Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống xã hội. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp giải thể, nhà hàng đóng cửa… kéo theo hàng loạt người rơi vào cảnh thất nghiệp. Xe công nghệ được coi là "phao cứu sinh" của nhiều người khi không có việc làm và cũng là miếng mồi béo bở để kiếm tiền.
Tuy nhiên, từ ngày 24/7, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu, các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe gồm: xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và "xe ôm", kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).khiến cho nhiều tài xế xe ôm công nghệ lao đao, khốn khó.
Trong căn phòng rộng khoảng 20m2, anh Lê Văn Huệ (35 tuổi ở Hưng Yên) hiện đang làm tài xế xe ôm công nghệ Grab ở Hà Nội gắn bó với nghề chạy xe này được 2 năm.
Dáng người ủ rũ, khi nhiều ngày qua anh không được đi làm, tối ngày chỉ quanh quẩn bên 4 bức tường, anh Huệ chia sẻ với PV Báo Tri Thức và Cuộc sống: "Trước kia, bất kể nắng mưa, tôi đều dành từ 10-13 tiếng mỗi ngày "rong ruổi" khắp các ngóc ngách Hà Nội để chở khách, giao hàng. Công việc chạy xe ôm công nghệ giúp tôi tăng thu nhập và đảm bảo trang trải cho cuộc sống đó là niềm vui lớn nhất với tôi".
|
Anh Lê Văn Huệ (35 tuổi ở Hưng Yên) hiện đang làm tài xế xe ôm công nghệ Grab ở Hà Nội.
|
Anh Huệ nói: "Sau khi tôi biết không được hoạt động, tôi đã ở nhà để phòng tránh dịch COVID-19, khoảng thời gian này, tôi thấy chán nản và buồn bã khi chẳng có việc gì để làm ngoài ăn với ngủ rồi lại xem phim. Ngày ngày cứ quanh quẩn như vậy khiến tôi rất mệt mỏi".
Anh Huệ chia sẻ thêm: "Biết rằng, nghỉ việc là không có thu nhập nhưng tính mạng con người vẫn là trên hết. Tôi cũng khá may mắn so với nhiều tài xế khác vì tôi chưa lập gia đình. Thêm nữa, tôi còn có số tiền tiết kiệm nhỏ mà trước đó tôi đi chạy xe. Nhưng số tiền này cũng chẳng thấm là bao, nếu cứ kéo dài chắc tôi phải bỏ về quê ai thuê gì thì làm nấy". Hiện tại, anh Huệ mong muốn sớm hết dịch để được quay trở lại với công việc ưa thích của mình.
Một tài xế khác anh Đinh Văn Vượng (SN 1996, quê ở Phú Thọ) anh Vượng đang làm trong Công Ty Giao Hàng Tiết Kiệm ở Hà Nội nói: "Hiện tại, công ty bên tôi rất ít hàng để giao. Nhiều lúc tôi chán nản chẳng muốn làm nhưng nghĩ lại phải đi làm để duy trì cuộc sống chứ thực ra thời điểm bây giờ đi làm số tiền kiếm được rất ít".
|
Anh Vượng cho PV xem giấy đi đường của mình mà công ty cấp. |
"Trước kia, tôi luôn được gửi thực phẩm từ quê lên nhưng bây giờ thì không gửi được nữa và phải đi mua, giá thực phẩm lại rất đắt vì vậy, những ngày này có những lúc tôi phải nhịn đói để tiết kiệm tiền trang trải tiền phòng, điện, nước..." - anh Vượng nói. Thời điểm dịch chưa có anh Vượng kiếm mỗi tháng được hơn chục triệu đồng. Nhưng bây giờ anh chỉ kiếm được mỗi ngày hơn 100 nghìn đồng đủ cho tiền xăng xe chạy cả ngày.
Anh Vượng tâm sự: "Nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ ở quê thì bệnh tật, hàng tháng tôi phải gửi tiền về quê nhưng hiện tại, tôi biết lấy tiền đâu để gửi tiền cho bố mẹ chữa trị bệnh tật. Tôi mong muốn dịch bệnh nhanh qua đi để tất cả mọi người được ổn định lại cuộc sống".
Anh Quyết ở Bắc Giang đang làm tài xế xe ôm công nghệ Grab ở Hà Nội chia sẻ với PV trong gấp gáp khi phải nhanh chóng chạy đi giao hàng: "Tôi biết thông tin nhà nước cấm không cho chạy đâu. Tôi vẫn cứ cố chạy vì chủ nhà đang đòi tiền phòng tôi rồi. Nếu không có tiền thì tôi bị đuổi, dịch dã thế này thì tôi biết đi đâu và về đâu". Như bao tài xế khác, anh Quyết hy vọng nhanh chóng hết dịch để được làm việc một cách "quang minh chính đại".
|
Anh Quyết là tài xế xe ôm công nghệ Grab ở Hà Nội. |
Cũng là một tài xế xe ôm công nghệ Grab ở Hà Nội anh Nguyễn Văn Hiếu quê ở Thái Bình cho hay: "Biết là cấm rồi nhưng tôi thấy Grab vẫn mở giao hàng và vì cuộc sống tôi khó khăn quá nên tôi liều chạy. Hai vợ chồng đi làm công nhân ít việc vì dịch nên cũng chẳng có tiền".
|
Tài xế Nguyễn Văn Hiếu. |
"Các con tôi cũng lớn cả rồi, nuôi rất tốn kém nên cứ liều kiếm thêm tiền bằng cái nghề này để lo cho các con tiền ăn, học. Tôi mong rằng, giữa Grab và nhà nước làm sao thống nhất. Nếu cấm triệt để thì phải khóa không cho hoạt động nữa thì nhiều tài xế muốn đi chạy cũng không được. Nếu như không cấm, vẫn được giao hàng thì bên Grab phải có quy định thêm phòng tránh dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho chúng tôi" - anh Hiếu nói.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe từ ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và "xe ôm," kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab (ứng dụng Grab); Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gojek Việt Nam (ứng dụng Gojek); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Logistics Viettel (ứng dụng My Go); Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dụng FastGo) không thực hiện việc dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô.
>>>> Xem thêm video: Thanh niên ngáo đá chạy xe máy tông sập chốt kiểm dịch COVID-19
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.