Theo phản ánh từ người dân xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), nhiều năm qua, người dân trong toàn xã sử dụng nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước Đại Thái cung cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, nước có biểu hiện lạ như có màu vàng nhạt, cặn bẩn, mùi hôi khó chịu và áp lực yếu…
|
Hàng trăm người dân tập trung trước cổng ủy ban xã Đông Phương, căng băng rôn kêu cứu. |
Chị T.T, một người dân sinh sống tại thôn Đại Trà cho biết: “Nhiều hôm đi làm về, xả nước thì thấy đục ngầu, thậm chí bốc mùi hôi rất khó chịu. Nước là nhu cầu thiết yếu, không dùng thì không được, mà dùng nước bẩn như thế này thì người dân chúng tôi sẽ ung thư hết cả thôi…”.
|
Bất chấp trời mưa gió, người dân vẫn tập trung trước cổng UBND xã kêu cứu. |
Cùng chung nỗi bức xúc, một người dân khác tại xã Đông Phương cho biết: “Chúng tôi bỏ tiền ra mua nước sạch thì lại nhận lại nước bẩn, thử hỏi sao không bức xúc cho được. Nhà máy nước Đại Thái cấp nước kém chất lượng cho người dân trong thời gian dài và đây không phải lần đầu chúng tôi phản đối như thế này. Mong muốn có một đơn vị cấp nước sạch uy tín của thành phố về cấp nước cho dân là nhu cầu bức thiết và vô cùng chính đáng của người dân toàn xã Đông Phương…”
|
Người dân căng băng rôn, biển hiệu yêu cầu tẩy chay nhà máy nước Đại Thái |
Bức xúc trước tình trạng nước sinh hoạt kém chất lượng, ngày 26/6, hàng trăm người dân đã tập trung trước cổng ủy ban xã Đông Phương, căng băng rôn để kêu cứu, đồng thời yêu cầu tẩy chay Nhà máy nước Đại Thái.
Theo ông Phạm Văn Hậu, chủ tịch UBND xã Đông Phương, trong chiều ngày 26/6, đã có cuộc họp 3 bên giữa chính quyền địa phương, Nhà máy nước Đại Thái và người dân.
|
Những ngày qua, vấn đề nước sạch trở thành chủ đề "nóng" trong toàn xã Đông Phương |
Tại buổi làm việc, ông Hậu yêu cầu Nhà máy nước Đại Thái thực hiện một số nội dung như sau: Phải khắc phục xong sự cố áp lực nước yếu; nhà máy phải bơm cạn ao mà người dân nghi ngờ lấy nước từ sông Hương vào, chứ không phải lấy từ sông Đa Độ.
Trong thời gian từ nay đến 5/7 nhà máy phải lắp đặt thêm một đường ống dự phòng dẫn nước từ sông Đa Độ; nâng cấp hệ thống lọc nước của nhà máy; làm việc trực tiếp với các hộ dân có kiến nghị nước bị đục, bẩn; sau khi khắc phục xong có báo cáo giải trình về ủy ban xã.
|
Một bể chứa nước trong nhà máy nước Đại Thái |
Cơ quan chuyên môn của huyện Kiến Thụy đã cùng với địa phương đối thoại với người dân. Đoàn công tác cho Nhà máy nước Đại Thái thời gian 7 ngày để khắc phục các vấn đề tồn tại. Khi khắc phục xong, cơ quan chuyên môn sẽ lấy mẫu nước đi kiểm định, nếu đảm bảo mới cho tiếp tục hoạt động.
Cũng theo ông Hậu, đối với kiến nghị của người dân về việc chấm dứt hợp đồng với Nhà máy nước Đại Thái và cho một đơn vị cấp nước khác vào thay thế, điều này đang vướng vào Điều 32, Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, quy định một đơn vị hành chính không được cho 2 đơn vị cấp nước sạch song song.
|
Người dân nghi ngờ Nhà máy nước Đại Thái lấy nước từ sông Hương để cung cấp cho dân chứ không phải từ sông Đa Độ. |
Ông Hậu cũng cho biết thêm, nhà ông cách nhà máy nước không xa, hàng ngày ông là người trực tiếp sử dụng nước từ Nhà máy nước Đại Thái cung cấp để sinh hoạt và thấy “không có vấn đề gì”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ nhà máy nước Đại Thái, Nhà máy hiện đang cung cấp cho khoảng 1.800 hộ dân trên địa bàn xã Đông Phương. Nguồn nước có bị đục, có màu xanh có thể là do lâu ngày rêu tảo bám vào thành ống, khi xả nước ra dẫn đến hiện tượng trên.
|
Một bể chứa nước trong nhà máy nước |
Đồng thời ông Sơn cũng khẳng định nhà máy không lấy nguồn nước từ sông Hương mà là từ sông Đa Độ…
Được biết, nhà máy nước Đại Thái đi vào hoạt động từ năm 2008, và đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Đông Phương bức xúc phản ánh tình trạng nước sinh hoạt kém chất lượng được cung cấp bởi nhà máy nước này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khủng hoảng nước sạch tại Ấn Độ: