Bảo vệ chứ không khống chế quyền lợi người tiêu dùng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 26/5, Quốc hội nghe báo cáo, thảo luận ở hội trường một số nội dung về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). |
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, trong lĩnh vực tư pháp thì tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp là lớn hay nhỏ, là 100 triệu, 1 tỷ hay là 10 tỷ mà nó phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng, nhưng tình tiết thì rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng và cho đến nay thì không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp.
Nhưng ngược lại, có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng, nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
Từ phân tích đó, đại biểu kiến nghị, bỏ điều kiện giá trị tranh chấp, không hạn chế vụ án theo thủ tục rút gọn nếu các điều kiện thoả mãn. “Khống chế điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng là không phù hợp”, đại biểu nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, nên bỏ quy định giá trị 100 triệu đồng khi áp dụng thủ tục rút gọn.
“Việc đặt ra mức 100 triệu nghĩ là bảo vệ quyền cho người tiêu dùng, nhưng thực ra lại là khống chế, đặt ra thêm một rào cản”, đại biểu Thân cho hay.
Cần tham khảo kinh nghiệm các nước
Phát biểu về nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho hay, Bộ luật Dân sự quy định thủ tục rút gọn tại Điều 37. Nếu các vụ án dân sự, trong đó vụ kiện liên quan người tiêu dùng thoả mãn điều kiện ở Điều 37 thì được áp dụng thủ tục rút gọn.
|
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình. |
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự có Điều 36 “mở đường” cho các luật khác có thể quy định áp dụng trình tự thủ tục rút gọn theo Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết nhanh các vụ việc.
“Quy định như dự thảo tại Điều 70 là trích dẫn Điều 37 Bộ luật Dân sự nhưng đưa thêm 100 triệu đồng vào thì có đại biểu Quốc hội nói rằng hạn chế quyền của người tiêu dùng. Nhận định như thế là đúng” – ông Nguyễn Hoà Bình nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, theo kinh nghiệm thế giới, đối với các vụ án có quy mô nhỏ (giá trị) thì giải quyết rất đơn giản. Ví dụ như luật của Đức không phải chỉ có Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Bởi nếu trải qua sơ thẩm, phúc thẩm, tái thẩm thì chi phí giải quyết vụ án còn lớn hơn rất nhiều lần giá trị tranh chấp. Vì thế, nhiều nước quy định giá trị tranh chấp để làm xã hội không mất công vào việc lặt vặt.
“Hai anh nợ nần 1-2 nghìn đô mà suốt ngày sơ thẩm, tái thẩm thì chi phí xã hội lớn” – ông nói và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm thế giới để tránh xung đột với Điều 37 của Bộ luật Dân sự cũng như có thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với những vụ án không phức tạp.
Cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoà Bình, khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, họ đều khuyến cáo việc nội luật hoá nghĩa vụ của bên thua. Người tiêu dùng hay trường hợp khác đi kiện thắng thì đương nhiên nhà sản xuất, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải bồi thường. Người tiêu dùng đi kiện không đúng, lợi dụng đi kiện làm ảnh hưởng uy tín, gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì ta chưa đặt ra trách nhiệm, nghĩa vụ bên thua.
Nhà sản xuất đúng đắn, nghiêm túc nhưng đi kiện rồi đưa lên mạng công khai. “Đi kiện không có nghĩa người đi kiện là đúng, cho nên đưa lên mạng công khai thì điều này cần phải cân nhắc lại, bởi vì đây là quyền con người, quyền của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi):