Ngày 29/7, thành phố Hà Nội đã thông báo mẫu "Giấy đi đường" nhằm thống nhất các quy định, quy trình để tạo điều kiện cho người dân các tỉnh, thành phố khác di chuyển ra khỏi Hà Nội; thống nhất mẫu giấy tờ, quy trình kiểm soát việc di chuyển của lực lượng công vụ, y tế, công nhân, lao động hiện đang sinh sống tại khu vực ven đô, rút ngắn thời gian khai báo để di chuyển vào Thành phố Hà Nội.
|
Người dùng giấy đi đường cũ có đầy đủ thông tin theo quy định sẽ không bị xử phạt. Ảnh: một chốt kiểm dịch. |
Tuy nhiên, nhiều người dân mắc, trước khi Hà Nội công bố mẫu "Giấy đi đường", họ đã được cơ quan, tổ chức cấp cho một tờ giấy đi đường. Nếu dùng mẫu cũ khi bị kiểm tra họ có vi phạm quy định và có bị xử phạt không?
|
Mẫu giấy đi đường vừa được UBND TP Hà Nội ban hành. |
Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: văn bản của UBND TP Hà Nội quy định tương đối đầy đủ chi tiết về các trường hợp được phép đi lại, di chuyển trong nội thành Hà Nội và những người di chuyển ra vào thành phố.
Đây là quy định mới, áp dụng thống nhất cho cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, đảm bảo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cũng như để đảm bảo thuận tiện cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, các giấy tờ cần thiết để tham gia giao thông.
Mẫu giấy đi đường mà TP Hà Nội vừa ban hành là mẫu chung, trong đó có những nội dung bắt buộc như thông tin của người đi đường, cơ quan tổ chức làm việc, địa chỉ, lý do ra đường và các thông tin khác có liên quan.
Căn cứ vào mẫu này, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ ban hành những giấy đi đường theo nội dung thông tin của đơn vị mình. Mẫu có tính chất hướng dẫn và quy định về mặt nội dung.
"Đối với các cơ quan tổ chức đã thực hiện các mẫu giấy đi đường trước đó mà có đầy đủ nội dung thông tin như giấy trên thì không cần phải thay đổi, bởi mẫu là quy định chung, chỉ cần có đầy đủ các thông tin như vậy là được. Quan trọng nhất là thông tin về người đi đường, cơ quan, địa chỉ cư trú và lý do ra đường" - luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra giấy đi đường mà không có đầy đủ các thông tin theo mẫu: như thông tin về cơ quan, nơi cư trú của người đi đường; lý do đi đường… thì người dân có thể bị xử phạt vì giấy này không hợp lệ.
Đối với trường hợp ra đường trong trường hợp không cần thiết có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng; Trường hợp giao tiếp trong phạm vi dưới 2 mét sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng.
"Còn trường hợp người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp đến cơ quan doanh nghiệp của mình để ký giấy, đóng dấu cho bản thân mình và cán bộ nhân viên giấy đi đường theo mẫu để đi làm việc, chưa kịp phát hành mẫu giấy này, tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng cũng có thể linh động để họ thực hiện các thủ tục theo quy định" - luật sư Cường cho hay.
>>> Mời quý độc giả xem video: Thanh niên ngáo đá chạy xe máy tông sập chốt kiểm dịch COVID-19