Chuyển đơn đến Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng
Ngay sau khi có kết luận của UBKT huyện ủy Phù Yên và thông báo hình thức kỷ luật đối với ông Lò Xuân Dừa, Hiệu trưởng trường Nội trú huyện Phù Yên. Không đồng tình với hình thức kỷ luật đối với ông Dừa cô Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch công đoàn nhà trường đã tiếp tục gửi đơn tố cáo đến UBKT tỉnh ủy, Công an tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục xác minh làm rõ các hành vi mà ông Lò Xuân Dừa đã vi phạm cũng như không đồng ý với hình thức kỷ luật ông Dừa với hình thức cảnh cáo.
Ngày 31/7 tỉnh ủy Sơn La đã có Phiếu báo chuyển đơn số 701-PB/VPTU đối với cô Nguyễn Thị Nghĩa. Nội dung Phiếu báo như sau: “Thường trực tỉnh ủy nhận được đơn của bà (Nguyễn Thị Nghĩa – người tố cáo - PV) không nhất trí với mức kỷ luật đối với ông Lò Xuân Dừa Hiệu trưởng trường PTDTNT huyện Phù Yên. Thừa lệnh Thường trực tỉnh ủy, Văn phòng tỉnh ủy đã chuyển đến Thường trực huyện ủy Phù Yên chỉ đạo xem xét, giải quyết theo quy định”.
|
Văn bản của công an tỉnh Sơn La. |
Tiếp tục vào ngày 6/8, Thanh tra Công an tỉnh Sơn La đã có Thông Báo số: 242/TB-TTr về việc chuyển đơn tố cáo tiếp của bà Nguyễn Thị Nghĩa. Trong thông báo đã nêu rõ “Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ Luật Tố cáo năm 2018; Điều lệ Đảng; Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/72016 của Ban chấp hành trung ương quy định thi hành Chương VII và Chương VIII, Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Công an tỉnh đã chuyển đơn đến Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Sơn La để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời chuyển bản sao đơn của bà và các tài liệu gửi kèm đến Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Công an tỉnh Sơn La để nắm tình hình, xác minh theo quy định của pháp luật”.
Đủ căn cứ để chuyển cơ quan điều tra, khởi tố
Xoay quanh vụ việc Hiệu trưởng bị tố bớt xén khẩu phần ăn. Sau khi vị Hiệu trưởng này đã tự nguyện nộp lại số tiền hơn 320 triệu đồng, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật Sư TPHCM). Luật sư Bình đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý và nhận định về vụ việc dựa trên hồ sơ cùng diễn tiến sự việc.
Theo luật sư, vụ việc Hiệu trưởng bớt xén khẩu phần ăn học sinh cho thấy có rất nhiều nghi vấn mà cần phải có sự vào cuộc của Cơ quan điều tra. Bởi lẽ vụ việc có dấu hiệu của việc vi phạm pháp luật hình sự.
|
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. |
"Có thể thấy số tiền 300 triệu đối với một công chức, viên chức quả là một số tiền lớn, là cả một gia sản của một viên chức. Nếu họ thực sự không vi phạm, không tham ô để chiếm đoạt số tiền này thì họ không bao giờ tự nguyện nộp lại mà họ sẽ tìm cách chứng minh cho sự trong sạch của mình hay nói một cách đơn giản đó là: Tôi không ăn sao bắt tôi chịu?
Tham ô được hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc công dân của người có chức vụ, quyền hạn thành tài sản riêng của mình. Là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thành tài sản riêng" - luật sư nói
Luật sư Bình phân tích thêm, việc cắt xén, ăn bớt này đã xâm phạm những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu, mất uy tín; làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi Tội tham ô tài sản là rất cấp bách và cần thiết. Tội tham ô tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 353 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, việc nộp lại số tiền 300 triệu chỉ là tình tiết khắc phục hậu quả và được xem là tình tiết giảm nhẹ chứ không phải nộp vào thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Câu chuyện gây xôn xao dư luận việc hiệu trưởng chỉ đạo bớt xén khẩu phần ăn của con em dân tộc đang gây bức xúc dư luận, thế nhưng cho đến giờ sự việc vẫn không được giải quyết dứt điểm? Dư luân đặt ra nhiều nghi vấn. |
"Như vậy, số tiền mà hiệu trưởng Lò Xuân Dừa phải nộp lại cho nhà trường từ đâu ra, nếu như đó không phài là số tiền cá nhân của ông? Và nếu đúng, thì vì lý do gì khiến vị hiệu trưởng này phải tự bỏ tiền túi ra để nộp lại như vậy? Nếu như đó không phải là tiền tham ô, tham nhũng?
Dư luận cũng như chính những người trong cuộc đang mong chờ và đề nghị cơ quan chức năng làm rõ về khoản tiền ông Dừa tự bỏ tiền túi ra nộp lại hơn 300 triệu đồng từ đâu mà có, đó có phải là tiền do tham ô tham nhũng không? Nếu đúng, vụ việc cần chuyển cơ quan điều tra vì có dấu hiệu hình sự" - luật sư Bình cho biết.
Cùng quan điểm, luật sư Đinh Bá Ngọc, Công ty Luật TNHH Tài Trung (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho rằng việc ông Lò Xuân Dừa tự nguyện nộp lại số tiền hơn 320 triệu đồng là dấu hiệu của tội phạm tham ô tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, với số tiền phải nộp lại nêu trên ông Dừa đã phạm vào điểm D, khoản 2 điều 353 về tội tham ô quy định trong bộ luật hình sự.
Vi phạm này có mức khung hình phạt từ 7 đến 15 năm. Trong trường hợp này, ông Dừa đã tự thừa nhận hành vi của mình bằng cách tự nguyện nộp lại số tiền này nhằm khắc phục hậu quả. Nhưng việc nộp lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không nộp lại để không khởi tố. Sự việc cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.