Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp – UBND huyện Kinh Môn (Hải Dương) ngày 2/3 cho biết, vào 8h30 ngày 1/3, theo thông báo của UBND và Ban Thú y xã Hiến Thành về việc đàn lợn của gia đình ông Hoàng Văn Chinh (thôn An Thủy, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn) có triệu chứng sốt, bỏ ăn, da vùng tai, bụng đỏ và một số con đã bị chết.
Ngay khi nhận được thông tin trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn đã báo cáo lên Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương và UBND huyện Kinh Môn. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật xuống ngay hộ chăn nuôi nắm bắt tình hình và thực hiện khoanh vùng, tiêu độc sát trùng chuồng trại và xung quanh khu vực nuôi, lập các chốt kiểm dịch kiểm soát, phun xịt thuốc sát trùng với các phương tiện ra vào địa bàn xã Hiến Thành, cấm vận chuyển buôn bán lợn trên địa bàn xã Hiến Thành trong thời gian có dịch.
|
Hải Dương là tỉnh thứ 7 trên cả nước xuất hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi. |
Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kinh Môn cho biết, thời điểm kiểm tra, tổng đàn lợn gia đình ông Chinh có 95 con, trong đó có 11 con ốm yếu và chết tại chuồng.
Theo ông Hoàng Văn Chinh cho biết, cách đây vài hôm, đàn lợn nhà ông vẫn khỏe mạnh, ăn tốt. Tuy nhiên, sau đó, ngày 26/2, khi phát hiện một số con lớn có biểu hiện ốm sốt, ông đã mua thuốc về tự chữa trị nhưng sau đó, lợn vẫn không qua khỏi, nhiều con bị ốm hơn. Đến ngày 1/3 thì phát hiện 4 con lợn bị chết nên đã báo cáo lên xã.
|
Phun tiêu độc sát trùng chuồng trại và xung quanh khu vực nuôi, |
Ngay sáng ngày 1/3, khi nhận được thông tin, Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương đã xuống gia đình ông Hoàng Văn Chinh lấy các mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. “Khi mổ lợn lấy bệnh phẩm, tôi đã biết đấy là triệu chứng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, để chắc chắn, chúng tôi vẫn đưa 6 mẫu bệnh phẩm đến Chi cục Thú y vùng II xét nghiệm. Kết quả cho thấy 5 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus Dịch tả lợn châu Phi'', ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết.
Lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn cho biết, ngay sau khi xác nhận chính xác lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền tỉnh Hải Dương và huyện Kinh Môn tiến hành công bố dịch tại xã Hiến Thành.
Đến thời điểm chiều ngày 1/3, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy 11 con lợn của gia đình ông Hoàng Văn Chinh. Đến 17h30 cùng ngày, khi Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, Giám đốc Sở NN&PTNN Hải Dương, Chi cục thú y tỉnh, lãnh đạo huyện Kinh Môn cùng các cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống xã Hiến Thành tổ chức hội nghị khẩn chỉ đạo triển khai các bước tiêu hủy lợn mắc bệnh của hộ nhà ông Chinh và các hộ lân cận. Tính đến 13h30 ngày 2/3, tổng số lợn đã tiến hành tiêu hủy của hai hộ dân (hộ ông Hoàng Văn Chinh và hộ ông Mạc Văn Cường) là 169 con với trọng lợn 7492kg.
|
Tiêu hủy lợn bệnh ở xã Hiến Thành. |
Hiện nay, công tác kiểm soát dịch bệnh đang được UBND huyện Kinh Môn cùng các cơ quan chức năng tập trung thực hiện để ngăn chặn không để dịch lây lan và bùng phát thêm điểm mới. Như vậy, với việc phát hiện điểm mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Hải Dương là tỉnh thứ 7 trên cả nước xuất hiện bệnh này.
