Trong những năm
chống Mỹ cứu nước, ở xứ dừa Hoài Châu, người dân lan truyền câu thơ: "Em ra trận giữa chừng bị đạn. Mẹ chưa về, sữa chị nuôi em". "Sữa chị nuôi em" là câu chuyện có thật về người chị "Hoài Châu" Võ Thị Đào vắt sữa mình cứu sống anh thương binh bị địch bắn gãy chân, chảy máu đến kiệt sức.
Ly sữa ân tình
Những ngày tháng 8, chúng tôi trở về xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), mảnh đất anh hùng trong thời chống Mỹ cứu nước để thăm người chị "Hoài Châu" Võ Thị Đào. Chúng tôi không khó khăn khi tìm đến nhà của bà Đào, ở đây ai cũng biết bà và gọi bà bằng cái tên thân thương "mẹ Nhường".
Căn nhà nhỏ của bà Đào nằm khuất sau rặng dừa, phía trước sân bà đang lom khom quét dọn. Thấy chúng tôi, bà Đào mỉm cười rồi nói một câu đặc xứ Nẫu: "Thâu! Mớ đứa để cây xi đó, dô nhè uống nước" (Thôi! Mấy đứa để xe đó, vào nhà uống nước).
Năm nay, bà Đào đã bước sang tuổi 82, tóc đã bạc, sức yếu nhưng nhắc đến câu chuyện mình cứu sống một
chiến sỹ giải phóng quân của ta bị thương nặng bằng một cách hết sức đặc biệt, vẫn hiện rõ mồn một trong bà.
|
Bà Võ Thị Đào đang chia sẻ với PV |
Tháng 8/1972, chiến sự diễn ra ác liệt trên vùng đất Hoài Châu. Địch liên tục dội những loạt bom đạn, quân ta chiến đấu kiên cường quyết liệt nhằm bảo vệ vùng đất vừa được giải phóng.
Lúc ấy, bà Đào cùng ba người phụ nữ khác ở cùng làng Gia An là Nguyễn Thị Khanh, Võ Thị Lạc và Võ Thị An đi chợ Tam Quan mua lương thực tiếp tế cho các chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3 Sao Vàng) đang đóng quân trong làng.
Trên đường về đến xóm 1, thôn An Quý thì gặp trận càn dữ dội của địch. Địch bắn như vãi đạn trên đầu. Khi đi ngang hầm công sự của bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng, bà Đào nghe có tiếng rên la vọng ra.
Bà Đào cùng ba người phụ nữ liền ném tất tần tật rau muống, mắm, cá... Rồi, cả bốn người cùng nhảy xuống hầm tìm đến nơi có tiếng rên la. Nhìn thấy người lính bị thương, bà Bốn (tức Võ Thị Đào) đã không ngần ngại xé ngay vạt áo băng bó vết thương cho anh.
Rồi, họ thay nhau dìu người thương binh vượt qua chặng đường gần một cây số, về đến xóm 3 thôn Gia An, đưa anh vào căn hầm tránh bom của nhà bà Phân trú tạm.
"Khi tụi tui nhìn thấy người thương binh, lúc ấy vết thương vỡ toác nơi gót chân phải, đã vắt kiệt máu trong người anh. Khi đến hầm tránh bom, thì ba chị kia vội chạy về nhà để lo cho mẹ già, con nhỏ ở nhà. Còn tôi dù sốt ruột con nhỏ đang đợi ở nhà, nhưng vẫn không đành để người lính trong lúc nguy kịch ở lại một mình, nên ngồi trông chừng, đợi người đến cứu", bà Đào kể lại.
|
Ông Lã Viết Quang (thứ ba từ phải sang) và ân nhân của mình, bà Võ Thị Đào (thứ hai từ phải sang) trong ngày hội ngộ đầu tiên. |
Đến chiều, do ra máu quá nhiều nên anh thương binh kiệt sức, chỉ kịp kêu hai tiếng yếu ớt "Nước, nước…" rồi lịm đi. Giữa chốn đồng không mông quạnh, bốn bề không một mái nhà, không một bóng dừa lấy đâu ra nước?!
Bà Đào liền ra miệng hầm và một lát sau quay lại, trên tay cầm một ly sữa. Thấy vậy, anh thương binh hiểu ngay, bảo: "Tôi chỉ cần nước uống thôi!". Bà Đào nạt một tiếng lớn: "Cố mà uống đi, không ngại gì cả, lúc này tính mệnh anh là trên hết!". Anh gật đầu, uống cạn ly sữa còn ấm nóng.
"Khi ấy tui vừa sinh đứa con gái út Lê Thị Tuyết mới bốn tháng tuổi. Tôi nghĩ nếu không được uống nước, anh thương binh sẽ chết, nên tui lấy ly uống trà trong hầm, cầm ra ngoài vắt đầy một ly sữa. Uống xong anh thương binh nói với tôi: "29 tuổi đầu rồi mà tôi vẫn được chị chăm sóc bằng dòng sữa quý, chị đã sinh ra tôi lần thứ hai"", bà Đào lục lại trí nhớ.
