Liên quan đến vụ việc cắt ngọn nhà sai phép 8B Lê Trực, công ty cổ phần Tập Đoàn Phương Bắc – đơn vị thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ cắt ngọn giai đoạn 1 (tầng 19) nhà sai phép 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) vừa gửi văn bản tới Văn Phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội để đóng góp ý kiến về việc quản lý xây dựng và xử phạt hành vi xây dựng sai phép.
Công ty cổ phần Tập Đoàn Phương Bắc cho biết, ngoài được giao cắt ngọn sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, công ty cũng đã được TP Hà Nội giao cắt ngọn từ tầng 9 đến tầng 12 công trình sai phép tại số 221,223 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
|
Công ty cổ phần Tập Đoàn Phương Bắc – đơn vị thực hiện theo chỉ thị của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cắt ngọn giai đoạn 1 (tầng 19) nhà sai phép 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). |
Tuy nhiên, đại diện công ty này nhận định: "Báo chí đã đưa tin hàng loạt các công trình sai phạm trên cả nước, nhiều công trình sai phạm rất nghiêm trọng đến nay vẫn chưa xử lý được. Chúng tôi nhận thấy vi phạm trật tự xây dựng vẫn tiếp tục diễn ra, việc cắt ngọn công trình rõ ràng không đủ sức răn đe và vi phạm ngày càng trầm trọng hơn khiến các nhà quản lý đang rất đau đầu."
Công ty Phương Bắc dẫn chứng, các công trình sai phép thường tập trung ở 1 số thành phố lớn và 2 thành phố trung tâm của cả nước là TP.Hà Nội và TP.HCM, nơi được ví là tấc đất tấc vàng. Tại đây, các công trình được xây dựng mỗi ngày nhưng chỉ những công trình bị phát hiện sai phạm mới bị xử lý, còn vô số các công trình sai phạm không bị phát hiện thì vẫn ngang nhiên xây dựng.
"Có một nghịch lý là lợi ích mang lại từ việc xây dựng công trình sai phép thì rất lớn nhưng mức xử phạt hành chính đối với hành vi này lại rất thấp, nên chính quyền phát hiện ra sai phạm, xử lý các công trình sai phép bằng biện pháp cắt ngọn công trình thì kéo theo những hệ lụy như: lãng phí tài sản xã hội, nguy cơ mất an toàn, mỹ quan đô thị gây nhức nhối trong dư luận nhân dân và các cấp chính quyền.
Để có giải pháp tổng thể chúng tôi đề nghị nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy định mới, đưa ra chế tài xử phạt đủ nặng, đủ sức răn đe hơn việc cắt ngọn và xử phạt hành chính." - đại diện Phương Bắc chia sẻ.
|
Toà nhà 8B Lê Trực. |
Công ty Phương Bắc kiến nghị, trong quá trình xây dựng quy định mới, nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước, để phát hiện tất cả các công trình sai phạm.
Trước khi có quy định mới, tất cả các phần sai phép của các công trình sai phép, chủ đầu tư phải nộp cho ngân sách nhà nước theo giá bất động sản trên thị trường hoặc đơn giá nhà nước những mét vuông sai phép. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ thu được số tiền rất lớn, thay cho việc cắt ngọn rất lãng phí tài sản xã hội.
Mặt khác, các công trình xây dựng sai phép thường sai từ gốc sai lên, nếu xử lý triệt để sai phạm thì hầu như phải phá bỏ cả tòa nhà. Nên việc xử lý triệt để sai phạm gần như là bất khả kháng.
Do vậy, có thể nói việc cắt ngọn các công trình sai phép chỉ giải quyết được cái ngọn của vấn đề. Trên thực tế các công trình sai phép này đang bị cắt ngọn, các công trình sai phép khác vẫn tiếp tục mọc lên hiên ngang.
"Chúng tôi nhận thấy, cắt ngọn công trình cứ tiếp tục triển khai thì sẽ không có hồi kết trong vi phạm trật tự xây dựng. Do vậy, chúng tôi đề nghị quy định mới phải đủ sức nặng, đủ sức răn đe với cá nhân những cán bộ quản lý và những người vi phạm.
Cụ thể, nếu phát hiện công trình xây dựng sai phép thì đối với chủ công trình sai phép theo quy định mới phải chịu xử phạt thật nặng. Đối với các cán bộ quản lý để xảy ra sai phạm phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất. Căn cứ theo quy định mới, có quan điểm cho rằng có nên không việc phá bỏ hoàn toàn các công trình sai phạm để nhằm răn đe cho các chủ đầu tư đang có ý định xây dựng công trình sai phép" - nội dung văn bản của Phương Bắc nêu.
Cuối văn bản gửi cơ quan chức năng, đại diện công ty này cũng dẫn nguồn thông tin báo chí về việc PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ xây dựng) cho rằng, việc cắt ngọn công trình chắc chắn ảnh hưởng đến kết cấu.
Theo ông Chủng, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân, chặt tay. Các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình, thường chỉ phá bỏ hoàn toàn bằng máy móc, thiết bị hiện đại hoặc cho nổ mìn.
Việc phá bỏ hoàn toàn công trình xây dựng sai phép sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những chủ đầu tư, người dân có hình vi trái quy định pháp luật.
Trước đó, đầu tháng 1/2017, trao đổi với PV VTC News, ông Đàm Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc – đơn vị ký hợp đồng tháo dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực cho biết, công ty đã đề xuất dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 và tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thăng lồng tại công trình 8B Lê Trực do lo ngại các vấn đề về an toàn.
Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.
“Từ những lý do trên chúng tôi nhận thấy việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn rất cao,” lãnh đạo Tập đoàn Phương Bắc cho hay.
Trước nguy cơ mất an toàn, Tập đoàn Phương Bắc “xin đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực”.
PGS.TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại: 'Nên ngừng phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực'
Liên quan đến vấn phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, PGS.TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại, Giảng viên trường ĐH Xây Dựng Hà Nội cũng đưa ra nhận định, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của toà nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.
“Trong xây dựng, phá bỏ cột và dầm biên chịu lực của ngôi nhà là vô cùng nguy hiểm. Cũng giống như cơ thể con người, phần bê tông cốt thép chính là “bộ xương” của ngôi nhà. Nếu ta can thiệp vào bộ xương dễ dẫn tới sự sụp đổ của cả tòa nhà. Trong khu vực đông dân cư sinh sống như thủ đô Hà Nội, việc xây dựng một tòa nhà đã là rất khó khăn chứ chưa nói đến phá vỡ. Để tháo dỡ một công trình nhà cao tầng cần lắp đặt cầu trục tháp và vận thăng lồng tại vị trí đó.
Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, để tháo dỡ chắc chắn vị trí lắp đặt sẽ trực thuộc tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học. Đây là một khu vực nhiều dân cư sinh sống và giao thông đông đúc trên nên sẽ gây nguy hiểm cho người dân.
Bởi vậy, bên cạnh yếu tố an toàn cho những người thi công phá dỡ còn cần đảm bảo cho người dân qua đường cũng như người dân sống khu vực xung quanh tòa nhà.
Sai phạm của tòa nhà này không chỉ nằm ở việc xây quá số tầng mà mỗi tầng họ còn xây cao hơn so với thiết kế cho phép. Về luật pháp, để xử lý đúng theo quy định chỉ có cách phá bỏ cả ngôi nhà 8B Lê Trực và xây lại hoàn toàn từ đầu theo thiết kế. Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải phá bỏ hay không?
Theo ý kiến cá nhân của tôi, nên ngừng phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực. Ngoài lý do lãng phí nó còn liên quan đến an toàn của công nhân và người dân. Chúng ta phải nhận thức rằng, tòa nhà 8B Lê Trực không sai mà cái sai là người cấp phép, quản lý, thi công và chủ đầu tư xây dựng tòa nhà này” – PGS.TS Tôn Thất Đại nói.