Hiện nay, theo ghi nhận từ Sở Y tế TP.HCM, không chỉ trong cộng đồng mà ca nhiễm COVID-19 (F0) xuất hiện trong trường học cũng ngày một tăng. Chỉ trong gần hai tuần đi học trở lại, đã có hơn 7.000 F0 trong trường học. Đây là áp lực rất lớn cho các trường khi vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy vừa căng mình lo phòng chống dịch.
Liên tục bật chế độ off-on
Trong buổi làm việc đột xuất với Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM) sáng 1-3, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), cho biết trong tuần trước (từ ngày 21 đến 25-2), trường có bốn lớp học trực tuyến vì có F0 trong lớp. Tuần này đã có 3/4 lớp trở lại học trực tiếp nhưng có thêm bốn lớp khác chuyển qua học trực tuyến là thành năm lớp.
Theo bà Hạnh, khó khăn lớn nhất của trường là cần sự thông cảm và chia sẻ của phụ huynh vì trong khi học sinh (HS) đi học vui vẻ thì phụ huynh có phần lo lắng nhiều hơn.
“Lớp xuất hiện 1-2 F0 là phụ huynh sẽ yêu cầu chuyển qua dạy học trực tuyến. Trong khi theo quy định hiện nay ở bậc THCS, một lớp học có 13 giáo viên (GV) giảng dạy, một GV có thể dạy tối đa 7-10 lớp. Nếu phải tổ chức dạy trực tuyến và trực tiếp xen kẽ sẽ rất áp lực cho đội ngũ giảng dạy” - bà Hạnh chia sẻ.
Ngoài ra, trường cũng chia sẻ khó khăn hiện nay khi có tình trạng HS khỏi bệnh nhưng chưa thể đi học do phải chờ phường cấp giấy hoàn thành cách ly theo đúng quy định của cơ quan y tế.
Được biết theo hướng dẫn mới nhất của Sở GD&ĐT TP.HCM, hiện nay, sở đã có văn bản giao quyền chủ động cho hiệu trưởng các trường trong việc quyết định hình thức dạy học phù hợp và linh hoạt trong thời kỳ F0 xuất hiện nhiều như hiện nay.
Cụ thể, nếu trong một ngày, lớp học phát hiện từ hai F0 trở lên, căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ, trường sẽ quyết định hình thức học tiếp theo của các HS còn lại trong lớp.
Nếu trong cùng một ngày, cơ sở giáo dục phát hiện từ hai lớp có F0 trở lên, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện sẽ quyết định hình thức học tiếp theo của trường.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đang đề xuất với UBND TP.HCM cho phép những HS là F1 đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19, sau năm ngày cách ly có thể tự test nhanh tại nhà, nếu kết quả âm tính có thể quay lại trường học trực tiếp. Còn với F1 chưa tiêm đủ hai mũi vaccine là bảy ngày.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Nở (TP Thủ Đức) trong một giờ học. Ảnh: NT
Trong buổi làm việc tại Trường THCS Võ Trường Toản, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP.HCM), cho biết ban đang làm việc với một đơn vị ngân hàng, đồng thời nắm lại nhu cầu sử dụng kit test từ TP Thủ Đức và 21 phòng GD&ĐT quận, huyện để có nguồn tài trợ kit test cho trường học nhằm tạm thời giải quyết khó khăn cho các trường học trong việc thiếu kit test.
Thiếu giáo viên, tăng áp lực lên nhân viên y tế
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Nở (TP Thủ Đức), bà Huỳnh Ngọc Mỹ Linh, Hiệu trưởng trường, cho biết trường có khoảng 1.900 HS, trong đó có 1.200 HS học bán trú. Đến nay trường có năm F0.
Theo bà Linh, khó khăn của trường là do nằm ở địa bàn đông công nhân lao động nên ý thức phòng chống dịch chưa cao dù nhà trường tuyên truyền, nhắc nhở rất nhiều trong từng ngày học.
“Có phụ huynh biết con có dấu hiệu bệnh nhưng vẫn cho con đến trường, trường test thì ra F0, liên hệ phụ huynh thì họ nói do đi làm nên không giữ con ở nhà được, rất là cực cho trường vì phải khử khuẩn, xác định F1, F0 rồi báo với y tế phường...” - bà Linh nêu ví dụ.
Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 12 bày tỏ vừa rồi trường có một số F0, cả GV lẫn HS nên phải cho các lớp có F0 nghỉ học 1-2 tuần. Trong đó, khó khăn nhất là khi GV trở thành F0 vì hiện trường đang thiếu GV lẫn nhân viên, nhất là khi khối nhà trẻ đi học từ ngày 1-3.
Vị này cho biết trong thời gian F0 phổ biến như hiện nay, với khối mầm non, áp lực lên GV và nhân viên rất lớn. Vì đội ngũ đều là nữ, khi có F0, công tác khử khuẩn, vệ sinh rất cực.
Hơn nữa, do bị giới hạn về vị trí việc làm, trường chỉ có một thủ quỹ kiêm nhân viên y tế nên công việc rất áp lực, từ phụ trách hỗ trợ phòng chống dịch vào mỗi giờ đón trẻ, nhận thuốc từ phụ huynh cho trẻ uống theo đơn, xử lý các tình huống trẻ có dấu hiệu bệnh, lo khâu thu tiền…
“Bình thường khi cần thì y tế phường hỗ trợ rất nhanh và kịp thời nhưng vào lúc cao điểm như hiện nay, hầu như mọi việc liên quan đến phòng chống dịch hay sức khỏe cho trẻ đều tự trường phải chủ động xử lý trước. Tất cả GV đều phải cùng xắn tay hỗ trợ giữa các lớp và kiêm hỗ trợ cả y tế với nhau để đảm bảo an toàn cho trẻ” - lãnh đạo trường này giãi bày.
Đây cũng là khó khăn tại các trường mầm non ở TP Thủ Đức trong những ngày qua. Có trường khi có GV là F0 khiến cả lớp phải nghỉ học hai tuần do không có GV thay thế.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, cho rằng đây là khó khăn chung của các trường, ngành giáo dục hiện nay, nhất là với khối mầm non và tiểu học khi có GV bị nhiễm bệnh. Đây là nhóm tuổi chưa được tiêm vaccine, các trường lại thiếu GV, nhân viên nên khi lớp có GV là F0 thì cả lớp phải nghỉ học theo thời gian GV nghỉ dạy để điều trị.
Do đó, phòng cũng đang triển khai tuyển GV, nhân viên để hỗ trợ kịp thời cho các trường nhằm đảm bảo việc tổ chức dạy và học.
Cấp hơn 2.700 hộp kit cho trường học tầm soát ca nghi nhiễm
Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo sẽ bàn giao cho Sở GD&ĐT TP.HCM 69.050 bộ kit test nhanh COVID-19 (2.762 hộp) để thực hiện tầm soát ca nghi nhiễm khi tiến hành dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục công lập.
Sở Y tế yêu cầu không sử dụng số kit test này để xét nghiệm định kỳ mà chỉ sử dụng trong việc tầm soát ca nghi nhiễm. Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiếp nhận, phân bổ, quản lý và báo cáo việc sử dụng bộ kit test COVID-19 đúng quy định.
Trong trường hợp cần thiết, Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm điều chuyển số bộ test nhanh được phân bổ trước cho các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm, kịp thời và hiệu quả.