Liên quan vụ xả thải đầu độc nước sông Đà, dư luận rất ngạc nhiên với cách hành xử của ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà khi liên tục nói dối về đơn vị xử lý chất thải và số lượng chất thải được chuyển giao xử lý cho các đơn vị.
Theo đó, khi vụ việc con gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà Nguyễn Đức Truyền bị các cơ quan chức năng chỉ ra có thuê và cung cấp chất thải cho đối tượng Lý Đình Vũ mang đi xả thải, trả lời báo chí về đơn vị xử lý chất thải, ông Truyền cho biết, công ty đã ký với Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (có địa chỉ tại Khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) để xử lý chất thải nhưng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty này mới đến chở đi.
Tuy nhiên đại diện Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc cho biết, đơn vị này đã hết hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà đã hết hạn từ hai năm trước.
|
Ông Nguyễn Đức Truyền. |
Sau sự việc này, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đã thừa nhận thông tin trước đó nói với báo chí là không đúng và xin đính chính và cho biết hiện Công ty đã ký hợp đồng mới với Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (đầu năm 2019).
Đáng chú ý, tại biên bản buổi làm việc với đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an ngày 19/10, Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà lại khẳng định đã chuyển giao cho Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình 190kg chất thải nguy hại theo chứng từ chất thải nguy hại số 01/2019/CTH ngày 27/6/2019.
Tuy nhiên, mới đây, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình phủ nhận thông tin trên và khẳng định thông tin Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà đã chuyển 190kg dầu thải nguy hại cho công ty xử lý là không đúng.
Đồng thời cho biết, công ty mong muốn cơ quan chức năng làm rõ thông tin trên và điều tra số dầu thải mà Công ty gốm sứ Thanh Hà (CTH) khai báo đã đi đâu.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình, đầu năm 2019, công ty có ký hợp đồng thu gom, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại với Công ty cổ phần gốm sứ CTH, có trụ sở tại phường Thanh Vinh (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, từ khi ký kết hợp đồng đến nay, Công ty Cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình mới chỉ đến Công ty cổ phần gốm sứ CTH một lần vào tháng 6/2019 và chỉ lấy 13 kg gồm giẻ dính dầu, chứ không có bất cứ 1 kg dầu thải nào.
Đáng chú ý, theo nội dung biên bản của đoàn kiểm tra Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an cho thấy, đoàn công tác đã kết luận công ty CP gốm sứ Thanh Hà chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Cụ thể, công ty đã chuyển gần 9.000 kg dầu thải cho hai đối tượng Đại và Thám để mang đi xử lý. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng trên.
Theo nội dung biên bản, ông Trần Trung Thành – Phó Giám đốc Công ty thừa nhận hành vi vi phạm trong việc quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho đơn vị không có chức năng xử lý chất thải nguy hại và những vi phạm như đã nêu ở trên.
Với hành vi vi phạm trên, theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật cho rằng, việc chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho đơn vị không có chức năng xử lý chất thải nguy hại có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, hành vi bán dầu thải cho người mua dạo không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại có thể bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển giao, cho, bán từ 5.000 kg chất thải nguy hại trở lên. Đối với pháp nhân thì mức phạt gấp đôi.
Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra.
“Qua quá trình điều tra, nếu có đủ cơ sở để xác định có dấu hiệu hình sự thì Cơ quan điều tra có thể khởi tố theo Điều 236 Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc đồng phạm với Tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự”, Luật sư Diệp Năng Bình cho hay.