Ngày 4/11, Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết đang điều tra vụ xe đưa đón học sinh không đóng cửa khiến 1 học sinh lớp 6 tử vong. Trong vụ việc đau lòng này trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Nhà trường có trách nhiệm gì? lái xe phải chịu trách nhiệm thế nào?... là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
|
Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi không đóng cửa xe ô tô khi xe đang chạy là hành vi vi phạm quy tắc tham gia giao thông đường bộ. Trường hợp hành vi này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Còn hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ này mà gây hậu quả chết người thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự năm 2015. Theo Khoản 3 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 quy định: "Người điều khiển phương tiện giao thông không được mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn".
|
Tiến sĩ, luật sư Đăng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
"Như vậy, pháp luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không được mở cửa xe, để cửa xe mở khi tham gia giao thông. Trong tình huống nêu trên, dù là tránh xe máy kéo hay bất cứ lý do gì khiến chiếc xe phải di chuyển mà người điều khiển phương tiện này chưa đóng cửa xe thì đó đều là hành vi vi phạm quy tắc giao thông theo quy định của luật giao thông đường bộ. Tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp, mở cửa xe hoặc chưa đóng cửa xe khi đang di chuyển xe ô tô mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Theo quy định trên, khi điều khiển ô tô chở hành khách mà không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng" - luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, trường hợp, hành vi vi phạm quy định về đóng cửa xe khi tham gia giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 do hậu quả của hành vi không đóng cửa xe khi di chuyển chiếc xe ô tô này dẫn đến hậu quả cháu bé rơi xuống đường tử vong. Với hành vi vi phạm pháp luật như vậy thì người lái xe này sẽ phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
"Ngoài trách nhiệm hình sự mà người vi phạm phải đối mặt thì người này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với gia đình nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết nếu có, chi phí mai táng theo phong tục địa phương và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án quyết định nhưng không quá 100 tháng lương tối thiểu.
Cơ quan chức năng cần kiểm tra đơn vị kinh doanh vận tải này xem có đủ điều kiện kinh doanh hay không, có đăng ký kinh doanh vận chuyển học sinh hay không. Phương tiện có đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh hay không, người điều khiển phương tiện có được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc đưa đón học sinh hay không, có bằng lái xe phù hợp với loại xe này hay không. Trước tiên, cơ quan điều tra sẽ tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của đơn vị này, tạm giữ phương tiện vi phạm, xem xét trách nhiệm, hành vi của người vi phạm để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật" - luật sư Cường cho hay.
Cũng theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra rà soát các phương tiện chở học sinh trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ chở học sinh. Đây là một bài học đắt giá trong công tác quản lý cũng như trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc bố trí phương tiện đưa đón học sinh đi học để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng xem xét trách nhiệm của chiếc xe đã đè lên cháu bé. Trong trường hợp, lỗi hỗn hợp, bên điều khiển chiếc xe tông vào cháu bé cũng có lỗi thì người này cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên cùng với người điều khiển chiếc xe chở học sinh.
Ngày 2/11 ông Trần Văn Liều (SN 1972 tuổi, trú tại xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển xe buýt 50 chỗ, mang biển kiểm soát 51B- 023.65 đón học sinh từ thôn Tân Thành, xã Dliê Ya đến Trường THCS Ama Trang Lơng (Dliê Ya).
Khi đến đoạn đường thuộc thôn Ea Sim, xã Dliê Ya, thì gặp một chiếc xe cày. Ông Liều đánh tay lái để tránh xe cày nhưng việc đánh tay lái bất ngờ đã làm cháu N.G.H (SN 2010, học sinh lớp 6C Trường THCS Ama Trang Lơng, ngã xuống đường theo hướng cửa lên - xuống xe. Cháu N.G.H tử vong tại chỗ.
>>> Xem thêm video: Sóc Trăng: “Ngáo đá”, tài xế xe đầu kéo liên tiếp gây tai nạn rồi bỏ chạy
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.