|
Công khai rao bán tiền giả với tỷ lệ 1 = 10 trên facebook. |
Chỉ cần lên Facebook gõ từ khóa “buôn bán tiền giả” thì kết quả xuất hiện hàng trăm Fanpage và trang cá nhân có tên như “Mua bán…”, “Mua bán trao đổi…”, “Mua bán tiền…”. Cứ mỗi lời rao bán “tiền giả” thu hút được hàng trăm lượt like, lượt chia sẻ.
1 triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả
Theo chủ tài khoản Facebook có tên Huyền Trang, sau khi đăng tin mua bán tiền giả, có rất nhiều người hỏi mua khiến chủ tài khoản không kịp trả lời buộc phải đăng một thông tin khác cụ thể hơn về tỉ lệ mua bán tiền giả. Theo đó, để giao dịch, khách hàng gửi tin nhắn cho chủ tài khoản này theo mẫu như tên, địa chỉ... Tỷ lệ mua là 1 = 10, đặt cọc theo giá trị và thông qua cửa hàng Viettel.
Một tài khoản Facebook khác có tên Thuy Trần cũng đã đăng tin rao bán tiền giả trên group Mua bán nhà đất Hải Dương. Theo giới thiệu của tài khoản này, tiền giả vừa mới được in giống tiền thất đến 98%. “Mắt thường xem không bao giờ biết đây là tiền giả. Vò lại hay đưa ra ánh nắng mặt trời cũng không thể nào phát hiện được là tiền giả”.
Để có 10 triệu đồng tiền giả, người mua bỏ ra 1 triệu đồng, 20 triệu đồng tiền giả bạn sẽ phải chi 2 triệu đồng tiền thật, 30 triệu đồng tiền giả thì phải bỏ ra 3 triệu đồng.
Để tìm hiểu thông tin, người viết đã liên hệ số điện thoại được đăng trên bài giới thiệu của tài khoản Facebook Thuy Trần. Người nghe điện thoại giới thiệu mình tên là Nam và khẳng định tiền giả này rất khó phát hiện.
Người viết có hỏi về việc làm thế nào để có thể sở hữu được 10 triệu đồng tiền giả thì người xưng tên là Nam khẳng định sẽ có người chuyển đến tận nơi mình hẹn để giao hàng.
Người tên Nam cho biết, nếu mua 20 triệu đồng tiền giả sẽ được tặng thêm 2 triệu đồng, mua 30 triệu đồng tiền giả thì được tặng thêm 3 triệu đồng và nếu mua 100 triệu đồng tiền giả thì sẽ được tặng thêm 10 triệu đồng.
Người viết nói mục đích mua tiền giả để lì xì năm mới có được không thì người tên Nam khẳng định làm gì cũng được hết, kể cả mang tiền ra chợ mua đồ cũng không bị ai phát hiện ra. “Chỉ có là em đừng mang tiền này vào siêu thị và ngân hàng để tiêu là được”, người tên Nam khuyến nghị.
Người viết có đặt câu hỏi về việc mua tiền giả có phạm pháp không. Người tên Nam khẳng định chắc chắn có phạm pháp, nhưng làm kín kẽ thì không bị phát hiện ra.
Để mua được tiền giả, theo người tên Nam, cần phải đặt cọc trước 30% giá trị đơn hàng để họ biết chắc chắn sẽ mua hàng. Ví như đơn hàng 1 triệu đồng thì phải mua thẻ cào trị giá 300.000 đồng.
“Hình thức đặt cọc là mua thẻ cào của Viettel hoặc MobiFone rồi nhắn tin mã thẻ cào vào số điện thoại này. Sau khi hệ thống của bên anh xác nhận là đúng sẽ giao hàng cho em. Sau khi nhận được hàng thì em thanh toán nốt số tiền còn lại”, người tên Nam hướng dẫn.
Mua bán tiền giả sẽ bị bỏ tù
Trao đổi với Dân Việt, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh việc mua bán tiền giả là phạm pháp. Nếu ai biết đối tượng nào mua bán, tàng trữ tiền giả thì báo công an ngay.
“Trong luật quy định nghiêm cấm mua bán tàng trữ tiền giả. Đây là mặt hàng quốc cấm, do đó nếu kinh doanh sẽ bị bỏ tù. Nếu người dân vô tình bị lẫn vào bó tiền thật của mình thì không sao, nhưng nếu tham gia mua bán tiền giả thì cả người mua và người bán đều bị vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
|
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN. (Ảnh: Đàm Duy) |
Ông Tú cho biết thêm, liên quan đến tiền giả, ông vừa ký một văn bản liên quan đến việc xử lý các vấn đề về tiền giả, tiền lẻ, tiền mặt, tiền mới - cũ và sẽ công bố mấy ngày tới đây.
“Tình trạng tiền giả không phải năm nào cũng có nhưng cần phải xử lý triệt để. Năm nay Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ ngành để cương quyết đấu tranh chống nạn in tiền giả”, ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Tú, vai trò của ngành ngân hàng trong việc chống tiền giả là nếu thấy có thông tin mua bán tiền giả thì phải cung cấp ngay cho cơ quan chức năng để điều tra, xử lý. Ngành ngân hàng cũng có bộ phận kiểm định tiền thật, tiền giả. Trong quá trình giao dịch, nếu có đồng tiền nào nghi ngờ thì sẽ lập biên bản và đem đi kiểm định. Nếu là tiền giả thì sẽ tịch thu, còn là tiền thật thì sẽ trả lại cho khách hàng.
Thực tế, trong nhiều năm qua, đã có không ít người trở thành nạn nhân của trò lừa bán tiền giả qua mạng. Cụ thể, tùy từng trường hợp giao dịch, nhưng đa phần sau khi nhận được tiền đặt cọc qua tài khoản hoặc được nạp thẻ cào thì mọi liên lạc với đối tượng này rao bán tiền giả bị cắt đứt bằng cách đóng tài khoản Facebook, bỏ số điện thoại hoặc chặn mọi phương thức liên lạc với khách hàng đó.
Người mua tiền giả sẽ bị tiền mất, tật mang mà không dám báo với cơ quan chức năng. Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo nếu phát hiện đối tượng mua bán, tàng trữ hay rao bán tiền giả thì cần báo ngay với cơ quan công án để phối hợp xử lý.