Đá to bằng “cái nhà gà”
Cuối mùa khô 2016, dưới cái nắng gay gắt của vùng cao nguyên đất đỏ Di Linh - Dran, chúng tôi tìm về dãy núi Karam, phía Đông Nam dòng Đa nhim huyền thoại. Phải mất cả tiếng đồng hồ từ sân bay Liên Khương và di chuyển “hỗn hợp” (vừa bằng xe 4 bánh - taxi, vừa bằng xe 2 bánh - honda ôm) trên những “cung” đường gồ ghề, bụi bặm tôi mới được “diện kiến” vợ chồng già Ya Loan dưới gốc soài rừng cổ thụ. Già Ya Loan năm nay đã ngoài 70 nhưng xem ra còn tráng kiện và minh mẫn lắm.
|
Đường vào núi Karam. |
Sau tuần trà Thái, giọng vị cựu cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương người Chu Ru sang sảng: “Có hòn đá ấy thật. Nó nặng hơn 20 tấn đấy. Người ta lấy nó mang lên Đà Lạt cách đây vài năm rồi!”. Cùng ngồi uống trà tiếp khách với chồng, bà Ma May tiếp lời: “Nó to và có màu tím, đẹp nhiều lắm. Nó to hơn cái nhà cho gà ở kia”, vừa nói bà vừa chỉ vào một ngôi nhà nhỏ cách đó chừng 20 m. Tôi nhìn theo và thực sự ngạc nhiên, vì không nghĩ đó là chuồng nhốt gia cầm. Bởi, chỉ riêng diện tích đất, “cái nhà cho gà ở” đã “choán” đến chục mét vuông!
Theo Ma May, hòn đá quý màu tím nằm trên rẫy trồng cà phê của Ma Di, cháu gái bà dưới chân dãy Karam. Trước kia, khi đốn rừng lập vườn vợ chồng người cháu cũng đã phát hiện 2 hòn đá cùng loại và bán được kha khá, “nhiều triệu đồng”.
“Hai hòn ấy to không và bán cho ai?” - tôi hỏi. “To chứ! To bằng con trâu đấy. Bán cho ai à? Bán cho mấy người từ nơi xa tới. Họ mở đường vào núi câu nó lên xe, chở đi” - người phụ nữ áo hoa, váy đen khoát một vòng tay rộng rồi cho biết, hai hòn đá vừa nói “bé hơn nhiều, không to bằng hòn sau đâu”. Và, khi vợ chồng người cháu mở thêm rẫy trên sườn núi thì “thấy nó (hòn đá khổng lồ sau này) ở dưới đất nhô lên, rồi người từ nơi xa lại đến hỏi mua!”…
Chở đá vào ban đêm?
Cũng theo bà Ma May, những người mua đá tím đã đến ngã giá và đưa trước cho vợ chồng người cháu một khoản tiền lớn (cả trăm triệu đồng) để “giữ chân” và mở đường…
“Bà có tận mắt nhìn thấy hòn đá lớn ấy không?”. “Thấy chứ! Bọn nó (những người mua đá) đến đào, nhưng bị cán bộ lâm nghiệp và công an xã giữ, không cho.”. Vì thế, họ đã bỏ đi và người ta (người của lâm trường?) dùng tới 2 “cái máy” (máy xúc) hỳ hục đào tới mấy ngày rồi kéo đá lên.
Tuy nhiên, do hòn đá quá lớn và nặng nên dây cáp bị đứt bung. Vậy, bằng cách nào để đưa “nó” lên xe? Theo người phụ nữ Churu có thân hình cao lớn, người ta phải dùng máy san bằng mặt dốc để tạo ta luy, ủi đá lên sàn xe.
“Ô tô lớn lắm, có nhiều bánh to chở nó đi. Họ chở vào ban tối, lúc 7 giờ, đèn pha sáng rực. Có cả người mặc đồng phục cầm cây súng đứng canh!”(?). “Rẫy của đứa cháu có hòn đá màu tím ấy ở gần đây không?” - tôi tỏ ra sốt ruột, muốn đến ngay “hiện trường”.
“Không gần lắm đâu. Nhưng ở đây cũng nhìn thấy được mà…” - lời chưa kịp dứt, bà Ma May đã hăm hở đi như chạy ra phía sau nhà. Tôi cũng đặt vội cốc trà xuống chiếc bàn bằng thớt gỗ thô, dày nguyên khối, sải bước qua những luống cà dái dê mới trồng để dõi theo cánh tay của người phụ nữ sắc tộc Tây Nguyên mau mồm, nhanh miệng.
Và, thấp thoáng qua những ngọn tre trong chiều nắng, tôi thấy một mái nhà màu trắng nổi trên thảm xanh mờ dưới chân Karam, ngược ánh mặt trời…
Mời quý độc giả xem video Chuyện lạ cá uống bia (nguồn Youtube):