Căn biệt thự cổ thời Pháp, ở vùng ven thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) thuộc sở hữu của Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á), thực sự là một “bảo tàng tàng xương cốt”. Căn nhà này không dành cho những người yếu bóng vía. Khắp nơi, la liệt các phòng, các góc, là những mẩu xương, những bộ xương, những hộp sọ nằm im lìm trong tủ, chồng đống lên nhau. Mấy cán bộ nữ khảo cổ trẻ trung say mê, tỉ mẩn bên những bộ xương người.
Tuy nhiên, thứ tôi để ý, lại là cặp sừng khổng lồ treo trên tường cao, đến sát áp mái. Ngay dưới cặp sừng đó, là một cặp sừng trâu bình thường, ngẵn cũn cỡn.
Tôi thực sự giật mình kinh ngạc về độ lớn của cặp sừng động vật đó. Nó dường như không phải của loài vật ở thế giới hiện tại, mà là thứ của thời đại rất xa, chẳng hạn như thời của khủng long. Nhưng, cặp sừng rõ rành trước mắt, là thứ bằng sừng, chứ không phải hóa thạch.
TS. Nguyễn Việt chủ yếu nghiên cứu về tổ tiên loài người thời tiền sử, nhưng ông cũng yêu thích nghiên cứu các loài động vật cổ xưa. Người xưa săn bắn con gì, ăn thịt con gì, sống chung với loài gì, nó có sự liên quan chặt chẽ. Thế nhưng, bản thân ông cũng phải ngỡ ngàng, khi lần đầu tiên trông thấy cặp sừng quá khủng này.
|
Cặp sừng quá khổng lồ so với sừng trâu thường. |
Ông Việt dùng thước dây, đặt lượn theo cặp sừng cong cong, và ghi nhận được chiều dài không thể tin nổi của nó, tới 2,18m. Còn đo bằng cách căng sợi dây từ 2 điểm đầu hai sừng, thì tới 1,8m tròn trĩnh.
Đo chiều ngang gốc sừng, thì thấy chiều rộng 16cm. Bề ngang phần trán là 25cm. Trong khi, bề ngang phần trán của trâu thường loại lớn chỉ là 15cm. Cặp sừng và phần hốc xương đỡ hiện có cân nặng là 30kg. Như vậy, theo ước tính, lúc còn sống, con vật này phải mang trên đầu trọng lượng khoảng 50kg.
Từ cặp sừng này, các chuyên gia về động vật đã có một số phán đoán như sau về kích cỡ: Con vật có chiều cao từ gù lưng xuống mặt đất là 1,5m, chiều dài từ đầu mũi đến gốc đuôi khoảng 2,5m.
Tôi dùng tay sờ vào phần đầu của cặp sừng, thấy những sợi lông vẫn còn nguyên vẹn, to và cứng. Cặp sừng là bộ phận sống động còn lại của con vật khổng lồ. Điều đó có nghĩa, cặp sừng là của loài vật thời hiện đại, chứ không phải là thứ xa xưa, cổ đại, thứ đã hóa thạch.
Theo TS. Nguyễn Việt, ông đã mua được cặp sừng này từ một gia đình ở thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa), trong một chuyến điền dã ở vùng đất này. Ông Việt không tiết lộ giá mua cặp sừng ấy, nhưng theo ông, là một cái giá hợp lý.
Người bán không nắm được nhiều chuyện về cặp sừng này, vì họ thừa kế từ đời trước. Tuy nhiên, người bán khẳng định rằng, cặp sừng là vật gia bảo của dòng họ. Cụ tổ 5 đời trước của anh ta chính là người săn được con thú này tại miền tây của Thanh Hóa. Cặp sừng cùng nhiều kỷ vật khác, như răng hổ, ngà voi, hàm voi, vẫn được giữ trong nhà anh ta, như biểu trưng sức mạnh của những người thợ săn trong dòng họ. Cứ theo lời kể của người sở hữu cặp sừng này, thì nó đã có tuổi khoảng 150 đến 200 năm.
Chuyên gia về động vật, ông Phạm Trọng Ảnh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), khi xem bức ảnh cặp sừng thuộc sở hữu của TS. Nguyễn Việt, cũng đã hết sức kinh ngạc về độ lớn của nó.
Ông Ảnh cho biết, nhìn cặp sừng, có thể đoán nó thuộc loài trâu rừng. Nhưng, cặp sừng trâu rừng lớn nhất mà ông từng thấy, cũng chỉ có chiều dài khoảng 1m, tức là bằng nửa cặp sừng này.
Theo thông tin cung cấp từ TS. Nguyễn Việt về cặp sừng khổng lồ, mỗi lần vào vùng miền tây xứ Thanh, tôi đều dò hỏi thông tin về loài trâu rừng ở vùng đất này.
Ông Đinh Văn Trinh (84 tuổi, xã Thành Yên, Thạch Thành, Thanh Hóa), người nổi tiếng với tài săn hổ ở vùng miền tây Thanh Hóa, ông cha cũng là những thợ săn tài hoa, khi nhìn hình ảnh cặp sừng, đã khẳng định đây chính là cặp sừng của loài trâu nước, từng có nhiều ở vùng Thạch Thành, cũng như khắp miền tây xứ Thanh. Trong ký ức của ông, thì đây là loài trâu khổng lồ, thân đen bóng, to như voi, nặng cả tấn.
Ngày xưa, vùng đất này còn hoang vu, rậm rạp, thì loài trâu nước khổng lồ có rất nhiều. Chúng là loài to hơn trâu rừng, và có cặp sừng lớn hơn rất nhiều. Chúng sinh sống thành đàn ở bìa rừng, những vùng đầm lầy, thung lũng cỏ thưa. Vì có cặp sừng khổng lồ, khó di chuyển, nên chúng không thích hợp với rừng sâu, rừng rậm, núi cao.
Cũng chính vì đặc điểm đó, mà chúng nhanh chóng bị tuyệt chủng bởi con người. Theo ông Đinh Văn Trinh, trước năm 1945, khi còn nhỏ, thi thoảng ông được nhìn thấy loài trâu nước khổng lồ này lang thang ở thung lũng, đầm nước, cánh đồng giáp khu rừng Cúc Phương. Ông nội, bố đẻ ông cũng săn được vài con, cả bản xẻ thịt tại chỗ rồi khênh thịt về chia nhau. Những cặp sừng đều được thợ săn giữ lại làm kỷ niệm, nhưng rồi cũng thất lạc, giờ không còn nữa.
Từ khoảng 70 năm trở lại đây, thì toàn bộ vùng miền tây xứ Thanh không còn nghe nhắc đến loài trâu nước có cặp sừng khổng lồ, lừng lững ấy nữa. Chúng đã mất tăm mất tích, tuyệt chủng từ nhiều năm qua. Nhưng, chúng vẫn còn trong ký ức của những người già.
Thật bất ngờ, khi cặp sừng khổng lồ thuộc sở hữu của TS. Nguyễn Việt, còn chưa có lời giải, thì mới đây, nhiếp ảnh gia Sanjeev Chadha, đã ghi lại được hình ảnh con trâu nước có cặp sừng khổng lồ trong vườn quốc gia Kaziranga ở Ấn Độ.
Từ hình ảnh chấn động đó, các chuyên gia về động vật khẳng định rằng, cặp sừng của con trâu nước này có thể dài tới 1,5m. Ấn Độ hiện là nơi sinh sống của gần 100 triệu con trâu nước, chiếm hơn một nửa tổng số lượng loài vật này trên thế giới. Thế nhưng, cặp sừng của loài trâu nước chỉ có chiều dài khoảng 1m. Con trâu nước có cặp sừng dài tới 1,5m là vô cùng hiếm và chưa từng thấy. Thế nhưng, so về độ dài tới 2,18m, thì cặp sừng của con trâu nước Ấn Độ gây chấn động thế giới kia chẳng thấm vào đâu, so với cặp sừng thuộc sở hữu của TS. Nguyễn Việt.
Loài trâu khổng lồ từng có ở Việt Nam thực sự là một câu chuyện hấp dẫn, rất cần các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ.
Mời quý độc giả xem video Trâu điên tấn công người (nguồn VTV):