Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Thiếu tướng Võ Bẩm là một trong những người đã "đặt nền móng" mở con đường Hồ Chí Minh huyền thoại này.
|
Thiếu tướng Võ Bẩm (ảnh tư liệu). |
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng
Theo các tài liệu lịch sử, Thiếu tướng Võ Bẩm (SN 1915 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nay là xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi). Ông còn có các tên như Võ Tân Vinh (khi đi học chữ Nho ở quê nhà), Võ Hồng Đức (khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương- 1934), Võ Văn Định (trong 9 năm chống Pháp), Võ Văn Phúc (khi được giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn). Cha ông là cụ Võ Thạc, một yếu nhân, bị lính Pháp bắt giam và tra tấn cho đến chết (năm 1916).
Ông Võ Bẩm tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu. Đã rất nhiều lần ông bị Pháp bắt đưa đi đày ở các nhà tù Lao Bảo, Ban Mê Thuột... Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông từng đảm nhận các chức vụ Bí thư Huyện uỷ huyện Sơn Tịnh, Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Quảng Ngãi.
Có thể nói bước ngoặt về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Võ Bẩm bắt đầu từ tháng 1/1959. Khi đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (mở rộng) tổ chức tại Hà Nội do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, bàn về nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, vạch ra đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà. Khi đó, Tổng quân uỷ đưa ra những nhiệm vụ khẩn thiết về chi viện, xây dựng lực lượng ở miền Nam và phát huy vai trò của miền Bắc đối với miền Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến vận tải giao liên quân sự để chi viện vũ khí, đạn dược, thuốc men... vào miền Nam với phương châm hoạt động: Tuyệt đối bí mật và an toàn. Ngày 5/5/1959, Thiếu tướng Võ Bẩm được Bác Hồ và Trung ương tin cẩn giao nhiệm vụ thành lập Đoàn công tác quân sự đặc biệt. Việc lập đoàn công tác quân sự đặc biệt nhằm thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đó chính là mở một đường giao thông từ Bắc vào Nam trong thời gian ngắn nhất, bí mật và an toàn nhất để vận chuyển vũ khí, hàng hóa nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam, theo kế hoạch của Bộ Chính trị...
Sau này, ông kể lại trong cuốn hồi ký của mình: "Ngày đoàn chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ cũng là ngày sinh lần thứ 69 của Bác Hồ. Với tất cả lòng kính yêu Bác, chúng tôi thống nhất lấy ngày 19/5/1959 là ngày truyền thống của đoàn. Và đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559. Như một sự thống nhất biện chứng, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá sau này cũng được các chiến sỹ cùng đồng bào cả nước gọi là đường Hồ Chí Minh".
Người khai sơn, phá thạch ở đường Trường Sơn
Cuối năm 1959, sau khi có những cuộc họp bàn về việc mở đường vào miền Nam với đại diện Khu 5 và Trị-Thiên, ông Võ Bẩm dẫn đầu một nhóm cán bộ chiến sỹ vào miền Tây Vĩnh Linh và Trị-Thiên, len lỏi giữa những cánh rừng Trường Sơn, tìm con đường tốt nhất vào Nam. Đoàn khảo sát quyết định chọn Khe Hó làm điểm xuất phát cho tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn.
Trong cuốn hồi ký của mình, Thiếu tướng Võ Bẩm viết: "Khe Hó là một lạch nước sâu, nhỏ, ở dưới chân dãy núi Động Nóc. Khu vực này gần thượng nguồn Rào Thanh, Tây Nam Vĩnh Linh, cách nông trường Bãi Hà chưa đến 1km về phía Tây Nam, cách giới tuyến quân sự tạm thời không xa. Từ Khe Hó, tuyến đường được phát triển theo hướng Tây Nam, qua làng Mít, vượt đỉnh 1001, đỉnh 1600, vượt sông Bến Hải, qua đỉnh 1701. Hồi đó, chúng ta phải chọn con đường gian khó này vì đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối bí mật khi mở đường. Nếu địch có phát hiện và đánh chặn cũng không được đánh lại mà phải tìm cách tránh để không bị lộ".
Sau khi khảo sát và chọn được tuyến đường, những chuyến vũ khí, quân nhu đầu tiên đã bí mật tới khu tập kết của Đoàn 559 tại khu rừng già gần Khe Hó để chuyển vào Nam. Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên của Đoàn 559 chính thức vượt Trường Sơn an toàn. Với thành tích từ mở đường, vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật, lương thực, thực phẩm, đưa đón cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại, đồng chí Võ Bẩm được bổ nhiệm giữ chức Đoàn trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559.
Tuy nhiên không lâu sau đó, tuyến đường bị địch phát hiện, đánh phá điên cuồng. Trước tình thế nghiêm trọng này, Đoàn trưởng Võ Bẩm xin ý kiến cấp trên cho mở thêm tuyến đường mới để hạn chế thương vong. Lại những ngày tháng lăn lộn, khảo sát trong những cánh rừng già, núi cao hiểm trở, đồng chí Võ Bẩm cùng đồng đội đã nhanh chóng mở ra tuyến đường phía Tây Trường Sơn tạo thuận lợi cho việc chi viện miền Nam.
Trong một giai đoạn ngắn, Đoàn 559 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đoàn trưởng Võ Bẩm đã vận chuyển hàng trăm nghìn tấn hàng hóa bao gồm súng ống, đạn dược, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua dãy Trường Sơn, đi sâu vào Nam, đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Đường Trường Sơn đã trở thành con đường chiến lược, góp phần dẫn đến chiến thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Không chỉ vậy, trong những năm tháng ở Trường Sơn, ông cũng đã góp công sức không nhỏ trong việc mở đường 20 Quyết Thắng, xuất phát từ Phong Nha, Quảng Bình, góp phần to lớn và có hiệu quả vào công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường. Ông cũng là người đầu tiên thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển về sau.
Những năm tháng lăn lộn với núi rừng Trường Sơn, cơm nắm muối vừng, trèo đèo, lội suối và hơn cả là sự đối mặt với vô vàn gian nguy đã khiến sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy năm 1966, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh. Sau khi chữa khỏi bệnh, ông được Quân ủy Trung ương, bộ Quốc phòng bổ nhiệm lại làm Chính ủy Đoàn 559, sau đó làm Cục trưởng cục Quản lý giáo dục, Bí thư Đảng ủy cơ quan bộ Tổng tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị bộ Tổng tham mưu. Năm 1970, ông được bổ nhiệm làm Phó tổng Thanh tra quân đội, năm 1974, được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1980, Thiếu tướng Võ Bẩm được nghỉ hưu.
Năm 2008, Thiếu tướng Võ Bẩm qua đời tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Những đóng góp của ông cho nền vận tải quân sự Việt Nam nói chung và "kiến trúc sư" đường Trường Sơn huyền thoại nói riêng, cùng với tác phong, bản lĩnh trung kiên, mẫu mực liêm khiết của ông là tấm gương sáng cho những thế hệ sau này. Ông được tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.