Học trên mạng, thanh niên 8X sản xuất 2 tỷ tiền giả

Google News

(Kiến Thức) - Học trên mạng, Huy đã tự làm được khoảng 2 tỷ đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và 50.000 đồng rồi bán cho các đối tượng khác hơn 1,8 tỷ đồng tiền giả, thu được 568 triệu đồng tiền thật.

Ngày 5/2, Viện KSND tỉnh Đắk Nông cho biết đã ban hành cáo trạng truy tố đối với 16 bị can trong đường dây làm, lưu hành tiền giả quy mô lớn vừa được cơ quan điều tra triệt phá.
Theo đó, các bị can Nguyễn Đức Huy (32 tuổi, trú TP HCM) bị truy tố về tội “làm và lưu hành tiền giả”; Nguyễn Hữu Linh (31 tuổi, trú Đồng Nai) bị truy tố về tội “tàng trữ tiền giả” và “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Các bị can: Nguyễn Trọng Nhân (28 tuổi), Nguyễn Võ Nguyên Thủy (39 tuổi), Lê Văn Tấn (23 tuổi), Mạch Xuân Thái (30 tuổi), Phạm Thị Diễm Nhi (24 tuổi), Nguyễn Thanh Hải (29 tuổi) và Nguyễn Ngọc Quang Đăng (25 tuổi, cùng trú TP HCM), Phạm Hữu Chí (20 tuổi), Ngô Nguyễn Trung Hiếu (21 tuổi, cùng trú Đắk Nông), Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi, trú Tây Ninh), Nguyễn Thị Duyên Hải (18 tuổi), Nguyễn Thành Lộc (26 tuổi, cùng trú Lâm Đồng), Nguyễn Quốc Sơn Triều (30 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nguyễn Văn Tuấn (28 tuổi, trú Nghệ An) cùng bị truy tố về tội “lưu hành tiền giả”.
Theo cáo trạng, đầu tháng 7/2018, đối tượng Huy vào mạng Internet xem hướng dẫn cách làm tiền giả rồi mua các máy móc, vật dụng khác và thuê người về phụ giúp làm tiền giả.
Từ giữa tháng 7/2018 đến ngày 24/4/2019, đối tượng Huy đã làm được khoảng 2 tỷ đồng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và 50.000 đồng. Huy đã bán cho hàng chục đối tượng tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng tiền giả, thu được 568 triệu đồng tiền thật.
Hoc tren mang, thanh nien 8X san xuat 2 ty tien gia
 Đối tượng Nguyễn Đức Huy tại cơ quan công an và tang vật.
Ngày 24/4/2019, đối tượng Nguyễn Đức Huy bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt khẩn cấp. Theo nguồn tin này, quá trình khám xét chỗ ở, cơ quan công an thu được 78 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng chưa hoàn thiện và nhiều dụng cụ máy móc dùng để làm tiền giả. Được biết, bị can Huy từng có 2 tiền án về tội Cướp giật tài sản.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ án này bi can Nguyễn Đức Huy được xác định là người chủ mưu và bị truy tố về tội làm và lưu hành tiền giả; bị can Nguyễn Hữu Linh bị truy tố về tội tàng trữ tiền giả và tàng trữ trái phép chất ma túy, một số bị can khác bị truy tố về tội lưu hành tiền giả.
Như vậy theo nội dung cáo trạng của Viện kiểm sát thì các đối tượng bị truy tố về nhiều tội danh trong đó có tội làm và lưu hành tiền giả, tội tàng trữ tiền giả và tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội danh và hình phạt được quy định theo quy định tại điều 207 bộ luật hình sự năm 2015 thì các hành vi làm tiền giả, tàng trữ tiền già, vận chuyển tiền giả, lưu hành tiền giả là các hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự chung một mức phạt theo quy định tại điều 207 Bộ luật hình sự.
Đây là tội ghép của nhiều hành vi vi phạm pháp luật, với mỗi hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đối tượng sẽ phải chịu một mức chế tài nhất định.
In tiền, (làm ra tiền các loại tiền giấy, polymer, tiền kim loại) là đặc quyền của mỗi quốc gia. Ngoài chủ thể là nhà nước thì pháp luật các quốc gia đều nghiêm cấm tất cả các tổ chức, cá nhân tự ý làm ra đồng tiền của họ. Bởi vậy hành vi làm tiền giả, biết rõ là tiền giả mà vẫn vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng thì đều bị xử lý theo quy định pháp luật.
Hoc tren mang, thanh nien 8X san xuat 2 ty tien gia-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. 
Hành vi phạm tội đối với các bị can trong vụ án này là đã xâm phạm đến quy định của Nhà nước về quản lý tiền tệ.
Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu sau:
– Đối với tội làm tiền giả được thể hiện qua các hành vi in, vẽ, phôtô hoặc bằng các hình thức khác để tạo ra các đối tượng này giống như tiền thật, ngân phiếu thật, công trái thật nhằm làm cho người khác tưởng thật.
– Đối với tội tàng trữ tiền giả. Được thể hiện qua hành vi cất giữ các đối tượng này (một cách trái pháp luật) dưới bất kỳ hình thức nào.
– Đối với tội vận chuyển tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa đối tượng này từ nơi này đến nơi khác bằng mọi phương thức (đường sông, đường bộ, đường không…) với mọi phương tiện (như tàu, xe, máy bay…).
– Đối với tội lưu hành tiền giả. Được thể hiện qua hành vi đưa tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi…(như dùng tiền để mua hàng hóa…).
Người phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Động cơ của người phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng chủ yếu vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm nhưng việc xác định động cơ phạm tội có ý nghĩa rất lớn đối với việc quyết định hình phạt. Người phạm tội vì trục lợi mà làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả nguy hiểm hơn nhièu so với người phạm tội biết là tiền giả nhưng vì tiếc của mà đem lưu hành (thường là bị trả nhầm tiền giả sau đó mới biết nhưng vì tiếc của nên đem tiêu).
Người phạm tội đối với tội danh này sẽ phải chịu hình phạt là phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân ngoài ra còn có thể bị phạt tiền với mức phạt có thể lên đến 100.000.000 đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo quy định tại khoản 3, điều 207 Bộ luật hình sự thì trường hợp tiền giả có trị giá tương đương 50.000.000 đồng tiền thật trở lên thì người phạm tội sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, theo thông tin từ bản cáo trạng nêu trên thì các đối tượng làm và số tiền giả tương đương đến 2.000.000.000 đồng tiền thật, bởi vậy các đối tượng này sẽ phải chịu mức hình phạt ở khung cao nhất là đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, phạm nhiều tội thì có thể sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân, các đối tượng khác có vai trò giúp sức, thứ yếu hơn, gây hậu quả chưa lớn thì có thể chịu mức án thấp hơn nhưng không dưới 10 năm tù.
Trường hợp đối tượng nào có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ theo điều 51 bộ luật hình sự thì có thể được áp dụng chính sách khoan hồng là xử dưới hình phạt theo nguyên tắc quy định tại điều 54 bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể mức hình phạt như thế nào sẽ do tòa án quyết định dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Phạt cụ thể với từng bị cáo sẽ thể hiện tính nghiêm minh cũng như thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, thể hiện cá biệt hóa vai trò trong vụ án có đồng phạm.
>>> Xem thêm video: Bắt đối tượng lừa đảo đổi tiền giả qua Facebook

Nguồn: VTC 1.

Trung Vương

>> xem thêm

Bình luận(0)