Chủ trương linh hoạt…
Chủ trương chuyển đổi từ đi xe gắn máy sang dùng xe đạp làm phương tiện đến công sở của Thành ủy Hội An đã được cán bộ, công chức, viên chức cùng người dân ở địa phương nhiệt tình ủng hộ. Chủ trương đặc biệt này xuất phát từ ý tưởng một “Hội An không tiếng động cơ” của Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự.
|
Ở Hội An, ông Nguyễn Sự được người dân gọi là "Bí thư nông dân" vì phong cách giản dị, gần dân của ông
|
Để biến ý tưởng trở thành hiện thực, tại hội nghị cán bộ công chức đầu năm 2014, ông Nguyễn Sự đã đề xuất đưa ra chủ trương tất cả các cán bộ, công chức, viên chức của Hội An phải đi đầu gương mẫu, đi làm bằng xe đạp để người dân Hội An làm theo.
Ông Võ Văn Đạm, phó Chánh văn phòng Thành ủy Hội An cho biết: “Ngay hôm sau cả cơ quan thấy anh Sự túc tắc đi xe đạp đến công sở khiến ai cũng phải bật cười!.. Rồi những ngày sau đó, bắt đầu có nhiều người trong cơ quan đi làm bằng xe đạp giống như anh Sự!…”.
Vốn có tiếng nói là làm, từ đó đến nay ông Nguyễn Sự bỏ hẳn việc đi lại bằng xe gắn máy, hằng ngày ông khởi hành đến cơ quan từ nhà bằng xe đạp sớm hơn ít phút so với những ngày trước đó ông đi xe máy.
|
Ông Tạ Ngọc Quý, phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy lên UBND TP Hội An đi họp bằng xe đạp |
Theo ông Đạm, Hội An là một thành phố nhỏ, phần lớn các cán bộ, công chức, viên chức có nhà cách cơ quan xa nhất cũng chỉ 7km. Địa hình đi lại bằng phẳng, thuận tiện, không có dốc nên chủ trương dùng xe đạp làm phương tiện đến công sở của Thành ủy đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người. Hơn nữa, cách đây từ nhiều năm, tại khu phố cổ các phương tiên bằng động cơ như xe gắn máy, ô tô đều đã bị cấm, việc đi lại của người dân là xe đạp hoặc đi bộ.
“Vậy không có cớ gì để cán bô, công chức, viên chức chúng ta không đi làm bằng xe đạp được!... ” – ông Đạm nói.
Tuy nhiên, ông Trần Trung Sơn, trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hội An cho biết, đây là chủ trương linh hoạt, không áp dụng cứng nhắc mà vẫn trên tinh thần tự nguyện.
Theo ông Sơn, những các bộ, công chức, viên chức có nhà quá xa, phụ nữ có con nhỏ, hay đến cơ quan rồi phải đi cơ sở làm việc xa thì vẫn có thể đi làm bằng xe gắn máy.
|
Chủ trương đi làm bằng xe đạp của Hội An không mang tích "cưỡng chế" |
“Chủ trương này chủ yến vẫn trên tinh thần tự nguyên, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người thấy được cái lợi của việc đi xe đạp mà nghiêm chỉnh chấp hành, từng bước xây dựng Hội An trở thành thành phố không động cơ” – ông Sơn cho biết.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/3 tới đây, Hội An bắt đầu thực hiện chủ trương cán bộ, công chức, viên chức đi làm bằng xe đạp. Sau khi chủ trương này đã đi vào ổn định, Thành ủy Hội An sẽ kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong thành phố hưởng ứng thực hiện.
“Người ta đua mua 4 bánh, chúng tôi tậu xe đạp”
Ông Võ Văn Đạm, phó Chánh văn phòng Thành ủy Hội An hóm hĩnh: “Ở Hội An đang diễn ra một chuyện rất “lạ”, trong khi các thành phố khác người ta đua nhau sắm xe hơi thì chúng tôi lại đua nhau “tậu” xe đạp!..”.
Ước tính, toàn TP Hội An có khoảng trên dưới 4.000 cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Khi chủ trương đi làm bằng xe đạp của Thành ủy Hội An chính thức có hiệu lực thành phố này sẽ cần một lượng xe đạp khá lớn.
|
Những điểm sửa chữa, dán decal thế này đang mọc lên ở Hội An |
Ông Đạm băng khoăn: “Không biết giá xe có bị nâng lên cao hơn thực tế không vì nhu cầu mua sắm xe đạp của các bộ công viên chức sẽ tăng lên đột biết”.
Nắm bắt được cơ hội làm ăn với số vốn bỏ ra không lớn, tại Hội An các hiệu sửa chữa, tân trang xe đạp đã bắt đầu được mở trở lại sau nhiều năm “chết yểu”.
Anh Nguyễn Văn Đức, chủ một hiệu sửa chữa xe đạp ở gần phố cổ cho biết, gần đây mỗi ngày anh nhận không dưới 5 chiếc xe đạp của khách đưa tới nhờ tân trang, phun sơn, dán lại decal nên công việc làm ăn khá thuận lợi, thu nhập cao hơn hẳn so với trước đây.
Trong khi đó, nhiều tiệm trước đây chuyên sửa chữa xe máy nay đã kiêm luôn sữa xe đạp.