“Giáo dục là điểm kém sáng nhất trong bức tranh nhiệm kỳ Chính phủ“

Google News

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu thuộc đoàn ĐBQH An Giang cho rằng: "Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta hay nói nhiệm vụ hàng đầu nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021".

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH An Giang (thành viên của Tổng Hội Y học Việt Nam - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã đưa ra 3 vấn đề hy vọng Chính phủ sẽ tìm ra câu trả lời hoặc đưa ra các giải pháp hiệu quả.
“Giao duc la diem kem sang nhat trong buc tranh nhiem ky Chinh phu“
 ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu.
Thứ nhất, những kiến nghị của cử tri được các Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH chuyển đến nhưng chưa được Chính phủ trả lời hoặc dù đã thống nhất kết luận nhưng vẫn chưa được thực hiện.
“Theo số lượng thống kê thì con số này là hàng trăm, thậm chí nhiều hơn thế nữa. Có nhiều kiến nghị chính xác, đóng góp cao nhưng lại rơi vào quên lãng sau vài năm kiến nghị. Chính phủ nên tổng kết kiến nghị về số lượng mà các đoàn ĐBQH, đại biểu đề xuất nhiều lần nhất để công khai ý kiến trên các kênh thông tin đại chúng như cổng thông tin Chính phủ để cử tri theo dõi, giám sát” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói và đưa ra ví dụ về việc cử tri An Giang luôn chất vấn tại sao kiến nghị xây tuyến đường tránh Long Xuyên mà mãi không được thực hiện?
Thứ hai, xây dựng, soạn thảo các đạo luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ và các bộ ngành. Quy trình cần phải minh bạch hơn để bảo đảm tiến độ, đặc biệt là chất lượng của đạo luật. Đừng để nhiều dự thảo luật đưa ra còn quá nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội ngay từ trong quá trình thảo luận. Thậm chí, có đạo luật vừa ban hành đã phải dừng lại để sửa đổi.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, thời gian gửi dự thảo đến các ĐBQH cần phải bảo đảm đúng quy định. Các luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới so với luật cũ, đánh giá rõ ràng, tường minh, tránh lợi ích nhóm, tư duy địa phương, cục bộ. Lộ trình xây dựng luật của Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm, nếu không giữ được lộ trình thì phải giải trình trước Quốc hội. Tránh để các dự luật như: luật về Hội đã được thảo luận kỳ hợp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV nhưng không chắc đến kỳ sau đạo luật này có được đưa ra thảo luận lần thứ hai hay không. Luật khám chữa bệnh đã được sửa đổi và sửa đổi 3 kỳ liên tiếp, gần đây có trong nghị sự lại đưa ra phút chót, một điều luật mà có tác động rất lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu kết thúc. Mong ngay trong kỳ Quốc hội khóa XV sẽ được đưa ra để sửa đổi đầu tiên.
Thứ ba, vấn đề về đạo đức xã hội, phạm pháp ngày càng tăng theo thời gian khiến cử tri không khỏi lo lắng với câu hỏi xã hội ngày nay có càng bất ổn hay không?
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn. Phải chăng là do nghiệp vụ điều tra, truy tố được nâng cao khi phát hiện được nhiều vụ hơn mà trước nay bỏ sót hay vì khoảng cách giàu nghèo lại càng tăng khiến cho nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật?
“Nhưng theo tôi, lý do chủ yếu là chúng ta quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng vào giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Giáo dục là lĩnh vực mà chúng ta hay nói nhiệm vụ hàng đầu nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh nhiệm kỳ Chính phủ 2016 – 2021. Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực Giáo dục và Y tế - 2 trụ cột của an sinh xã hội để đất nước phát triển bền vững, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe”.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Ông Nguyễn Văn Nên Bí thư Thành ủy TP. HCM không ứng cử Đại Biểu Quốc Hội

Nguồn: VTV


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)