Vụ việc một clip ghi lại cảnh hai CSGT thuộc Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) đánh người đang thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Hai nạn nhân bị CSGT đánh trong clip thuộc một nhóm thanh niên làm YouTuber ở Bình Chánh (TP.HCM).
Một thành viên trong nhóm khi trao đổi với báo chí cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, họ rủ nhau đi quay phim để đăng lên kênh YouTube của một người trong nhóm với nội dung xoay quanh chuyện nhắc nhở bạn trẻ không tụ tập đua xe ngoài đường. Tuy nhiên, khi vừa dắt xe ra, CSGT ập tới.
Hai người trong nhóm sau đó bị đánh là N.T.T (20 tuổi) và T.C.K (18 tuổi). Công an giữ được 15 người và 12 xe đưa về trụ sở Công an xã Tân Nhựt. Khi đóng phạt và người nhà bảo lãnh nhóm người này được cho về.
|
Hình ảnh cho thấy CSGT đánh người. Ảnh cắt từ clip |
Tối ngày 28/3, báo CAND đăng tải thông tin về vụ việc và cho rằng, bản chất của sự việc lại khác hoàn toàn với các lời cáo buộc trên mạng.
Theo đó, khoảng 17h30 ngày 27/3, nhận tin báo có một số thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất an ninh trật tự tại tuyến đường thuộc khu vực ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Tổ công tác Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Bình Chánh gồm 10 cán bộ chiến sĩ đã xuống ngay hiện trường.
Khi đến đường Miêu thuộc ấp 3, xã Tân Nhựt, Tổ công tác phát hiện một nhóm người với khoảng hơn 10 chiếc xe tụ tập nẹt pô, gây mất ANTT. Tổ công tác tiến hành kiểm tra thì số đối tượng chống đối không chấp hành, điều khiển xe bỏ chạy, lao xuống ruộng, bỏ xe và dùng đất, đá ném trả Tổ công tác, sau đó chia nhau chạy nhiều hướng khác nhau.
Thời điểm này, hai cán bộ CSGT đã đuổi theo, khống chế, một số đối tượng văng tục, có lời nói xúc phạm, lăng mạ, thách thức hai cán bộ này. Dù đã bị cảnh cáo, yêu cầu ngồi im, nhưng số thanh niên vẫn tiếp tục lăng mạ, khiêu khích và thách thức hai cán bộ. Do không kiềm chế được bản thân, một CSGT đã nắm cổ áo lôi, có hành động trấn áp và đưa đối tượng về nơi tập kết.
>>> Mời độc giả xem video CSGT bị tố đánh người:
Dư luận quan tâm, CSGT sử dụng vũ lực để trấn áp trong trường hợp này có đúng luật? Nếu vi phạm liệu có bị tước danh hiệu CAND và xử lý theo quy định?
Nếu chỉ vi phạm hành chính, CSGT không được phép dùng vũ lực trấn áp
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đoạn clip trên là một phần của sự việc. Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ của sự việc, làm rõ hành vi của những người có liên quan để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, trường hợp người thi hành công vụ tấn công người khác khi những người này không có hành vi chống trả, không còn nguy hiểm, việc sử dụng vũ lực này không được pháp luật cho phép. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi trước đó của những thanh niên bị CSGT đánh mà clip ghi lại.
Theo quy định của pháp luật, khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa uy hiếp tính mạng, sức khỏe của người khác, bất cứ ai cũng được phép sử dụng vũ lực để trấn áp, bắt giữ và giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Pháp luật cho phép mọi công dân được dùng vũ lực để chống trả một cách cần thiết đối với hành vi đang tấn công mình hoặc người khác, đó là quyền tự vệ chính đáng của công dân.
Đối với lực lượng vũ trang, lực lượng thi hành công vụ, việc sử dụng vũ lực được pháp luật cho phép để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc dùng vũ lực phải phù hợp, nghiêm cấm việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, CSGT và các lực lượng cảnh sát thực hiện nhiệm vụ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Trong đó pháp luật quy định cảnh sát được quyền nổ súng để thực hiện nhiệm vụ tuy nhiên không phải lúc nào cũng được phép sử dụng súng. Còn đối với việc sử dụng công cụ hỗ trợ, dùng vũ lực để tấn công lại các đối tượng vi phạm pháp luật, bắt giữ những đối tượng nguy hiểm cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật.
“Khi nghi phạm, người có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc hình sự không còn nguy hiểm nữa, không có khả năng hoặc biểu hiện tấn công trở lại lực lượng chức năng, không được phép sử dụng vũ lực... để gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Đối với các trường hợp vi phạm hành chính, pháp luật không cho phép sử dụng vũ lực để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người vi phạm”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi đá, đánh những người thanh niên này của hai CSGT có cần thiết hay không, nhằm mục đích gì, nguyên nhân của sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
“Trong trường hợp có căn cứ cho thấy việc sử dụng vũ lực là ngoài tình huống mà pháp luật cho phép, việc đánh đập những thanh niên này là do bực tức, bức xúc, hành vi như vậy là không chuẩn mực. Nếu gây thiệt hại đến sức khỏe của nạn nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định, bị kỷ luật và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như nạn nhân bị thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Nếu sai phạm xử lý nghiêm, không bao che
Trao đổi với báo chí liên quan sự việc trên, lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh cho biết, sẽ xác minh ngay sự việc, nếu CSGT trong clip là cán bộ Đội CSGT - trật tự Công an huyện Bình Chánh mà có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm, không bao che.
“Quan điểm của lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh và Ban giám đốc Công an TP HCM là sẽ kiểm tra vụ việc, kiểm tra lại quy trình, xác định chính xác sai phạm của cán bộ CSGT đến đâu thì xử lý đến đó, không có chuyện bao che”, vị lãnh đạo này nói.
Đồng thời cho biết, Công an huyện Bình Chánh cũng đang tập hợp kiểm tra, xác minh thêm về nhóm thanh niên và vụ việc xảy ra vào chiều 27/3 để có đề xuất xử lý đúng theo quy định của pháp luật.