Hơn 600 hồ sơ “chứng” tại phòng công chứng giả: Khách “lãnh đủ”!

Google News

(Kiến Thức) - Những hợp đồng được công chứng tại văn phòng công chứng giả sẽ là những hợp đồng vô hiệu. Tất cả hồ sơ đã được ký không nằm trên hệ thống công chứng, khi đem đi giao dịch sẽ bị ngăn chặn nên không thể giao dịch được.

Khách hàng “lãnh đủ”
Ngày 29/9, trao đổi với PV, bà Ngô Minh Hồng, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM cho biết hội đã nhận được thông báo khẩn của Sở Tư pháp TP về vụ việc các cá nhân, tổ chức tại Văn phòng Công chứng (VPCC) Sao Bắc Đẩu (đường Man Thiện, quận 9, TP.HCM) có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép, làm giả và sử dụng con dấu của Văn phòng Công chứng quận 12, công chứng viên Nguyễn Thế Thành (thực tế, công chứng viên này không đăng ký hoạt động hành nghề công chứng tại TP.HCM).
Hon 600 ho so “chung” tai phong cong chung gia: Khach “lanh du”!
Thông báo khẩn của Sơ Tư pháp TP.HCM. 
Sau khi phát hiện sự việc, Sở Tư pháp TP đã thông tin đến các cơ quan, tổ chức biết để không tiếp nhận sử dụng các văn bản công chứng, chứng thực có liên quan đến vụ việc nêu trên. Sở Tư pháp cũng đề nghị các cơ quan khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có sử dụng các giấy tờ trên nên phối hợp thông tin đến Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng TP.HCM.
“Những hợp đồng được công chứng tại Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu sẽ là những hợp đồng vô hiệu vì Sở Tư pháp TP đã thông báo với các cơ quan chức năng. Tất cả hồ sơ đã được ký không nằm trên hệ thống công chứng và khi đem đi giao dịch sẽ bị ngăn chặn nên không thể giao dịch được”, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, khẳng định.
Theo Cơ quan chức năng, đến thời điểm kiểm tra, nơi đây đã công chứng, chứng thực khoảng 600 vụ việc (con số này căn cứ theo số chứng thực trên bản sao thu được).
“Phạt tù đến 7 năm, phạt tiền hàng trăm triệu”.
Chia sẻ với báo chí, Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) phân tích theo điều 74 Luật Công chứng 2014: "Các cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề công chứng mà hành nghề công chứng dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Hon 600 ho so “chung” tai phong cong chung gia: Khach “lanh du”!-Hinh-2
Căn nhà 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, nơi được dùng làm VPCC Sao Bắc Đẩu sáng 29/9 và thông tin VPCC giả được rao công khai trên mạng.  
Hành vi sử dụng thẻ công chứng viên giả sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được. Tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ giấy tờ đã công chứng giả và bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp còn phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm. Đối chiếu với vụ việc Văn phòng Công chứng Sao Bắc Đẩu vừa xảy ra thì người làm giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" với mức phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội thuộc tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Chính quyền địa phương có vô can?
Luật sư Nguyễn Thành Công nhận xét: Về trách nhiệm trong công tác quản lý, UBND quận, phường có trách nhiệm phải biết và quản lý hoạt động của văn phòng công chứng, trường hợp phát hiện hoạt động không phép phải báo ngay cho Sở Tư pháp để kiểm tra, xử lý chứ không phải để đến hơn 600 hồ sơ được công chứng bất hợp pháp mới xử lý như hiện tại.
Hon 600 ho so “chung” tai phong cong chung gia: Khach “lanh du”!-Hinh-3
Về trách nhiệm trong công tác quản lý, UBND quận, phường có trách nhiệm phải biết và quản lý hoạt động của văn phòng công chứng... 
Tuy nhiên, theo Luật sư Công thì cũng cần nhìn nhận rằng việc văn phòng công chứng hoạt động "chui" sẽ không thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập nên không có hồ sơ để các cấp có thẩm quyền quản lý; thêm vào đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra còn thiếu dẫn đến không thể phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm. Đây là một bài học để các cơ quan có thẩm quyền phải sâu sát hơn trong quản lý hoạt động công chứng, một ngành nghề kinh doanh đặc biệt mà nếu có vi phạm sẽ gây ảnh hướng lớn đến rất nhiều người trong xã hội.
Có thể yêu cầu bồi thường nếu thiệt hại
Theo các Luật sư thì việc ký đến hơn 600 hợp đồng, văn bản công chứng ngoài phát sinh các trách nhiệm hành chính, hình sự thì chắc chắn còn bị truy cứu trách nhiệm dân sự bởi các văn bản công chứng gây thiệt hại.
Hệ lụy đó là thiệt hại cho các nạn nhân trong trường hợp giao dịch là các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản hay thỏa thuận vay mượn để từ đó các bên thực hiện nghĩa vụ.
“Khi bị công chứng giả, một bên không hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ thu hồi, gây thiệt hại cho bên kia thì một phần thiệt hại đó có thể buộc cá nhân, tổ chức của cơ quan công chứng kia bồi thường", Luật sư Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)