Lừa đảo cả lãnh đạo Sở, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản
Mặc dù Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã nhiều lần ra văn bản về việc tăng cường khuyến cáo, cảnh báo hiện tượng hành vi giả mạo VNPT nhắc nợ cước khách hàng để lừa đảo, bản thân Tổng Công ty VNPT Vinaphone đã triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại cho khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiện tượng và hành vi lừa đảo tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn như Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh...
Nhiều khách hàng nhẹ dạ tin vào đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, vào ngày 16/5, ông Nguyễn Văn Hưng (trú tại số 81, phố Nguyễn Bình, TP Hải Dương) đã gửi đơn trình báo đến Công an tỉnh Hải Dương. Theo nội dung đơn của ông Hưng, khi nhận được số điện thoại vào số thuê bao cố định 03203858750 mà ông đang sử dụng, ông Hưng đã nhẹ dạ làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo và đã thực hiện chuyển số tiền 371 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo gửi cho. Thông tin về chủ tài khoản có tên Phạm Thị Hiền, CMND số 080358677, trú tại Hòa An, Cao Bằng với số tài khoản 03003140090 tại Ngân hàng Sacombank Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên).
|
Hành vi giả mạo VNPT lừa đảo khách hàng vẫn phức tạp. |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng có đơn gửi cơ quan công an về việc, ông nhận được cuộc gọi vào số máy cố định 0373858265 và đã làm theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, chuyển số tiền 440 triệu vào lúc 16h30 ngày 12/5/2016 cho đối tượng lừa đảo. Tài khoản mà ông Giáp chuyển tiền vào mang tên Hoàng Thị Bích Huệ với số tài khoản 100387522 tại Ngân hàng VP Bank chi nhánh Bắc Ninh. Rất may, ông Giáp thực hiện giao dịch chuyển tiền vào cuối giờ làm việc nên đối tượng lừa đảo chưa kịp thực hiện hành vi rút tiền từ tài khoản đã bị cơ quan công an phát hiện.
Cũng tại Thanh Hóa, ngoài việc Giám đốc Bệnh viện Phụ sản bị lừa còn có 4 người khác là bà Lê Thị Quế (số 4, Hạc Thành, TP Thanh Hóa) với số tiền đã chuyển cho đối tượng lừa đảo là 230 triệu, bà Nguyễn Thị Hường (số 5/12, Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) bị lừa với số tiền 200 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Lan (số nhà 30, Lê Công Khai, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa bị lừa chuyển cho đối tượng số tiền 171 triệu đồng.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại diện Tổng công ty dịch vụ Viễn thông Việt Nam cho biết, số liệu thống kê cho thấy, hiện tượng các cuộc gọi tự động có hành vi giả mạo VNPT thông báo nợ cước khách hàng để đe dọa và thực hiện hành vi lừa đảo xuất hiện liên tục và diễn ra trên phạm vi cả nước. Các cuộc gọi tự động được hiển thị bằng các đầu số 008253368, 3135268, 31611914, 30667012, 025509888, 041081, 043848, 438461313, 001390823312, 43862553...
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Đức Tá, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương cho biết: "Tại Hải Dương, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, trung tâm liên tục nhận được cuộc gọi của các khách hàng thắc mắc về việc nhận được cuộc gọi thông báo nợ gói cước. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là thường dùng số máy lạ, gọi vào các khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định. Sau khi khách hàng nhấc máy thì nghe được đoạn băng ghi âm có nội dung "Đây là tổng đài VNPT, Chúng tôi xin thông báo quý khách hàng đang còn nợ số tiền là 8.890.000 đồng, nếu quý khách không chuyển tiền vào tài khoản thì chúng tôi sẽ khóa máy sau 2 giờ. Vui lòng bấm số 9 để nghe thông báo, bấm số 0 để gặp tổng đài viên. Sau đó khách hàng bấm số 9 thì sẽ gặp trực tiếp tổng đài viên. Đối tượng sẽ dò hỏi thông tin cá nhân và dùng thủ đoạn lừa đảo để ép khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của chúng".
"Trung tâm kinh doanh VNPT Hải Dương khẳng định những đối tượng nhắc nợ cước như trên không phải là nhân viên của trung tâm. Bởi hiện nay, VNPT không áp dụng hình thức nhắc nợ qua hộp thư ghi âm tự động", Giám đốc Nguyễn Đức Tá cho biết.
"Ngay bản thân tôi cũng nhận được điện thoại lừa đảo trên. Một số lãnh đạo sở cũng nhận được cuộc gọi nhắc cước nợ, khi họ gọi cho tôi để hỏi mới biết có đối tượng đang lừa đảo họ", ông Nguyễn Đức Tá cho hay.
Tránh bị lừa đảo, người dân cần cảnh giác
Để thực hiện ngăn chặn hành vi lừa đảo trên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty dịch vụ viễn thông và các trung tâm kinh doanh VNPT các tỉnh, thành đã liên tục ra văn bản, tờ rơi tuyên truyền cho người dân. Bản thân Tổng công ty dịch vụ viễn thông đã báo cáo Ban pháp chế Thanh tra Tập đoàn, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề có giải pháp ngăn chặn hiện tượng hành vi vi phạm pháp luật trên.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông cũng có công văn 983/VNPT-PCTT gửi Các Tổng công ty trực thuộc VNPT, các VNPT tỉnh, thành yêu cầu Tổng công ty dịch vụ viễn thông chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai biện pháp phù hợp để khuyến cáo, cảnh báo kịp thời đến khách hàng về hiện tượng giả mạo VNPT nhắc nợ cước để lừa đảo. Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty VNPT-Net tiếp tục xem xét, nghiên cứu và đề xuất biện pháp kỹ thuật để kiểm tra, giám sát, ngăn chặn sớm hiện tượng này. Phối hợp trao đổi và yêu cầu đối tác cung cấp lưu lượng có biện pháp ngăn chặn và xác định chính xác nguồn gốc các cuộc gọi giả mạo khi được yêu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tá, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương, quan trọng nhất vẫn là người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo.
"Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình thức rất tinh vi, chúng thường hay gọi vào máy bàn (thuê bao cố định) để lừa đảo để tránh bị phát hiện. Ngay khi lừa được người dân đi nộp tiền, chúng cũng đe dọa, dặn dò rất cẩn thận để tránh việc người dân báo cơ quan công an. Khi nhận được một số trường hợp bị lừa đảo, Trung tâm kinh doanh chúng tôi đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cho người dân như dùng xe lưu động nhắc nhở ở TP, huyện, thị xã và nhờ hệ thống loa phát thanh. Nhưng quan trọng nhất, người dân, khách hàng nên cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên để tránh mắc bẫy những đối tượng lừa đảo", ông Nguyễn Đức Tá nhìn nhận.