F0 chen lấn, giành đồ ăn ở BV: “Bao giờ người dân có văn hóa xếp hàng“?

Google News

Việc F0 tranh giành đồ ăn ở bệnh viện dã chiến tại Bình Dương tạo nên một hình ảnh xấu xí, thiếu văn minh, thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc bàn về việc xây dựng văn hóa xếp hàng.

Sự việc nhiều F0 xô đổ hàng rào, giật đồ ăn trong bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở Thới Hòa (thị xã Bến Cát, Bình Dương) đã cơ bản được chấn chỉnh sau khi lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Bình Dương đến tận bệnh viện để chỉ đạo xử lý, đồng thời tăng cường lực lượng cảnh sát cơ động chốt trực để đảm bảo an ninh trật tự…
Tuy nhiên, qua sự việc trên, khiến nhiều người đề cập đến văn hóa xếp hàng, văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận người Việt.
F0 chen lan, gianh do an o BV: “Bao gio nguoi dan co van hoa xep hang“?
Hình ảnh thời điểm bệnh nhân F0 xô rào, tranh lấy đồ ăn ở bệnh viện dã chiến Thới Hòa. 
Bao giờ người dân có văn hóa xếp hàng?
Một đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội ghi lại cảnh nhiều F0 tại Bệnh viện dã chiến số 1 (cơ sở Thới Hòa) ùa ra chặn đường xe đẩy thức ăn, sau đó cảnh chen lấn, giật đồ ăn xảy ra khiến nhiều người bất ngờ và bức xúc trước hành động thiếu kiểm soát của một bộ phận bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại đây.
Nguyên nhân dẫn đến việc các F0 vượt rào, giật đồ ăn, phá cửa... như trên được lý giải do Bệnh viện sau khi tiếp nhận khoảng 6.000 F0 từ thị xã Tân Uyên chuyển đến nâng tổng số điều trị tại đây lên hơn 13.000 bệnh nhân F0. Do số lượng F0 tăng nhanh nên việc lập danh sách cung cấp suất ăn chưa đầy đủ, một số người lấy 3, 4 phần cơm, thậm chí có người lấy 10 phần, dẫn đến sự việc trong lúc phát đồ ăn sáng 3/9, nhiều F0 đã thiếu kiềm chế, chen lấn, vượt rào… lấy thức ăn.
Có thể trong hoàn cảnh tâm lý lo lắng, việc thiếu suất ăn tạo ra tâm lý bất ổn dẫn đến việc nhiều F0 những hành động thiếu kiểm soát, chen lấn, xô đẩy để dành quyền lợi về bản thân mình là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tranh giành đồ ăn tạo nên một hình ảnh xấu xí, thiếu văn minh, thiếu tính cộng đồng, thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội. Nó cho thấy, ý thức, văn hóa xếp hàng, ứng xử giữa con người với con người nơi công cộng của một bộ phận vẫn còn rất kém.
Bởi thực tế không chỉ có chuyện tranh giành đồ ăn, lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở Thới Hòa (Bình Dương), cho biết, dù sau khi đã được bố trí được đầy đủ các suất ăn nhưng nhiều F0 vẫn lại quay qua phá cửa bệnh viện lấy đồ dùng. “F0 phá cửa rào ở phía trước ra ngoài tập thể dục, khạc nhổ bừa bãi ra sân, còn gõ cửa phòng các y bác sĩ khác để hỏi lấy đồ… Sau đó, chúng tôi dồn lại vào phòng, khóa, hàn cửa phía trước lại thì F0 lại phá cửa phía sau của bệnh viện để ra ngoài”.
Đây là một tính xấu đã từng bị lên án trong suốt thời gian qua nhưng chúng ta lại có thể dễ dàng bắt gặp nơi công cộng. Từ việc xếp hàng đi rút tiền, đi nộp hồ sơ cho con đi học, đi mua vé bóng đá, đi siêu thị… đến trên đường phố trong những giờ cao điểm, ách tắc hay như mới đây là việc xếp hàng đi nhận đồ cứu trợ, xếp hàng đi tiêm chủng… người ta đều có thể chen lấn, xô đẩy, giành giật nhau.
Mỗi khi chứng kiến cảnh tượng trên, không ít người lại lấy hình ảnh của các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản để so sánh. Khi Nhật Bản gặp thiên tai động đất, sóng thần, người dân họ vẫn trật tự xếp hàng, nhận đồ cứu trợ, chờ đợi cứu hộ khiến cả thế giới nể phục.
