Đã ghi nhận trường hợp giải thưởng “giả”
Qua 2 năm xét tuyển tại Trường THPT Lương Thế Vinh, cứ 10 em thì có 3 em đạt giải thưởng các loại. Việc học sinh có quá nhiều giải thưởng đã khiến PGS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh - băn khoăn, liệu những hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng văn nghệ, thể thao, thi qua mạng kia có thực chất?
|
Tuyển sinh đầu cấp vẫn luôn là vấn đề "nóng" (Ảnh: HN) |
PGS Văn Như Cương cho biết thêm, nhà trường không thể kiểm chứng hết chất lượng các giải này nhưng chính phụ huynh sau khi con học ở trường một thời gian cũng thừa nhận giải thưởng này là "xin" được". Trường Lương Thế Vinh khi xét tuyển lớp 6 đã ghi nhận được một trường hợp phụ huynh khai gian hồ sơ của con, khi bị phát hiện, người này đã phải rút đơn đăng ký.
"Đau khổ nhất là cả nhà trường, giáo viên, phụ huynh, thậm chí cả học sinh đều biết, đều không tin vào những điểm 10 và các giải thưởng này, nhưng vẫn cứ phải thoả hiệp với nhau. Nếu không thì biết căn cứ vào đâu để tuyên bố ai trúng, ai trượt?" - PGS Văn Như Cương chia sẻ.
Ông Cương cũng cho biết thêm, với sự kì vọng của mình, phụ huynh cho trẻ tham gia quá nhiều cuộc thi sẽ gây tâm lý mệt mỏi cho học sinh. Việc mua giải sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ. Khi tự dưng có một giải thưởng mình không tham gia dự thi, học sinh sẽ hỏi và bố mẹ buộc phải trả lời. Chúng ta sẽ dạy các con trung thực như thế nào khi chính bố mẹ gian lận?
Chung nỗi niềm tương tự, TS Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc “chạy” cho con có một bảng điểm đẹp đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều phụ huynh tìm mọi cách cho con mình nhận được đánh giá “Xuất sắc” theo như Thông tư 22 quy định.
“Đáng buồn, có những giải thi qua mạng, bố mẹ đã lập cho trẻ hàng chục tài khoản để trẻ luyện. Cứ làm như thế, dần dần đứa trẻ thuộc hết các câu trả lời và nó sẽ thành cái máy. Các giải này hoàn toàn bị biến tướng và không còn giá trị giáo dục nữa. Đáng sợ hơn nữa, có những đứa trẻ không hề tham gia cuộc thi và không có khả năng môn đó nhưng vẫn có giải. Có trường hợp đứa trẻ không biết bơi vẫn có giải bơi lội”, TS Hương bức xúc.
Chưa triệt để...
Trước thông tin trên, Bộ GDĐT vừa chính thức yêu cầu tinh giảm các cuộc thi dành cho học sinh phổ thông nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, gây áp lực thành tích cho giáo viên, học sinh. Theo đó, từ năm học 2017-2018, các Sở GDĐT cả nước sẽ không được lấy kết quả các cuộc thi do Sở tổ chức hoặc kết quả từ các cuộc thi quốc tế do Sở cử đi tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Từ năm học 2018-2019, các Sở GDĐT không được sử dụng kết quả này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Bộ GDĐT cũng sẽ không cấp xác nhận thành tích của giáo viên, học sinh được Sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.
PGS Văn Như Cương chia sẻ: “Tôi mừng là mới đây Bộ ra công văn tinh giảm các cuộc thi. Tôi có một mong muốn là học sinh có quyền đi học và quyền chọn trường. Nhưng vấn đề chọn trường chắc khó do phân bố dân cư và tâm lý của phụ huynh. Muốn làm được việc này, nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục là phải đồng đều hóa chất lượng đào tạo của các trường THCS - hiện đang có độ vênh. Khi mặt bằng đào tạo như nhau, phụ huynh sẽ yên tâm cho con học ở trường đúng tuyến mà không phải cố để con được vào trường top trên và phải "luyện" giải, xin điểm cho con để được ưu tiên xét tuyển. Những giải pháp trên có lẽ phải lâu dài mới thực hiện được. Trước mắt, tôi nghĩ không gì tốt hơn là để một số trường top đầu được tổ chức thi tuyển.
Trong khi đó, TS Vũ Thu Hương lại nhìn nhận: Đây lại là một quyết định thực sự không triệt để. Những giải cấp quốc gia vẫn được tính điểm thì câu chuyện “luyện gà” cho con để lấy giải quốc gia vẫn còn và chắc chắn câu chuyện chạy điểm vẫn không thể chấm dứt.