Mức đền bù, hỗ trợ là 38.000 đồng nhưng nhiều địa phương lại thực hiện đền thấp hơn
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/3, báo chí nêu vấn đề, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc các bộ ngành, địa phương xử lý dịch tả lợn châu Phi và đặt câu hỏi về việc cung cấp thông tin thêm về diễn biến dịch tại 6 địa phương, các phương án hỗ trợ cho địa phương bị thiệt hại, giải pháp dập dịch trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2018 tăng 5,3 triệu tấn thịt các loại, về trứng tăng 3,9 lần, sữa tươi 16,5 lần so với năm 2005. Nhưng chăn nuôi nước ta đối diện nhiều khó khăn, chăn nuôi nhỏ lẻ, khó khăn. Trên thế giới, bây giờ có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị dịch tả châu Phi, trong đó Trung Quốc có 110 ổ dịch, 28 tỉnh, thành phố có gần 1 triệu lợn bị tiêu huỷ. Nhiều nước chăn nuôi châu Âu cũng có, Nga thiệt hại gần 1 tỷ USD, Mông Cổ có 10 ổ dịch tại 6 tỉnh.
Việc ngăn chặn dịch bệnh, xử lý gặp khó khăn do hệ thống biên giới dài, đường mòn lối mở nhiều, kiểm soát khó, hoạt động thương mại dịp Tết tăng nhiều. Hơn nữa lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam lớn, dịp Tết hoạt động thương mại gia tăng, hoạt động giết mổ vận chuyển tăng, giá lợn cao, do đó không ít người dân không tự giác, khi lợn ốm chết vẫn đem bán tận dụng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay, với vai trò của mình, Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ kịp thời có Công điện, triển khai Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, Bộ NN&PTNN cũng đã ban hành kế hoạch hành động…Bộ NN&PTNT tổ chức 4 Hội nghị chuyên đề ở cả 2 miền Nam, Bắc, hôm 27/2 vừa rồi lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì chuẩn bị hội nghị trực tuyến trong thời gian tới…Đồng thời, Lãnh đạo Bộ NN&PTNN trực tiếp kiểm tra, rà soát các tỉnh có nguy cơ cao, chuẩn bị 8 đội phản ứng nhanh, các phòng xét nghiệm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý là dịch tả lợn châu Phi chỉ gây bệnh trên lợn, không lây trên người, nhưng các hình thức lây khá đa dạng như vận chuyển, tiếp xúc, thức ăn, nước uống, vật tư, động vận trung gian…Dịch không lây qua người nên nhiều hộ dân bán chạy, bán chui. Ngày 1/2 xảy ra tại Trung Nghĩa, Hưng Yên, đến ngày 27/2 dịch xảy ra ở 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh thành phố, là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Nam. Tổng lợn mắc bệnh hơn 2.400 con, tổng trọng lượng trên 172 tấn, gây hậu quả nghiêm trọng cho các hộ chăn nuôi lợn ở các tỉnh… Số liệu cụ thể đã có báo cáo.
Về giải pháp khắc phục, khu trú, giảm thiệt hại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói rằng, trong Chỉ thị 04 của Thủ tướng vừa qua đã có các kế hoạch hành động chi tiết, trong đó Bộ NN&PTNT kiểm tra thực tế xuống tận cơ sở ở 6 tỉnh thành, trực tiếp kiểm tra quyết liệt cùng các địa phương thực hiện các phương án. Nhưng hiện nay, có 2 bất cập trong triển khai phòng chống dịch. Thứ nhất, vừa rồi thực hiện nhập các đơn vị tại các huyện, dồn thú y với bảo vệ thực vật là một trung tâm dịch vụ. Như vậy khiến lực lượng giám sát dịch bệnh khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức phòng chống dịch nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng…
Ngoài ra, theo Nghị định 2 thì mức đền bù là 38.000 đồng, nhưng ở nhiều địa phương lại thực hiện đền thấp hơn, trong khi đó thủ tục tương đối phức tạp nên nhiều tháng sau mới thu được tiền. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình bán chạy chui, gây ra dịch bệnh.
Nói thêm việc này, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, giá hỗ trợ cho người dân, hôm nay Bộ NN&PTNT trình Chính phủ theo hướng sửa Nghị định 02, giá bằng 70% giá trị trường, nhưng phải cải cách hành chính, giá sao cho cho người dân tự giác, người dân báo tiêu huỷ, nếu rẻ quá không hỗ trợ thiệt hại được cho dân. Hiện Chính phủ đang làm quy định thủ tục.