Gia Lai công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Google News

Sáng 17/1/2024, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đến dự và chỉ đạo.

Quyết định số 1750/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển tỉnh Gia Lai theo hướng trở thành hình mẫu của một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy sinh thái làm nền tảng cho tăng trưởng, lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng.

Gia Lai cong bo Quy hoach thoi ky 2021-2030, tam nhin den nam 2050
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị.  
Gia Lai là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp; chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân.
Gia Lai cong bo Quy hoach thoi ky 2021-2030, tam nhin den nam 2050-Hinh-2
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao công bố quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Gia Lai 
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Gia Lai cong bo Quy hoach thoi ky 2021-2030, tam nhin den nam 2050-Hinh-3
Quang cảnh hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai  
Mục tiêu cụ thể, Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,57%/năm; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 9,20%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 9,92%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 133 triệu đồng, tương đương 5.500 USD.
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa. 
Hai cửa ngõ quốc tế, ba hành lang kinh tế
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông - Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Thúc đẩy hợp tác kinh tế - xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hoá, triển lãm quốc tế.
Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối tỉnh Gia Lai với các vùng động lực quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn trong nước và mở rộng kết nối quốc tế. Hình thành các chức năng, dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao như đô thị, logistics, du lịch, thương mại, y tế, thể thao.
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với Quốc lộ 14): Kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, TP HCM. Là hành lang thương mại - dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.
Gia Lai cong bo Quy hoach thoi ky 2021-2030, tam nhin den nam 2050-Hinh-4
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ ngành tham dự hội nghi 
Hành lang kinh tế Đông - Tây (gắn với Quốc lộ 19): Kết nối từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến thành phố Quy Nhơn, liên kết phát triển địa bàn các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thị trấn Chư Ty, thành phố Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và Thị xã An Khê. Là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hành lang kinh tế Quốc lộ 25: Kết nối với tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên). Đây là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Bốn tiểu vùng sinh thái - kinh tế
Vùng 1: Thành phố Pleiku - đô thị Chư Sê - Đak Đoa - Chư Păh là trung tâm thương mại tổng hợp của vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Vùng 2: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là khu vực tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.
Vùng 3: Thị xã An Khê - Thị trấn Kbang là vùng đệm sinh thái lâm nghiệp, trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái của tỉnh.
Vùng 4: Thị xã Ayun Pa - Phú Thiện - Krông Pa là trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trong suốt chặng đường hình thành và phát triển.
Gia Lai cong bo Quy hoach thoi ky 2021-2030, tam nhin den nam 2050-Hinh-5
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng phát biểu chỉ đạo taij hội nghị 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quy hoạch này sẽ là kim chỉ nam để các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai hoạch định các chính sách, giải pháp cụ thể trong quản lý, điều hành toàn bộ các hoạt động kinh tế- xã hội, không gian phát triển cho địa phương nhằm tạo bước đột phá phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với 4 trụ cột chính như đã nêu trong quy hoạch.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương và đảm bảo hài hòa với quy hoạch vùng, liên vùng. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp; tập trung vào những ngành có lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với tiềm năng, lợi thế, dư địa hiện có cùng quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, Gia Lai sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển mà Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
>>> Mời bạn đọc xem Video hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:
 
Hà Ngọc Chính

>> xem thêm

Bình luận(0)