LTS: Năm 2002, một gia đình tại xã Động Lâm, Hạ Hòa, Phú Thọ liên tiếp mất 3 người chỉ trong thời gian chưa đầy 50 ngày. 2 người hàng xóm cũng tử vong một cách bí ẩn cùng một hiện tượng hộc máu ra miệng rồi chết. Trước sự việc, dân làng đồn rằng nguyên nhân liên quan đến giai thoại về việc "trinh nữ trấn yểm kho báu của người Tàu" trên đồi Cây Thị. Sự việc kinh hoàng khi ấy đã khiến dư luận cả tỉnh Phú Thọ xôn xao, các cơ quan như công an điều tra, an ninh, Y tế ... đều vào cuộc ráo riết; song, không đưa ra kết luận rõ ràng. Sau từng ấy năm, người viết đã cất công tìm gặp các nhân chứng quan trọng, bao gồm cả vị trưởng công an xã thời điểm ấy và người bác sỹ pháp y đã trực tiếp giải phẫu thi thể một nạn nhân, nhằm tìm kiếm câu trả lời về những cái chết bí ẩn ở đồi Cây Thị.
“Ao tròn, giếng méo, cây thị khòng kheo” và 5 cái chết dữ dội
Người làng kể rằng, đồi Cây Thị vốn là một địa điểm mà người Tàu xưa kia đã chôn giấu nhiều vàng bạc, châu báu. Để trấn yểm kho báu, họ đã đặt vào đó một trinh nữ, biến cô gái bị chết oan khuất này trở thành “thần giữ của”, ngoài ra, họ còn đánh dấu vị trí bằng câu mật ngữ: “Ao tròn, giếng méo, cây thị cong keo”. Mấy chục năm trước, hai người Trung Quốc đã tìm đến khu vực đồi Cây Thị để tìm kho báu, kể từ đó, kéo theo hàng loạt cái chết vô cùng bí ẩn, dị thường cho những người sống quanh khu vực này.
|
Đồi Cây Thị, nơi xảy ra 5 cái chết bí ẩn và hãi hùng năm 2002. |
Người đàn ông tâm thần trong căn nhà hoang
Khu vực đồi đất um tùm cây cối xanh ngan ngát ở khu 5 (xã Động Lâm, Hạ Hòa, Phú Thọ) có tên như hiện nay vì một lý do rất đỗi giản dị: Trên đỉnh đồi tồn tại hai cây thị cổ thụ xù xì, to lớn kiêu hãnh, các cụ cao niên ước chừng những cây ấy có tuổi thọ đến 800 năm. Từ bao đời nay, người dân đã gọi đó là đồi Cây Thị. Đối diện đồi Cây Thị là ngôi nhà xưa kia của ông bà Nguyễn Tiến Diện và Vũ Thị Bỉnh. Tiếc là cảnh còn nhưng người đã mất, hai ông bà Diện – Bỉnh đã không còn tại thế từ rất lâu. Cái chết của họ cho đến bây giờ vẫn là bí ẩn, gây nên nhiều hoang mang, đồn đoán cho người dân địa phương. Ngôi nhà bây giờ bỏ hoang, hoặc ít nhất là gần như vậy.
Lối vào nhà ông bà Diện – Bỉnh cỏ mọc quá đầu người, cộng với cây dại đâm xiên đâm chéo tạo thành bức tường tự nhiên, muốn vào cổng phải vạch cỏ dại mở thành lối đi.
Vượt qua bức tường cây dại, bước vào khoảnh sân rêu mốc, ngôi nhà lụp xụp, đổ nát hiện ra trong tầm mắt. Các bức tường đắp bằng đất đều xiêu vẹo, mái ngói dột nát, gió lạnh đầu mùa đông lùa vào từng khe nứt tạo ra tiếng u u rờn rợn tựa quỷ khóc thần gào.
