Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho Tuổi Trẻ Online biết: "Thầy Phan Huy Lê đã qua đời vào vào 13h06 phút chiều nay sau ba tuần nằm viện.
Khi thầy nhập viện, lãnh đạo Bộ Y tế, cũng như lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã rất quan tâm, mời những giáo sư đầu ngành tập trung chẩn đoán, chữa trị cho thầy. Nhưng do tuổi cao sức yếu, thầy đã không qua khỏi".
Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Tung cho biết đầu tháng sáu, dù tuổi cao nhưng Giáo sư Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn ra Trường Sa. Ông là người cao tuổi nhất trong đoàn.
|
S Phan Huy Lê - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Khi về Hà Nội, sức khỏe ông vẫn bình thường. Nhưng mấy ngày sau gia đình thấy ông bị mệt, đưa ông vào Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh tim và được chỉ định đặt stent để thông mạch.
Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã nỗ lực cứu chữa. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, công với việc trước đó Giáo sư Phan Huy Lê mắc bệnh cao huyết áp, từng bị tai biến nên Giáo sư đã không qua khỏi.
"Khi đi Trường Sa về cụ vui lắm. Lúc nằm trong bệnh viện cụ vẫn nghĩ mình đang làm việc. Có lần cụ nói với con gái "bố quên tắt máy tính". Cụ vẫn muốn làm việc đến tận giây phút cuối cùng", Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung chia sẻ.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.
Giáo sư Phan Huy Lê là nhà sử học Việt Nam nổi tiếng nhất trong giới sử học Việt Nam đương đại. Ông nguyên là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (2004-2009).
Ông là một trí thức tận tâm, tận lực với Tổ quốc. Ông đã từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng ba.