hỗ trợ các hội ngành và Liên hiệp hội các địa phương; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội và các tổ chức thành viên.