Theo mỗi cơn gió lạnh lẽo, mấy bức ảnh cũ kỹ trên bàn thờ lại kêu lạch cạch như thể ai đó chào mừng những vị khách lạ đường xa tìm tới cửa. Tuy nhiên, những điều đó thực sự lại không gây ấn tượng quá nhiều đối với chúng tôi, điều khiến người viết giật mình là một dáng người nhỏ bé èo uột đang ngồi trên chiếc ghế nhựa màu đỏ trước hiên nhà. Đó là một người đàn ông trung tuổi, tóc cắt ngắn đốm bạc, gương mặt hốc hác thất thần. Rõ ràng là tinh thần của người đàn ông không bình thường, ông ta chỉ lờ đờ liếc nhìn chúng tôi một giây, rồi lại lặng lẽ hướng mắt nhìn sang đồi Cây Thị.
|
Ngôi nhà bỏ trống của ông Diên – bà Bỉnh |
Vị cán bộ văn hóa xã đi cùng chúng tôi giải thích: “Đây là anh P, con trai út của ông Diên, bà Bỉnh. Anh ấy “bị” như thế này đã mấy chục năm rồi, từ lúc hai ông bà tử vong bất thường. Nói chung là “ngơ”, không biết cái gì nữa, cả ngày chỉ nhìn chằm chằm sang đồi Cây Thị như kiểu có thể lực nào đó thu hút anh ấy. Có một số luồng ý kiến cho rằng anh ấy bị ma hành, song, tôi thì chỉ nghĩ là anh ấy bị sốc tâm lý quá nặng sau cái chết của hai ông bà. Nói gì thì nói, chứng kiến cả hai ông bà đều hộc máu chết ngay trong ngôi nhà này là điều quá sức chịu đựng với bất cứ người con nào. Hiện giờ, anh P ở một mình trong ngôi nhà của bố mẹ, việc ăn uống do người anh trai là Nguyễn Văn Đàn lo lắng”.
Chuyện về người Tàu đi tìm kho báu
Được hỏi về chuyện đồi Cây Thị, vị cán bộ văn hóa cười cười, rào đón: “Mấy chuyện mà tôi nghe được toàn là tin đồn, chứ không biết thật hư thế nào. Tôi kể cho nhà báo nghe, nhưng không phải là tuyên truyền mê tín dị đoan đâu nhé, đừng đưa tôi lên báo, kẻo mấy ông lãnh đạo lại bảo tôi “thiếu tinh thần biến chứng”. Tôi nghe nói, vào một buổi trưa mùa hè năm 2002, một người lạ đi vào quán nước ven đường ở ngoài trung tâm xã hỏi thăm người dân về một địa danh với đặc điểm rất kỳ lạ: “Chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị khòng kheo”. Ban đầu, người dân bảo không có nơi nào như thế, nhưng sau đó, mấy người già trong làng chỉ ông ta đến khu đồi Cây Thị. Tôi là người dân gốc ở đây, tôi khẳng định là những đặc điểm mà người Tàu kia nhắc đến là trùng hợp với các sự vật ở đồi Cây Thị. Trên đỉnh đồi, từ cổ xưa, đã có một cái ao nước, đào kiểu gì thì nó cũng thành hình tròn. Dưới chân đồi là một cái giếng, nắn kiểu gì nó cũng méo. Và đặc biệt, một trong hai cây thị cổ thụ - cụ thể là cây bên trái - luôn luôn sinh ra quả khòng kheo, không có lấy một quả hẳn hoi. Người Tàu tìm đến đồi Cây Thị xem xét một hồi, rồi lẳng lặng bỏ đi, không nói gì hết”.
|
Người dân vẫn kinh hoàng khi nhắc đến những cái chết năm xưa |
Cũng theo lời kể, khoảng 3 tháng sau thời điểm nói trên, vào lúc xế chiều, có một người Trung Quốc cầm cái bồ đến hỏi thăm nhà ông Nguyễn Tiến Diên và xin nghỉ trọ một hôm. Sớm hôm sau, khi ông Diên tỉnh dậy thì không thấy người lạ kia đâu nữa. Ông bần thần cả buổi sáng, nhưng cũng không hiểu tại sao người nọ bỏ đi. Đến tầm gần trưa, ông Diên leo lên đồi Cây Thị để kiếm củi, bỗng phát hiện cả khoảng đất to nở tung lên một cách tự nhiên, không giống như lấy xẻng hay máy móc gì đào cả. Kiểm tra vị trí đất bị bung lên, ông Diên nhìn thấy mấy thỏi vàng, ông nhặt lấy bọc vào vạt áo đem về. Điều này không ai làm chứng, cũng không thể khẳng định chính xác. Song, thời gian sau đó, bà con ở quanh vùng ai cũng thấy lạ khi ông Diên tự nhiên cho gọi hết con cái làm ăn xa về, sắm sửa đồ đạc, mua trâu, bò... và trở nên giàu sang trông thấy. Cũng vì thế, người ta mới tin rằng trên đồi Cây Thị thực sự có kho báu của người xưa để lại, và số vàng mà ông Diên vô tình nhặt được là một phần của kho báu đó.
