Với án tù chung thân vì tội giết người ở hai vụ án, ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) phải ngồi tù 17 năm 6 tháng mới được trả tự do, được xin lỗi và bồi thường oan sai. Nhưng bi kịch thứ nhất vừa chấm dứt thì bi kịch thứ hai lại ập tới, khi "người tù thế kỷ" làm nhói đau lòng người bởi lá đơn tố cáo chính cha mình...
Bi kịch thứ nhất
Bi kịch lần thứ nhất đến với Huỳnh Văn Nén là cái chết của bà Lê Thị Bông ở thôn 2, thị trấn Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) vào đêm 23.4.1998.
Một tháng sau, Huỳnh Văn Nén bị bắt, tình nghi là thủ phạm. Người dân Tân Minh không lạ gì Nén, quanh năm chân liêu xiêu vì rượu, thi thoảng lại trộm vặt của hàng xóm khi con gà, lúc đồ vặt vãnh… để đỡ cơn nghiền. Một người mà trói gà không chặt sao giết nổi bà Bông, một phụ nữ trung niên to con, khỏe mạnh bằng cách siết cổ?
Ấy thế mà Nén nhận tội ngon ơ, dù dấu chân thu được ở ghế salon nhà bà Bông to hơn nhiều với dấu chân Nén. Lúc thực nghiệm hiện trường thì Nén diễn như diễn viên không thuộc kịch bản.
Thế rồi, không biết Nén khai những gì mà đại gia đình gồm ba thế hệ nhà bà Lâm (mẹ vợ Nén) bị bắt hết, trong đó có cả hai trẻ vị thành niên, tình nghi ghen tuông nên giết bà Dương Thị Mỹ tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng cũng ở thôn 2 - vụ án này xảy ra cách đó 5 năm trước (tháng 5.1993), Công an Bình Thuận không tìm ra thủ phạm nên đã khép lại vụ án.
Nén dính đến cả hai vụ giết người, lẽ ra Nén lĩnh án tử hình nhưng nhờ khai ra thủ phạm giết bà Mỹ nên Nén được giảm án xuống chung thân.
Đại gia đình nhà bà Lâm tan nát từ đó. Nhà thì chồng vào tù, vợ bỏ đi, vợ Nén cũng dính án. Ông Nguyễn Thận, lúc đó là Chủ tịch thị trấn, đã phải đưa mấy đứa nhỏ vào làng SOS ở Gò Vấp (TP.HCM) cho có mái ấm ngôi nhà.
Dù đã phải ngồi tù, gia đình bà Lâm vẫn không ngừng kêu oan. Và sáu năm sau, họ được giải oan, chỉ có chị Nhung và Nén là không được lời xin lỗi vì chị Nhung đã chết, còn Nén đang thụ án vụ bà Bông.
Chính kết quả giải oan vụ giết bà Mỹ khiến ông Nguyễn Thận, người thân của Nén thêm quyết tâm rằng Nén không là thủ phạm giết bà Bông. Và họ đã bắt đầu cuộc hành trình đi kêu oan cho Nén.
Cụ Huỳnh Văn Truyện, cha Nén ở Cà Mau đã cầm cố miếng đất được 20 triệu để làm lộ phí đi kêu oan cho Nén. Ông Nguyễn Thận cũng vì quá thương số phận người dân quê mình, bán luôn miếng đất. Họ cùng nhau đi ra Hà Nội 2 lần.
Hết tiền, cụ Truyện về quê làm thuê cuốc mướn trả nợ, cuối cùng cụ cũng quyết bán miếng đất để đi kêu oan cho con. Cụ đi vì lời trăng trối của vợ, rằng ông cố cứu con, nó từ bé đã thiệt thòi hơn anh chị em, sức khỏe yếu, lại bị ngơ ngơ.
Nén chỉ học hết lớp 5 là thôi, vì không thể học hơn được nữa.
Cụ Truyện ra Hà Nội lần 2, gặp tôi vào chiều ngày 21.11.2013, lúc đó cụ đã 89 tuổi, mắt mờ, chân yếu, dù nhiều người khuyên cụ không đi, nhưng cụ vẫn quyết đi bằng được. Anh Huỳnh Nghĩa, con rể, bỏ công việc cùng ông Nguyễn Thận đưa cụ ra Hà Nội.
Cụ nói với tôi, cháu cố giúp bác, bác kêu oan cho nó đến khi chết thì thôi.
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong ba luật sư bào chữa miễn phí cho Nén và gia đình bà Lâm đã kết nối để mấy tờ báo gặp cụ Truyện. Luật sư thông tin Quốc hội ngày mai thảo luận án oan sai. Biết đâu, báo chí nhắc lại, là cơ hội tạo dư luận xem xét cho Nén.
Quả thật, ngay hôm sau thôi là báo chí lật lại kỳ án Huỳnh Văn Nén.
Một tuần sau, đầu tháng 12.2013, sau bài báo đăng lá đơn tố giác tội phạm của anh Nguyễn Phúc Thành, thủ phạm giết bà Bông là Thọ và Việt (Việt đã chết vì bệnh AIDS), Thọ trốn khỏi địa phương ngay trong đêm bà Bông bị giết.
Từ Bình Thuận, anh Huỳnh Nghĩa, anh rể Nén gọi điện báo tin cho tôi hay cán bộ Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Bộ Công an) đã đến gặp anh Thành và gia đình để xác minh.
Mọi người tràn đầy hy vọng. Và vụ án Huỳnh Văn Nén được xác định nằm trong 5 vụ án có dấu hiệu oan sai đặc biệt.
