Đưa đưa 200 triệu cho PV Duy Phong có cấu thành tội đưa hối lộ?
Tại cuộc họp báo Bộ Công an thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2017 dưới sự chủ trì của Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an, một vấn đề nóng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đó là việc nhà báo Duy Phong - Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam bị Công an TP Yên Bái bắt khi đang nhận tiền của doanh nghiệp.
Một thông tin mới được Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết, báo cáo của Công an Yên Bái nêu rõ, ngày 16/6/2017, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái, nêu một số vi phạm liên quan đến kế hoạch đầu tư của Yên Bái, cung cấp thông tin yêu cầu phối hợp giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển cho PV Phong 200 triệu đồng, nhưng do ông Sáng không đủ tiền nên chuyển cho Duy Phong 100 triệu trước, chiều cùng ngày chuyển tiếp 100 triệu nữa. Sau đó, đến ngày 22/6, nhà báo Duy Phong tiếp tục lên Yên Bái thì bị phát hiện, bắt giữ.
|
Vụ việc bắt PV Duy Phong có nhiều góc nhìn nên cần xem xét khách quan.
|
"Đến nay, theo báo cáo ban đầu của Công an Yên Bái, nhà báo Duy Phong đã thừa nhận hành vi nhận tiền vào ngày 16/6, như vậy là hành vi phạm tội đã được hoàn thành”, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc đưa số tiền 200 triệu cho nhà báo Duy Phong, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái, ông Vũ Xuân Sáng có cấu thành tội đưa hối lộ?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VP Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đưa hối lộ được qui định tại điều 289 Bộ luật hình sự 1999 là hành vi dùng tiền, tài sản và các lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
“Do PV Duy Phong trong trường hợp này được coi là người có chức vụ quyền hạn đang thi hành công vụ vì lợi ích chung của xã hội nên việc ông Sáng đưa 200 triệu cho PV Duy Phong để không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc phản ánh sai phạm liên quan đến GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư Yên Bái đã có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 289 BLHS 1999.
Tuy nhiên, quá trình điều tra nếu Cơ quan điều tra xác định Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Trường hợp Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Yên Bái tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”, luật sư Thơm phân tích.
Nhà báo có được coi là người có chức vụ quyền hạn?
Liên quan việc nhà báo Duy Phong bị Cơ quan CSĐT - Công an TP Yên Bái khởi tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 Bộ luật Hình sự, dư luận băn khoăn về việc nhà báo có được coi là người có chức vụ quyền hạn.
Giải đáp băn khoăn trên, Luật sư Thơm đã dẫn giải Điều 277 BLHS 1999 quy định: Khái niệm tội phạm về chức vụ. Theo đó, các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Mời quý độc giả xem video Phẫn nộ clip nữ phóng viên vô tâm phỏng vấn nạn nhân đang thoi thóp:
“Theo khái niệm này thì người được coi là có chức vụ quyền hạn là rất rộng như người được bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng bằng hợp đồng lao động hoặc bất kỳ hình thức nào khác, như Nhà báo được Tòa soạn phân công giao nhiệm vụ điều tra phòng chống tham nhũng và những vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, các nhân, dân phòng truy bắt tội phạm… Những người này đều được coi là người có chức vụ bởi vì họ được giao thực hiện công vụ vì lợi ích chung của xã hội và có những quyền năng nhất định trong khi thi hành công vụ”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Theo Luật sư Thơm, căn cứ qui định trên thì hành vi của nhà báo Duy Phong đã được Tòa soạn báo giao nhiệm vụ điều tra một số sai phạm của các các nhân, tổ chức ở Yên Bái được coi là “công vụ” vì công việc đó xuất phát từ lợi ích chung của toàn xã hội chứ không phải từ lợi ích riêng của nhà báo Duy Phong.
“Báo cáo của Bộ Công An đã xác định, ngày 16/6/2017, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái, nêu một số vi phạm liên quan đến kế hoạch đầu tư của Yên Bái, cung cấp thông tin yêu cầu phối hợp giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển cho PV Phong 200 triệu, nhưng do ông Sáng không đủ tiền nên chuyển cho nhà báo Duy Phong 100 triệu trước, chiều cùng ngày chuyển tiếp 100 triệu nữa. Sau đó, đến ngày 22/6, nhà báo Duy Phong tiếp tục lên Yên Bái thì bị phát hiện bắt giữ.
Như vậy, trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Duy Phong đã có hành vi lợi dụng công việc được giao khi làm việc với Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái, phát hiện một số sai phạm liên quan đến kế hoạch đầu tư của Yên Bái nên đã yêu cầu ông Sáng chuyển cho PV Phong 200 triệu. Thực tế là ông Sáng đã chuyển cho PV Phong và PV Phong đã nhận 200 triệu. Hành vi của PV Phong đã có dấu hiệu phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 280 BLHS 1999”, Luật sư Thơm nhận định.
Vụ việc có nhiều góc nhìn nên cần xem xét khách quan
Sáng 28/6, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2017 dưới sự chủ trì của Thượng tướng Bùi Văn Nam – Thứ trưởng Bộ Công an.
Tại đây, báo giới đặt câu hỏi về sự việc rất nóng được dư luận quan tâm khi nhà báo Duy Phong - Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam bị Công an TP Yên Bái bắt khi đang nhận tiền của doanh nghiệp.
"Phóng viên này vừa điều tra tiêu cực ở Yên Bái, có ý kiến cho rằng PV bị gài bẫy, cũng có ý kiến đề nghị hồ sơ vụ việc về Bộ Công an điều tra cho khách quan. Công an Yên Bái đã có báo cáo Bộ Công an về việc này, xin lãnh đạo Bộ Công an thông tin và nêu quan điểm?" - báo giới đặt câu hỏi.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trả lời và cho rằng, vụ việc có nhiều góc nhìn nên cần xem xét khách quan.
Về vụ việc nhà báo Duy Phong bị bắt, cơ quan Công an TP. Yên Bái đã chính thức có báo cáo ban đầu gửi Bộ Công an.
Về việc có nên để Bộ Công an điều tra, đại diện Bộ Công an cho rằng trước hết thẩm quyền điều tra là của Công an Yên Bái, nếu rút lên Bộ Công an phải trong trường hợp phải hết sức phức tạp.
"Bộ Công an hiện đã cử cơ quan điều tra của Bộ giám sát, chỉ đạo Công an Yên Bái điều tra khách quan, chúng tôi đảm bảo sẽ chỉ đạo làm khách quan đúng quy định" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát khẳng định.
Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi: "Theo Bộ công an thì Lê Duy Phong đã nhận 200 triệu của Giám đốc Sở KH&ĐT Yên Bái Vũ Xuân Sáng. Vậy ông Sáng đưa 200 triệu như vậy có bị xem xét hay không?". Trung tướng Tuyến trả lời: "Chúng tôi đang điều tra làm rõ, nhưng chúng tôi chưa thể trả lời, nếu đủ căn cứ đưa hối lộ để giảm nhẹ sai phạm thì phải xử lý. Cơ quan CSĐT cần có thời gian nhất định để điều tra".