Vị cán bộ văn hóa nói thêm: “Thật ra chuyện về kho báu, người dân ở đây đã nghe từ rất lâu. Năm 1968, có 2 người Trung Quốc sang đây hỏi thăm nhà ông Hồng Đại (khi đó là chủ khu đất này). Họ đề cập luôn rằng sẽ lấy của cải và chia cho ông rồi hẹn ngày giờ đến đào và yêu cầu ông giữ bí mật. Tuy nhiên, ông Hồng Đại báo với dân quân để chờ 2 người Trung Quốc quay lại. Đến ngày hẹn, chờ mãi mà chả thấy 2 người đó đâu. Ông Đại với mấy dân quân đào vị trí mà 2 người lạ đã chỉ (cạnh chiếc giếng cũ) thì thấy mấy mảnh ván gỗ. Thật ra những mảnh ván ấy là của cụ Lý Mải ngày trước bắc cầu cạnh giếng để rửa chân. Khoảng một tháng sau, ông Hồng Đại lên đồi thì thấy mấy mảnh của cái tiểu sành và một số dấu vết đào bới quanh đó. Nhưng ông không quan tâm những chuyện nhảm nhí như vậy, ông vẫn sống cuộc sống bình thường ở đồi Cây thị. Sau này ông chết vì tuổi già, con cháu mới bán đất để đi nơi khác làm ăn”.
Ký ức rùng rợn về những cái chết liên tiếp
Không biết có mối liên hệ thế nào giữa lời đồn ông Diện tìm được vàng và cái chết của ông này, song, sự thật là khoảng cuối tháng 8/2002, ở khu 5 xã Động Lâm, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm mà không rõ được nguyên nhân. Triệu chứng ban đầu của nạn nhân là đau đầu rồi lên cơn co giật, sùi bọt mép sau đó chết ngay tại chỗ. Trong số 5 nạn nhân, ngoài ông Diên, còn vợ của ông và người cháu gọi ông Diên là chú ruột. Sự liên hệ này khiến cho dư luận rùng rùng đồn đoán rằng ông Diên bị “phạt” vì dám lấy vàng ở kho báu, dù chỉ là vàng rơi vãi. Và thủ phạm gây ra cái chết cho 3 người trong gia đình ông là “con ma trinh nữ” được người Tàu trấn yểm để bảo vệ kho báu kia.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nạn nhân đầu tiên là anh Nguyễn Văn Ba (29 tuổi, trú tại Khu 5, xã Động Lâm, ngôi nhà của ông anh Ba nằm ngay dưới chân đồi Cây Thị). Trưa ngày 29/8/2002, anh Ba đột nhiên bị đau đầu, lên cơn co giật, sùi bọt mép và chết ngay tại chỗ. Sau khi anh Sĩ mất được một thời gian ngắn, đến lượt ông Nguyễn Tiến Diện thiệt mạng, ông Diện cũng gặp những triệu chứng trên rồi chết “bất đắc kì tử”. Chưa đến 49 ngày của ông Diện thì người tiếp theo “ra đi” là Bà Vũ Thị Bỉnh (vợ ông Diện). Đáng kinh hãi hơn, trong lúc này cũng có thêm 2 nạn nhân khác là hàng xóm sống trên cùng một quả đồi với gia đình anh Ba tử vong với những triệu chứng trên.
Sau khi nạn nhân thứ 5 là bà Bỉnh tử vong, cơ quan y tế đã tiến hành mổ tử thi bà Vũ Thị Bỉnh để kiểm tra. Theo kết quả của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, mẫu dạ dày của nạn nhân có chất Ethyl methylnitrosocarbamate và chất Elsholtzia Ketone, mẫu gan và mẫu máu đều có Elsholtzia Ketone, những chất độc này không phải của một người bình thường và nhận định có thể cả 5 cái chết ở Động Lâm do ngộ độc cấp tính thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng theo những người dân nơi đây cho rằng, kết luận của Bộ Y tế như vậy là không thuyết phục được họ, bởi bản thân nạn nhân cuối cùng nếu trúng độc thì những người còn lại trong gia đình tại sao lại không bị trúng độc. Chính vì thế, vẫn có luồng dư luận tin rằng “con ma trinh nữ” mới chính là thủ phạm đích thực dẫn đến 5 cái chết thương tâm nói trên.
Kỳ 2: Chạm vào nỗi đau tột cùng của gia đình có 3 người chết bí ẩn dưới chân đồi Cây Thị