Công an huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can trong vụ đoàn rước dâu bằng xe sang dừng đỗ giữa đường trục Bắc - Nam để chụp ảnh. Theo đó, cơ quan Công an đã khởi tố bị can và tạm giam đối với Phạm Đức Hải (tức Hải Idol, sinh năm 1996, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương); Vương Đình Trường (sinh năm 2004, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự; khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Năm (sinh năm 1999, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) và Phạm Ngọc Phong (sinh năm 1999, trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương) tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.
|
Cô dâu chú rể xuống đường chụp ảnh. Ảnh cắt từ clip
|
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam không cấm việc công dân chụp ảnh, đăng tải những hình ảnh lên không gian mạng... Tuy nhiên, nếu hành vi chụp hình, quay clip gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Thời gian qua xuất hiện không ít những trường hợp những người muốn câu view, câu like trên mạng xã hội nên đã đưa những hình ảnh nhảm nhí, độc hại nên không gian mạng, trong đó có cả những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu hành vi vi phạm pháp luật (trong đó có vi phạm giao thông đường bộ) mà đăng tải công khai lên không gian mạng là thách thức pháp luật, thể hiện ý thức coi thường pháp luật và có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên người vi phạm có thể sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc.
Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường là nơi dành riêng cho xe cơ giới. Người đi bộ chỉ được bằng cắt qua đường ở những điểm có vạch sơn hoặc ở những điểm có thể qua đường mà đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông đang lưu thông. Chỉ có vỉa hè thì mới là nơi dành cho người đi bộ. Pháp luật Việt Nam cũng quy định rất cụ thể về các trường hợp dừng xe, đỗ xe, theo đó nghiêm cấm việc dừng đỗ xe ở lòng đường, lề phố gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bởi vậy hành vi dừng xe cả một dãy dài trên đường giao thông, cản trở giao thông để chụp ảnh (dù là ảnh cưới) thì đó cũng là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đó cũng được coi là hành vi gây rối trật tự công cộng, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, trật tự công cộng là trật tự xã hội được xác lập trên cơ sở các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, bởi văn hóa, đạo đức và các quy định của pháp luật. Trật tự công cộng là đảm bảo các quy tắc xử sự chung nơi công cộng, đảm bảo an toàn công cộng, bảo vệ tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của công dân nơi công cộng và đảm bảo sự hoạt động bình thường của các cơ quan tổ chức cá nhân nơi công cộng trong đó có việc học tập, làm việc, đi lại, vui chơi giải trí… Gây rối trật tự công cộng là hành vi làm cho trật tự công cộng không còn đi vào nền nếp, quy củ. Làm cho các quy tắc chuẩn mực sinh hoạt nơi công cộng bị “rối” lên, Có thể đe dọa đến tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của người khác, xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, cản trở hoạt động giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí…
Trong trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng chưa đến mức được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, người thực hiện hành vi chưa từng bị xử phạt hành chính phải chờ từng bị kết án thì hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính có thể tới 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7, nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài hành vi gây rối trật tự công cộng, người thực hiện hành vi này còn đăng tải thông tin nên không gian mạng thì cũng có thể bị xử lý về hành vi đưa những thông tin bị cấm nên không gian mạng với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân.
Trường hợp hành vi gây rối trật tự công cộng như: cản chở giao thông đường bộ, dừng đỗ xe sai quy định trên đường giao thông hoặc có hành vi khác vi phạm giao thông được bộ mà gây hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với chế tài là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp được xác định là phạm tội có tổ chức, có phá phách, xúi giục người khác phạm tội hoặc thuộc các trường hợp tăng nặng khác theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự thì phạt phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Trong vụ án gây rối trật tự công cộng ở Gia Lộc, Hải Dương đối với các bị can thực hiện hành vi dừng đỗ xe gây cản trở giao thông đường bộ để chụp ảnh, quay clip gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, đến nay cơ quan điều tra khởi tố với 04 đối tượng, trong đó có 02 đối tượng bị khởi tố theo khoản 1, Điều 318 với hình phạt tới 02 năm tù, còn 02 đối tượng bị xử lý hình sự theo khoản 2, Điều 318 với hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù, đây là chế tài nghiêm khắc nhất của tội danh này.
Luật sư Cường cho hay, ngoài việc xử lý đối với các đối tượng thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, để người dân có ý thức tôn trọng các quy tắc sinh hoạt cộng đồng, tôn trọng pháp luật, không thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác nơi công cộng, đe dọa đến trật tự, an toàn xã hội.
>>> Xem thêm video: Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng hiếp dâm trẻ em ở An Giang