Đó là hoàn cảnh éo le của gia đình anh Sin Văn Lương (thôn 8 Thượng Hạ, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). Anh Lương sinh năm 1982, anh cưới chị Phìn Tá Sủn và có với nhau hai người con trai.
Con đường vào nhà anh chị là một con đường rất khó khăn hiểm trở để có thể vượt qua nó. Đặc biệt vào những ngày mưa gió, gần như nhà anh Lương sẽ bị cách ly với cuộc sống bên ngoài vì con đường này quá lầy lội, không ai có thể đi vào.
|
Con đường lầy đến kinh hoàng sau mỗi trận mưa. |
Cuộc sống quanh quẩn bên sự nghèo túng, ruộng nương cấy khiến anh Lương không đủ ăn. Bởi vì năm nào có nước thì mới cấy được. Năm nào không có nước thì để ruộng phải để không.
Theo chị Mậu, năm vừa rồi không cấy được nên anh Lương đành sang Trung Quốc làm thuê. Sau gần 1 năm, tiền công anh làm được 1 triệu đồng. Nhưng người chủ đã ăn chặn và bớt của anh mất gần 400 ngàn đồng.
Khi vừa về đến nhà, anh Lương đã nghe tin vợ đi mổ về. Chị Sủn bị ung thư cổ tử cung, không thể nuôi bệnh thêm nên đành phải vay tiền đi mổ. Chị phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền trả viện phí. Số tiền ít ỏi anh Lương mang về cũng không đủ trả nợ.
Nợ mới chồng chất nợ cũ, anh Lương lại tiếp tục đi làm thuê. Lần này anh đi được 8 ngày thì ở nhà bố đẻ của anh là ông Sin Lao Mậu bệnh nặng qua đời. Bố mất mà trong nhà anh chỉ có vài bồ ngô, không một đồng tiền để lo mai táng.
Cùng quẫn không biết làm thế nào, chị Sủn lại phải đi vay tiền khắp bản để có tiền mai táng cho bố chồng. Cho đến giờ, chỉ trong vòng một năm trở lại đây, số tiền gia đình anh Lương đi vay mượn đã lên đến gần 30 triệu đồng trong khi anh đi làm mấy tháng đằng đẵng nhưng tiền công nhận được chỉ gần một triệu.
|
Ngôi nhà nát là nơi cư ngụ của vợ chồng anh Lương cùng người mẹ mù và hai con nhỏ. |
Trong gia đình chỉ có hai vợ chồng anh chị là lao động chính, nhưng chị đau bệnh quanh năm, ruộng nương không cày cấy được. Anh đi làm xa thu nhập cũng không được bao nhiêu. Ở nhà còn mẹ già tuổi đã ngoài 80 nhưng cụ bị mù gần chục năm nay nên không giúp được gì cho anh chị.
Anh chị sinh được một người con trai nhưng sức khỏe của cậu bé rất yếu do di chứng từ ngày còn nhỏ. Chưa kể, con trai anh chị còn bị tai nạn nên ảnh hưởng đến não. Từ đó, sức khỏe của con yếu đi trông thấy, nhận thức chậm chạp nên học rất kém.
Nhà nghèo, đến ngô, khoai cũng không có mà ăn. Hàng ngày chị Sủn phải vào rừng sâu đào củ mài về nuôi một mẹ già và hai con. Cuộc đời của những con người nghèo tới mức cơm không có đủ ăn. Quần áo rách tả tơi cũng chẳng được thay mới.
Mặc dù gia đình có hoàn cảnh như vậy nhưng chị Sủn vẫn không cho 2 đứa trẻ bỏ học: “Dù như thế nào cũng phải cho chúng nó học hết cấp 2. Còn cấp 3 thì phải học xa nhà nên không lo được tiền cho con đi học xa. Giờ không có gạo, không có gì để ăn, kiếm được bữa nào thì tính bữa đó”.
“Hoàn cảnh gia đình anh Lương hiện tại rất khó khăn. Đến cơm cũng không có ăn, mỗi bữa phải ăn củ mài trừ bữa”, đó là lời nhận định của ông Sin pán Xoan, trưởng thôn 8 Thượng Hạ, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang khi nói về hoàn cảnh nhà anh Lương.
Theo ông Xoan, trong gia đình anh Lương, một mình anh là lao động chính trong nhà, chị Sủn thì đau yếu: "Hơn thế nữa, làm nương rẫy ở đây cũng sao đủ sống. Một mình anh Lương trụ cột 4,5 người ăn theo, bảo sao không nghèo khổ".
|
Cuộc sống của họ đến mức không còn gạo để ăn. |
Theo ông Xoan, gia đình anh Lương thuộc diện đặc biệt khó khăn trong thôn. Tuy nhiên, những trợ cấp chính sách của nhà nước chỉ có hạn khi chỉ hỗ trợ gạo vào đợt giáp hạt và giáp Tết.