Trong khi đó, tại Việt Nam tình trạng thiếu văn hóa xếp hàng, văn hóa ứng xử nơi công cộng chưa được cải thiện. Ngay trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cảnh tượng vô tổ chức, thiếu văn hóa, chen lấn lại xuất hiện… như đã xảy ra tại bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở Thới Hòa.
Nếu tình trạng trên không được kiểm soát, việc chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do người dân không tự ý thức và có văn hóa trật tự nơi công cộng. Nên chăng, cần xây dựng văn hóa xếp hàng, văn hóa ứng xử nơi công cộng, ứng xử giữa con người với con người một cách nghiêm túc và được cụ thể hóa bằng quy định và luật pháp. Có làm quyết liệt, mới triệt tiêu được thói hư, tật xấu, để đi vào nếp sống, khuôn phép và sẽ có sự thay đổi.
Vấn đề về công tác quản lý
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, qua sự việc trên, có hai câu chuyện. Chuyện thứ nhất, nếu các F0 được điều trị tại bệnh viện dã chiến trên quá đông (hơn 13.000 F0), nhu cầu tối thiếu của họ không được đáp ứng đầy đủ thì đó là một bài toán, là một câu chuyện.
Nếu các F0 bị đói mà không được đáp ứng đầy đủ, người có suất ăn, người không, chúng ta phải đặt ra việc tổ chức hậu cần tại bệnh viện dã chiến này như thế nào. Bởi khi lượng bệnh nhân đông mà nhu cầu tối thiếu chưa được đáp ứng sẽ dẫn đến sự lộn xộn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Ở đây, khi dồn các F0 điều trị tập trung với lượng người lớn như vậy nhưng các yếu tố về mặt hậu cần, an ninh chưa đảm bảo. Trong tình cảnh bị bệnh, lại bị đói, nhu cầu thiết yếu nhất chưa được đảm bảo thì phải đặt vấn đề về công tác quản lý, nhất là việc đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho các bệnh nhân cả về chất lượng và số lượng.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân F0 điều trị tại bệnh viện cũng cần phải được tuyên truyền, cung cấp các thông tin cấp thiết hơn. Khi vào khu điều trị, con người bị gò bó nhiều thứ, các nhu cầu cá nhân không được đáp ứng nên cần phải nói rõ cho người dân hiểu. Đồng thời, phải tuyên truyền, vận động họ chấp hành các quy định.
Vấn đề thứ 3, đa số trong các bệnh nhân điều trị bệnh viện dã chiến số 1 cơ sở Thới Hòa đều là những người trẻ, công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn, có lẽ chúng ta đã thiếu cái giáo dục về mặt nhận thức và trách nhiệm của họ trong các môi trường công cộng. Dường như chúng ta đã quên cái đó. Người ta cần phải đặt mình trong bối cảnh môi trường công cộng. Trong thời điểm này để kêu gọi lòng yêu nước không hẳn là phù hợp hoàn toàn nhưng cần phải kêu gọi họ ở trách nhiệm công dân trong bối cảnh chống dịch.
“Nhu cầu tối thiếu của con người trong hoàn cảnh này là ăn bởi họ tranh giành đồ ăn. Cho thấy nhu cầu tối thiếu chưa được đáp ứng nên cũng cần phải chia sẻ với họ. Khi cái đói nó lên, khi nhu cầu tối thiểu không được đáp ứng thì rất khó để tuyên truyền họ chấp hành các quy định .Rõ ràng cần phải rút kinh nghiệm ở góc độ quản lý và khâu tổ chức triển khai. Chính sách chúng ta đã có, quy định cũng không thiếu, ở đây là thực thi có vấn đề. Chừng nào chúng ta dám thừa nhận để chỉnh sửa cho hoàn thiện thì mới không xảy ra tình trạng trên”, ông Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Hỗ trợ cấp bách xây bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19:

Nguồn: VTV 1

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)