Trả lời báo chí tại họp báo chuyên đề sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 do Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức chiều 23/7, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Tổng hàng hóa trong kho hàng rộng hơn 10.000 m2 ở TP. Lào Cai xếp đủ 34 container, chứng tỏ hàng không thể từ trên trời rơi xuống được. Việc tồn tại hàng lậu trong kho này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương”.
|
Số lượng hàng hóa khủng tại kho hàng lậu ở Lào Cai bị phát hiện |
Theo ông Minh, có hai doanh nghiệp lớn về chuyển phát nhanh tham gia trực tiếp vào việc vận chuyển kho hàng lậu, thậm chí người của đơn vị chuyển phát nhanh vào đóng gói, in hóa đơn ngay tại xưởng.
Trong 2 công ty chuyển phát nhanh, một công ty của Việt Nam và một công ty có yếu tố đầu tư của nước ngoài vận chuyển hàng hóa. “Do yếu tố điều tra nên hiện nay chưa thể tiết lộ danh tính", ông Minh nói.
|
Ông Nguyễn Kỳ Minh (người đứng) trả lời.
|
Nói về trách nhiệm của 2 doanh nghiệp lớn về chuyển phát nhanh tham gia trực tiếp vào việc vận chuyển kho hàng lậu, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, pháp luật Việt nam cấm vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật. Nếu doanh nghiệp thương mại điện tử tận dụng chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng giả thì rõ ràng đơn vị chuyển phát nhanh đang hỗ trợ hàng lậu, hàng giả.
Ông Minh nhấn mạnh, các cơ quan quản lý của doanh nghiệp chuyển phát nhanh cần có cách nhìn nhận rõ hơn vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp chuyển phát nhanh đối với công tác chống hàng giả, hàng buôn lậu để tránh bị lợi dụng.
Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, việc lựa chọn vị trí ở Lào Cai làm kho hàng giúp cho nhóm đối tượng khai thác có nhiều lợi thế. Thứ nhất do tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu biên giới là có thể nhập kho lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Thứ hai, chi phí thuê mặt bằng tại Lào Cai rẻ hơn rất nhiều so với tại các thành phố lớn. Thứ ba, nhân công vùng cao thuê mướn cũng rất rẻ, tạo lợi thế trong kinh doanh.
Thứ ba là các đối tượng trong đường dây này sử dụng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để tiếp cận với khách hàng và bán sản phẩm. Do đó, hình thức này vô cùng hiệu quả vì bán được cho cả trăm ngàn người mà không cần đầu tư showroom, không cần mặt phố hoành tráng, đỡ được rất nhiều chi phí.
Qua điều tra của Tổng cục Quản lý thị trường, những lao động phổ thông, chốt đơn trong tổng kho, làm việc quần quật cả ngày được trả bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả từ 7-10 triệu đồng. Người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng. Có một số nhân viên diễn livestream được trả tới trên 80 triệu đồng/tháng.
Tổng các loại chi phí bao gồm chi phí cố định, chi phí cho cơ sở vật chất, ăn uống, các chi phí phát sinh khác của tổng kho này trong 1 tháng là khoảng xấp xỉ 2 tỷ đồng.
Có duy nhất hai loại chi phí đáng kể mà các đối tượng này phải chi trả là chạy quảng cáo trực tuyến mất khoảng gần 400 triệu đồng/tháng và cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng.
>>> Xem thêm video: Triệt phá kho hàng lậu hơn 10.000 m2 tại Lào Cai