Lũ chưa từng có
Vào năm 2015, 16 năm sau trận lũ lịch sử "đại hồng thủy" ở miền Trung, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã nhận xét: “Trận lũ lịch sử ở miền Trung năm 1999 là tổng hợp của các loại hình thiên tai xảy ra cùng một lúc.”
Cho đến nay, trận lũ lịch sử năm 1999 để lại nỗi tang thương mà người dân tại Huế phải gánh chịu không gì có thể tả xiết.
|
Lũ lụt lịch sử năm 1999, nhấn chìm 100% nhà cửa của người dân Thừa Thiên - Huế trong biển nước. Ảnh: internet |
Tại vùng đồng bằng các huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy), Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và một số nơi ở thành phố Huế bị nước lũ nhấn chìm, ngập sâu đến 4 mét.
Nhiều đoạn quốc lộ bị ngập trong nước nhiều ngày dẫn đến giao thông đường bộ ngưng trệ. Giao thông đường thủy, đường sắt và đường hàng không cũng phải tạm dừng hoạt động.
Sân bay Phú Bài (thị xã Hương Thủy) nằm ở vị trí tương đối cao nhưng nước lũ vẫn tràn vào gây ngập khiến sân bay này phải đóng cửa 4 ngày. Tại huyện A Lưới, nước lũ kèm theo đất đá đổ xuống các cánh đồng khiến hàng trăm héc ta ruộng không thể phục hồi.
Ngoài ra, con đường duy nhất nối A Lưới với thành phố Huế cũng bị lũ đánh sập.
Nước lũ dâng cao, dòng nước chảy xiết về hạ lưu, làm vỡ phá Tam Giang và mở ra cửa biển mới là Hòa Duân và Vĩnh Hải khiến hàng chục tàu thuyền của ngư dân và tàu tuần tra của cơ quan chức năng bị hỏng, trôi ra biển mất tích. Sự kiện tạo cửa biển này được xem là chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Sau ngày lũ rút, hàng loạt quan tài gỗ thông vàng đựng thi thể những người thiệt mạng trong lũ được đưa ra Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (hay còn gọi là Bia Quốc học). Bộ đội đã tập kết ở đường băng Phú Bài đưa những chiếc áo quan trên về nơi an nghỉ cuối cùng.
ại nhiều vùng ven biển của Thừa Thiên-Huế, nhiều đám tang những người thiệt mạng trong đợt lũ phải diễn ra ngoài đường do nhà của họ bị lũ làm hỏng, bị sập hoặc bị cuốn trôi. Những câu chuyện đó đều trở thành ký ức đau thương khó phai mờ với bất kỳ người dân Huế nào.
Nước lũ thành nước nấu mì
Đến giờ ông Nguyễn Văn Bòn (trú đường Lê Qúy Đôn, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vẫn còn nhớ như in những ký ức về trận lũ kinh hoàng năm 1999.
“Sáng bữa nớ (tức ngày 1/11/1999) trời mưa nhẹ thôi. Ai cũng nghĩ là thời tiết như rứa là bình thường, vì tháng 11 là hay mưa mà. Chiều tự nhiên mưa to, chập tối cái là mưa sầm sập không dứt. Nửa đêm dậy thấy nước ngập hết không còn chi”, ông Bòn nhớ lại.
So với các gia đình khác, gia đình ông khi ấy may mắn hơn vì nước không dâng ngập hết nhà. Nhưng nước lênh láng khắp mọi nơi, lũ dâng bất ngờ cũng khiến cả nhà ông không kịp trở tay. Cả nhà ngồi co ro nhìn nhau lo lắng, đói lạnh khiến cho con ông lả người đi.
May mắn nhà ông có thuyền nên đánh liều đi sang nhà hàng xóm mượn mì tôm về ăn. Không tìm đâu ra nước sạch và củi để nấu, ông múc lấy chính dòng lũ cuồn cuộn dưới chân, bẻ gãy mấy thanh cửa sổ để bắc bếp nấu mì để ăn.
“Khi nớ đói quá rồi, không có nước cũng phải liều múc lên mà ăn uống”, ông nói.
Những cái chết thương tâm
May mắn ở vùng gò cao giáp biển nên huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế), không phải chịu cảnh lụt lên tận nhà. Thế nhưng trong hồi ức của nhưng vợ chồng ông Lê Đức Tưởng không quên cảnh tang thương đã từng bao trùm lên quê hương mình. Đó là cảnh thấy trâu bò, vịt gà, các thuyền bị đắm và cả người chết trôi dạt ra biển nhưng không có cách gì vớt lên.
Bà Nguyễn Thị Hiền (trú xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) kể: “Lụt năm 1999 ghê lắm, ngập suốt một tuần lễ, nước dâng đến cột điện ở làng (ước chừng 4m). Nhà mô nhà nấy chỉ còn thấy nóc chứ không thấy nhà, nhìn mà thương lắm.
Trong xóm nhà ai mà cao nhất thì gác thêm một tầng rồi cả xóm chèo ghe, chở con chở vợ đến ở lại nhờ. Gạo không có mà ăn vì ướt hết với không thể nấu được, chỉ biết ngồi chờ cứu trợ.
Một tuần ở trên mặt nước khổ lắm, vừa đói vừa khát, chỉ cầu trời lạy phật mau mau qua nạn lụt này thôi. Gà, vịt, trâu bò chết hết, nhiều người ngồi trên nóc nhà nhìn xuống nước thấy trâu bò, gà vịt nổi lềnh bềnh mà khóc. Của cải mất sạch, khi đó cứ ngồi đó mà nghĩ lụt xong lấy chi mà sống thôi”.
Người dân ở phường Kim Long (TP Huế) vẫn kể với nhau những câu chuyện xung quanh đại hồng thủy năm 1999. Câu chuyện được nghe nhiều nhất có lẽ là chuyện về bốn mẹ con nghèo chết chìm trong lũ vì sự vô tâm của người hàng xóm.
Năm ấy, tại vùng Phú Mộng, vì nước dâng quá nhanh, căn nhà rách nát không đủ sức chống chọi, bốn mẹ con nghèo chèo xuồng tìm nhà xin trú. Nhà hàng xóm không mở cửa, thế rồi mấy mẹ con chèo ra ngoài thì gặp nước xiết, lật xuồng chết cả bốn mẹ con.
Năm 1999, bệnh viện tâm thần Phạm Thị Liên bây giờ là một trại giam những người tâm thần, tội phạm, làm gái. Lũ lụt đến nhanh, người ta không kịp mở cửa nên tất cả những người đó đều chết chìm hết.
Ông Lê Xuân Tuấn (62 tuổi, đường Phú Mộng, phường Kim Long, TP Huế) kể: “Sau trận lụt ấy thì mấy nhà xung quay nhà tui đều sắm thêm ghe xuồng, tìm nơi ở cao hơn, cố gắng vay mượn để xây được cái gác, phòng khi lụt tới.
Nhớ hồi nớ mấy ngày trong trận lụt, người dân không được cứu trợ, mà chỉ có những người hàng xóm giúp nhau. Ai thiếu chi thì gọi qua nhà bên, họ có thì cho.
Khi đó ngồi trên mái nhà thấy trâu bò từng con to đùng trôi lềnh bềnh trước mặt, muốn vớt vô ăn cho đỡ đói mà không tài chi. Sau khi nước rút đi rồi, quang cảnh tan hoang, cây cối đổ rạp, nhà cửa trôi sạch, khi nứa chỉ có ăn mì tôm với bánh mì cứu trợ thôi”.