Vụ việc bà Trần Thị Hà, Bí thư chi bộ, hiệu trưởng trường Mẫu giáo Kông Lơng Khơng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) bị cách chức do sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp đang thu hút dư luận địa phương này.
Theo đó, ngày 13/11, Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình – Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Gia Lai đã ký quyết định thu hồi bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính của bà Trần Thị Hà do trường này cấp ngày 19/8/2015.
Mới đây, Uỷ ban kiểm tra huyện Uỷ Kbang đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bà Trần Thị Hà. Qua kiểm tra phát hiện, bà Trần Thị Hà - nữ Hiệu trưởng ở Gia Lai sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp, lập hồ sơ để được học và được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính nên đã quyết định xử lý kỷ luật bà Hà bằng hình thức cách chức.
|
Bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính của bà Hà. Ảnh: Công lý.
|
Dư luận đặt câu hỏi, nữ Hiệu trưởng bị cách chức do sử dụng bằng giả, liệu “quan” Sở GD&ĐT và “quan” huyện, xã bổ nhiệm bà Hà có phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Uỷ ban kiểm tra huyện Uỷ Kbang cách chức hiệu trưởng trường Mẫu giáo Kông Lơng Khơng với bà Trần Thị Hà là đúng theo quy định pháp luật.
“Việc bà Trần Thị Hà sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp để lập hồ sơ đi học các cấp sau này là hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, còn vi phạm quy định về Cán bộ, công chức, viên chức. Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc với công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập. Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Tùng cho rằng, hiện nay, bà Trần Thị Hà đã được cấp bằng tốt nghiệp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính thì bằng trung cấp này phải bị thu hồi.
Ngoài ra, với hành vi vi phạm trên, theo khoản 3 điều 16 Nghị định 138/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì hành vi mua bán, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả sẽ bị phạt tử 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và kèm theo đó là hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra cũng cần phải làm rõ xem việc bằng tốt nghiệp THPT của bà Hà từ đâu mà có? Bà Hà tiến hành làm bằng giả hay đi mua bằng?
Bởi hành vi mua, sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả để sử dụng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với hình phạt là: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa. |
Nêu ý kiến về việc để bà Trần Thị Hà dùng bằng giả thăng tiến, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, Phòng GD&ĐT, lãnh đạo huyện Kbang và xã Kông Lơng Khơng và các đơn vị liên quan có phải chịu trách nhiệm? Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến việc tiếp nhận bổ nhiệm bà Trần Thị Hà, cụ thể là sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, lãnh đạo huyện Kbang, xã Kông Lơng Khơng có trách nhiệm trong công tác khắc phục hậu quả từ việc bổ nhiệm sai lầm nêu trên.
“Cần phải tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra chi tiết cụ thể xem trong quá trình bổ nhiệm có biết bà Hà sử dụng bằng giả nhưng vẫn bổ nhiệm và cố tình bổ nhiệm hay không? Nếu biết mà vẫn bổ nhiệm hoặc có hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác dẫn đến hậu quả trên thì các cán bộ này sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
>>> Mời độc giả xem clip Người sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả bị xử lý hình sự thế nào?