Nói rõ thêm, anh Thành là người mà Thọ và Việt gặp ngay sau khi giết bà Bông, chiếc nhẫn vàng mà Nén khai với công an là lấy xong rồi vứt đi. Chính anh Thành đã chở Thọ đi đến tiệm vàng trong thị trấn để bán, đưa Thọ ra lộ đón xe khách.
Năm 2000, khi còn thụ án trong trại giam Sông Cái, hay tin Nén bị án chung thân, anh Thành đã báo cáo sự việc với giám thị và được hướng dẫn viết đơn, được gửi đến Cục Quản lý trại giam.
Một đơn anh nhờ mẹ khi vào thăm chuyển về cho ông Chủ tịch thị trấn Nguyễn Thận.
Thật tiếc, lá đơn tố giác của anh Thành lại được Công an Bình Thuận giao cho điều tra viên Cao Văn Hùng - điều tra viên chính trong cả hai vụ án giết và Mỹ và bà Bông, nên điều tra viên Hùng báo cáo là xác minh không có cơ sở.
Lá đơn tố giác của anh Thành khép lại suốt hơn 15 năm.
Mười bảy năm Nén dính hai vụ án là mười bảy năm cả đội quân báo chí đông đảo khoảng gần 50 người, hơn 10 luật sư bào chữa miễn phí. Có nhà báo còn đi xe máy từ Bình Thuận về Đồng Nai tìm nhân chứng để chứng minh Nén ngoại phạm trong vụ giết bà Mỹ.
Không thể đếm xuể số lượng bài báo bảo vệ Nén và gia đình bà Lâm, dù tòa đã kết án. Vì tất cả có chung một niềm tin là Nén không thể phạm tội giết hai mạng người.
Niềm vui vỡ òa khi gia đình cụ Truyện được hướng dẫn làm đơn bảo lãnh Nén để đi chữa bệnh.
17h30 ngày 22.10.2015, người tù án chung thân Huỳnh Văn Nén bước chân ra khỏi trại giam, ôm chầm ông Nguyễn Thận và nói: "Con cảm ơn thầy, người sinh ra con lần 2". Chị Ngân quỵ xuống khóc ngất khi vừa nắm tay em, bao tiền của công sức của chị đã không uổng. Ôm người vợ mà Nén trào nước mắt.
Gần hai năm sau khi nhận lời xin lỗi từ các cơ quan tư pháp tỉnh Bình Thuận, sau nhiều lần thương thảo, mức bồi thường hơn 10 tỷ đồng đã được hai bên thống nhất. Và đến ngày 4.5.2017, số tiền bồi thường đã được chuyển tới gia đình ông Nén.
Vì sức khỏe của ông Nén, với tỷ lệ 21% rối loạn tâm thần không biệt định nên ông Nén đã thống nhất số tiền trên gửi vào tài khoản của cụ Truyện và bà Huỳnh Thị Kim Ngân - chị gái ông Nén gửi ngân hàng để gia đình ông Nén sử dụng số tiền bền vững.
Ông Nén đã thành tỷ phú. Bi kịch lần thứ 2 đã bước vào cuộc đời ông.
Ông Nén đã bỏ nhà đến ở với người phụ nữ khác từ Tết, đòi cha nhận con dâu mới.
Sau mười bảy năm vật lộn mưu sinh nuôi ba con nhỏ trưởng thành, giờ ông Nén không nhận bà Cẩm là vợ mình, vì không có đăng ký kết hôn. Ông Nén viết đơn tố cáo cha và chị gái chiếm đoạt số tiền bồi thường khủng của mình.
|
Khoảnh khắc gặp lại người vợ sau hơn 17 năm xa cách. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
|
Ông Nén nhờ một luật sư ở Đồng Nai tư vấn, trợ giúp đòi số tiền bồi thường, gửi đơn tố cáo cha đến một vài tờ báo.
Nhiều nhà báo, luật sư tham gia hành trình giải oan cho Huỳnh Văn Nén đều bất ngờ khi đọc bài báo với nội dung ông Nén tiết lộ động trời về việc bị chiếm dụng tiền đền bù oan sai.
Ai cũng hiểu lờ mờ nguyên nhân và không giận Nén.
Nhiều người trong số chúng tôi tự hỏi: Sao Nén nỡ quên đi 17 năm trời cha, chị gái, ông Nguyễn Thận và nhiều người khác đã chỉ vì hai chữ công lý mà vất vả, khổ nhọc vì Nén, để đổi lại giờ đây nằm trong danh sách tố cáo?
|
Ông Huỳnh Văn Nén và cha - ông Huỳnh Văn Truyện. Ảnh: Tiền Phong
|
Luật sư Phạm Công Út, một trong những luật sư tham gia trợ giúp pháp lý cho gia đình đã chia sẻ: Chúng ta đã giành được công lý cho ông Nén thì cùng xắn tay áo vào mà cứu Nén thoát khỏi bi kịch lần thứ 2 trong cuộc đời, bằng cái đầu tỉnh táo.
Nhà báo Phương Nam, người đã tham gia từ đầu hai vụ án oan giết bà Mỹ và bà Bông, viết: Đó là bi kịch. Bi kịch mang tên Huỳnh Văn Nén.
Nhà báo Phương Nam đã linh cảm một điều gì đó sẽ xáo trộn gia đình này, khi ông Nén bước chân ra khỏi trại giam và khi nhận số tiền bồi thưởng lớn đến mức khó tưởng.
Đến giờ, dần dần nhiều người đã hiểu vì sao ông Nén lại tố cáo cha, chị, ân nhân, từ bỏ vợ.
Tôi cũng như vài người bạn chỉ biết thở dài, tiếc cho ông Nén “trái tim lầm chỗ để lên đầu”.
Bi kịch của người tù thế kỷ là vậy!