Đường sắt Cát Linh: Chấm dứt tư vấn giám sát của Trung Quốc

Google News

Đến ngày 15/1, tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải trình phương án mới về nhà thầu, tư vấn giám sát để Bộ GTVT thẩm tra. 

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn tín dụng của Trung Quốc (TQ), theo hiệp định ký giữa hai nước Việt Nam và TQ, với phương thức tổng thầu EPC. Thời gian vay là 30 năm”. Trao đổi với báo Pháp Luật TP HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã cho biết như thế.
Duong sat Cat Linh: Cham dut tu van giam sat cua Trung Quoc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. 
Bộ sẽ thẩm tra kỹ trước khi cho thi công tiếp
- Theo hiệp định này thì phía TQ tham gia vào dự án này thế nào, thưa ông?
- Theo hiệp định, dự án này do TQ thực hiện. Nên phía TQ đã chỉ định Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 TQ thực hiện gói thầu, Tập đoàn thiết kế phát triển công trình đô thị Bắc Kinh tư vấn thiết kế và Công ty TNHH Giám sát xây dựng viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh tư vấn giám sát.
Đầu năm 2009, dự án bắt đầu được triển khai. Theo đó, Ban quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ GTVT) thay mặt Bộ GTVT theo dõi toàn bộ hoạt động của dự án này. Bên tổng thầu TQ chỉ cử chuyên gia và cán bộ kỹ thuật sang. Toàn bộ dự án dùng nhà thầu phụ Việt Nam trong đó có Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech). Nhà thầu phụ này được lựa chọn thông qua bởi chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đường sắt. Việc triển khai xây dựng dự án đúng quy định quản lý xây dựng của Việt Nam.
Tuy nhiên, vào ngày 6/11 và 28/12/2014 đã xảy ra hai vụ tai nạn làm hoang mang cho người dân, bởi đây là công trình xây dựng trong khu vực trung tâm TP Hà Nội. Hiện chúng tôi đang quyết liệt xử nghiêm các sai phạm trên và sớm đưa dự án hoạt động trở lại.
Duong sat Cat Linh: Cham dut tu van giam sat cua Trung Quoc-Hinh-2
 Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại phải dừng ít nhất đến đầu tháng 2/2015 sau sự cố sập giàn giáo ngày 28/12/2014. Ảnh: V.LONG.
- Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như chất lượng của dự án, đến nay Bộ GTVT đã triển khai xử lý như thế nào và dự án có chậm tiến độ không khi đến nay Bộ GTVT đã cho dừng toàn bộ dự án?
- Sau khi vụ tai nạn đầu tiên xảy ra (6/11) làm một người chết, Bộ GTVT đã cho dừng toàn bộ dự án và yêu cầu tổng thầu, tư vấn giám sát rà soát lại quy trình cũng như biện pháp tổ chức thi công và yêu cầu nhà thầu hoàn thiện mới được tiếp tục thi công. Sau một tháng cơ bản công tác rà soát đã được tiến hành, Ban quản lý dự án đường sắt đã cho phép thi công trở lại.
Tuy nhiên, ngày 28/12 lại xảy ra vụ tai nạn tuy không thiệt hại về người nhưng nó tạo nguy cơ mất an toàn cho toàn tuyến. Qua đó khẳng định trách nhiệm của tổng thầu cũng như tư vấn giám sát chưa nhận thức được tầm quan trọng an toàn trong quá trình triển khai dự án. Vì vậy Bộ GTVT đã nghiêm khắc cảnh cáo tư vấn giám sát cũng như tổng thầu. Sau đó Bộ GTVT đưa ra các quy định mạnh như chấm dứt tư vấn giám sát TQ, yêu cầu dùng cơ quan giám sát tốt nhất của Việt Nam. Thay giám đốc điều hành của TQ.
Đối với nhà thầu phụ, Bộ GTVT giao cho Ban quản lý dự án đường sắt rà soát lại tất cả nhà thầu phụ, theo nguyên tắc thay toàn bộ nhà thầu phụ không đủ điều kiện năng lực thi công và quản lý dự án. Đối với 12 nhà ga về cơ bản thay toàn bộ nhằm lựa chọn nhà thầu phụ có khả năng thi công tốt nhất để triển khai 12 nhà ga này.
Cùng đó, yêu cầu tổng thầu phải có phương án thiết kế, tổ chức thi công, trình cho cơ quan quản lý xây dựng của Bộ GTVT thẩm tra trước khi hoạt động trở lại. Đồng thời, Bộ thành lập tổ công tác đặc biệt do vụ trưởng Vụ Công nghệ làm trưởng ban nhằm kiểm tra toàn diện dự án về an toàn, chất lượng… từ nay đến khi kết thúc dự án.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, từ nay đến ngày 15/1, tổng thầu phải trình phương án mới về nhà thầu, tư vấn giám sát để Bộ GTVT thẩm tra. Chậm nhất là đầu tháng 2 dự án sẽ tiếp tục triển khai để cuối năm 2015 dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Gửi công hàm để hai bên cùng xử lý
- Đến nay phía TQ đã có phản hồi gì sau khi Bộ GTVT gửi công hàm phản ánh những sự vụ trên qua Đại sứ quán TQ, thưa ông?
- Chúng tôi gửi công hàm cho TQ vì xét quan hệ giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, theo hiệp định tổng thầu này do phía TQ giới thiệu. Hơn nữa đơn vị này liên tiếp để xảy ra hai sự cố nghiêm trọng. Nên công hàm cũng nhằm báo cho phía TQ biết chuyện này để hai bên biết và cùng xử lý. Đồng thời nhắc nhở nhà thầu TQ phải đảm bảo chất lượng, an toàn khi tham gia xây dựng các dự án ở Việt Nam.
Chúng tôi mới gửi công hàm nên phía TQ chưa trả lời. Chắc phía TQ sẽ có trả lời sớm thôi.
- Một thực tế hiện nay nhà thầu TQ bỏ thầu thấp, khi trúng thầu đều triển khai dự án chậm, đội giá lên rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà thầu TQ lại trúng thầu ở nhiều dự án. Nguyên tắc đấu thầu đã được đảm bảo chưa, thưa ông?
- Về nguyên tắc đấu thầu quốc tế thì có hai bộ hồ sơ, đó là hồ sơ về năng lực kỹ thuật và tài chính. Ví dụ, mình sử dụng nguồn vốn ODA, theo quy định cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra túi kỹ thuật hồ sơ trước, nếu công ty đó đáp ứng được và đủ điều kiện lúc ấy mới mở gói tài chính. Nếu năng lực tài chính lọt được vòng một rồi thì sang vòng hai công ty nào tài chính thấp nhất thì công ty đó được trúng thầu. Vừa qua không chỉ nhà thầu TQ mà rất nhiều nhà thầu Hàn Quốc, Nhật Bản đều trúng ở các dự án lớn.
Cũng xin nói rõ là không chỉ các dự án TQ mà bất cứ dự án ODA nào mình cũng phải quản lý chặt chẽ theo hiệp định giữa hai bên ký kết cũng như pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó việc triển khai dự án phải đúng pháp luật Việt Nam.
- Xin cám ơn Thứ trưởng.
Theo Viết Long/Pháp luật TP HCM

Bình luận(0)