Năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn về số nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Với quy chế mới này, Bộ GD-ĐT cũng đã hỗ trợ các trường lọc được thí sinh ảo cũng như tránh nguy cơ “vỡ trận” và tình trạng thí sinh ảo nhất là ở những trường top cao.
Tuy nhiên, nhiều thí sinh đặt ra câu hỏi, ở các trường top cao khi lượng hồ sơ nộp vào trường cao hơn rất nhiều so với tiêu tuyển sinh mà các trường được phép tuyển thì những thí sinh bằng điểm nhau ai đỗ, ai trượt?
Trong khi, theo đúng quy chế tuyển sinh, các trường sẽ phải lấy hết số thí sinh có điểm bằng nhau. Tuy nhiên, nếu thực hiện điều này lại vượt quá chỉ tiêu quy định.
Được biết, với trường hợp thí sinh cùng điểm số, cùng đăng ký nguyện vọng giống nhau vào ngành hoặc cùng trường thì chính tiêu chí phụ chính là thứ quyết định đỗ/ trượt của những thí sinh bằng điểm nhau.
|
Điều gì quyết định đỗ/ trượt của những thí sinh bằng điểm nhau? |
Liên quan đến những tiêu chí phụ trong tuyển sinh đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục quản lý chất lượng (Bộ GD& ĐT) cho hay: “Việc các trường đưa ra tiêu chí phụ là quy chế bắt buộc của Bộ GD ĐT để đảm bảo công bằng với những thí sinh có cùng sở thích cùng đam mê với ngành nghề của mình. Tuy nhiên, các em cũng không nên quá lo lắng về những tiêu chí phụ vì Bộ GD&ĐT đã có phần mềm xét tuyển có thể xác định và đưa ra kết quả công bằng nhất”.
Thực tế, nhiều trường cũng đã đưa ra những tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên cho những tiêu chí này để đảm bảo độ công bằng nhất.
Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên là: Ưu tiên 1 điểm bài thi Toán; Ưu tiên 2 điểm môn thi Sinh học. Như vậy thí sinh nào có điểm Toán và Sinh học cao hơn thì sẽ lần lượt được xét trước.
Còn ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong trường hợp số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu nhóm ngành, các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách sẽ được xét trúng tuyển theo các tiêu chí phụ như sau: Tổng điểm ba môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển (không nhân hệ số). Nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng 2 điều kiện phụ khi xét tuyển: Nếu chỉ tiêu tuyển sinh có hạn trong khi có nhiều thí sinh cùng có tổng số điểm bằng nhau thì ưu tiên cho thí sinh có điểm môn Toán cao hơn (riêng ngành Xã hội học có xét tuyển khối C00 thì lấy điểm môn Ngữ văn thay cho điểm môn Toán).
Nếu điều kiện phụ thứ nhất đã sử dụng nhưng vẫn quá chỉ tiêu cần tuyển thì ưu tiên cho thí sinh có nguyện vọng cao hơn (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Một trong những điều thí sinh cần lưu ý là cân nhắc kỹ để không điều chỉnh nhầm nguyện vọng và tự mình đánh mất cơ hội vào ngành mà mình yêu thích ngay từ đầu.
Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại đã có những thí sinh chưa cân nhắc kỹ đã vội điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trong khi mỗi thí sinh có duy nhất một lần.
Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học.
Phương thức thay đổi trực tuyến áp dụng đối với trường hợp thí sinh muốn thay đổi thứ tự nguyện vọng, thay đổi tổ hợp xét tuyển hoặc bổ sung nguyện vọng mới. Tuy nhiên, tổng số nguyện vọng sau khi điều chỉnh không không lớn hơn số nguyện vọng ĐKXT đã đăng ký ban đầu khi đăng ký dự thi. Việc đăng ký trực tuyến sẽ không điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng.
Phương thức thay đổi bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, áp dụng với trường hợp thí sinh tăng số lượng nguyện vọng ĐKXT so với đăng ký lúc đầu hoặc điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải điều chỉnh bằng phiếu và thực hiện tại điểm tiếp nhận.