Người thương binh ấy là Trung đội trưởng Lã Viết Quang, thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3 Sao Vàng). Hôm đó anh đang cùng du kích địa phương xung trận chống càn, bảo vệ xã Hoài Châu thì bị đạn pháo của địch làm bị thương. Sau đó, anh Quang được chuyển lên tuyến trên, rồi ra miền Bắc trị thương.
Cuộc hội ngộ sau 40 năm
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Quang về quê sinh sống tại xã Nga Thủy (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Đã có không ít lần ông Quang viết thư về Hoài Châu hỏi thăm tung tích ân nhân. Nhưng do xã Hoài Châu cũ tách thành hai xã Hoài Châu và Hoài Châu Bắc, nên thư liên tục bị lạc, ông Quang không nhận được hồi âm.
Do ảnh hưởng từ vết thương, lại ba lần bị tai biến nên sức khỏe ông Quang giảm sút nhiều, vì thế mà mơ ước được trở lại chiến trường cũ thăm ân nhân, luôn trở nên xa vời đối với ông.
Còn với bà Đào, những chuyện xảy ra trong bom đạn, dường như cũng đã đi qua theo chiến tranh. "Đâu phải tui cứu chỉ có mỗi anh thương binh ấy, nhiều lắm, nhớ không xuể. Nhà tui khi ấy nuôi rất nhiều thương binh, do đơn vị đưa về tuyến sau không kịp nên gửi lại.
Có người ở lại với gia đình tui thời gian rất dài. Như anh Nguyễn Văn Màu thuộc đơn vị D53 quê ở huyện Tuy Phước (Bình Định) ở đến hai tháng. Sau đó đơn vị của anh quay lại nhà tui, đòi tính tiền ăn uống của anh Màu. Nhưng ai lại đi lấy, mình giúp bộ đội không hết mà", bà Đào nói.
Mãi đến năm 2010, đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng, tổ chức thăm lại chiến trường xưa tại xã Hoài Châu. Khi đoàn về xã Hoài Châu, ông Quang dò la tin tức, hỏi thăm về bà Đào. Biết chuyện, ông Nguyễn Đức Yên, khi ấy là Chủ tịch UBND xã, đã kín đáo sắp xếp một cuộc gặp bất ngờ.
Hôm sau, giữa hội trường lớn có hàng trăm người, ông Yên lên giới thiệu có một thương binh muốn tìm gặp lại người phụ nữ, đã cứu anh bằng dòng sữa của chính mình. Rồi ông Yên bất ngờ dẫn ông Quang đến chỗ bà Đào. Sau chút ngỡ ngàng, bà Đào đến bên, nhìn vào vết sẹo trên chân trái của ông rồi nói: "Đúng là anh rồi! Vậy là anh vẫn còn sống". Cả hai người cùng ôm chầm lấy nhau, nghẹn ngào không nói nên lời. Mọi người có mặt trong hội trường khi ấy cũng lặng đi...
Vài tháng sau, ông Quang đặt vé tàu mời bà Đào ra Bắc chơi, tham quan Thủ đô. Từ đó, hai gia đình đã trở nên thân thiết và Hoài Châu cũng đã trở thành địa chỉ thân quen đối với các thành viên trong gia đình ông Quang.
"Con trai của ông Quang quý gia đình tui lắm. Khi có dịp đi công tác ở TP.HCM, cậu ấy ghé thăm nhà tôi thường xuyên. Gia đình tôi xem cậu ấy như một thành viên trong gia đình vậy", bà Đào tâm sự.
Từ khi con gái út là Lê Thị Tuyết (người chia sữa cứu thương binh Lã Viết Quang) định cư tại Pháp, tám năm qua bà Đào sống một mình trong căn nhà đơn sơ tại quê nhà Hoài Châu. Và mỗi chiều về, bà lại ngồi trước cửa nhìn về nơi xa xăm, miên man nghĩ về những năm tháng khói lửa, nhớ chồng con, những người đồng đội đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Một gia đình ba đời là liệt sỹ
Ông Trần Quốc Toàn, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu cho biết: Gia đình bà Đào nổi tiếng ở Hoài Châu là
gia đình có ba đời liệt sĩ.
Mẹ chồng của bà Đào là Lê Thị Mưu trong khi cùng dân địa phương đi đấu tranh, hy sinh tại Đồi 10 lịch sử vào ngày 20/12/1968.
Một năm sau, chồng bà Đào là Lê Châu Trứ tiếp tục hy sinh vào ngày 6/11/1969.
Đứa con nuôi của bà là Nguyễn Thử tham gia Cách mạng từ năm 1961, đến năm 1967 mới gửi về nhà một lá thư, từ ấy bặt vô âm tín. Sau đó nghe tin báo đã hy sinh, nhưng không biết tại trận địa nào.
Người anh chồng của bà Đào là Lê Tư cũng hy sinh tại huyện Phù Mỹ từ thời kháng Pháp (năm 1949).
Đứa con trai đầu lòng của bà là Lê Văn Nhương trong lúc làm công tác tuyên truyền tại huyện Tuy Phước, cũng bị địch giết vào năm 1972.