|
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (ảnh quochoi.vn). |
Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo có gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, trong đó có gửi tới ông, ông đã xử lý thế nào?
- Khi đơn thư của công dân gửi tới chúng tôi, chúng tôi đều đã xem xét, đặc biệt là đơn khẩn cấp thì việc xem xét càng hết sức nghiêm túc. Đơn của bà Diệp Thảo, chúng tôi đã chuyển đơn đến Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền của Tòa án.
Việc chuyển đơn được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật khác có liên quan để đảm bảo tính công lý, tính công bằng cho vụ việc này.
|
Sau phiên tòa xử vụ ly hôn, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng. |
Ông có nói đơn của công dân gửi tới đều được ông nghiên cứu, vậy qua nghiên cứu đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ông thấy có vấn đề gì?
- Tôi đã nghiên cứu và thấy có nhiều vấn đề đặt ra. Thứ nhất, trong đơn bà Diệp Thảo rất phàn nàn và không bằng lòng về hoạt động tố tụng, rồi việc liên quan tới lời khuyên của thẩm phán. Bà Thảo cho rằng còn có lúc bị lừa để thực hiện các việc để hợp pháp hoá cho các vấn đề pháp lý.
Tôi cho rằng đây là vấn đề rất lớn. Trong quá trình xét xử có những vấn đề bộc lộ rất rõ là không bình thường như vấn đề đánh giá các loại chứng cứ và xác định các vấn đề về tài sản. Đối với một vụ án liên quan tới rất nhiều tài sản cần phân chia thì nếu tòa án không làm cẩn thận sẽ nảy sinh những xung đột tiếp theo.
Điểm nữa là tôi thấy băn khoăn nhất chính là việc “toà án tự quyết định thay các đương sự”. Toà án không có thẩm quyền quyết định việc “người này thì được giữ cổ phần, người kia không giữ cổ phần. Bởi vì, cổ phần không chỉ liên quan tới tài sản mà còn liên quan tới quản lý công ty.
Hiện nay theo bà Diệp Thảo cho biết, bà ấy đang bị tước đoạt quyền điều hành công ty theo quy định của pháp luật. Công ty không chỉ là vấn đề tài sản mà còn liên quan tới quyền lực, quyền lực này còn thể hiện tính nội bộ của nó, nhưng lại là một vấn đề thể hiện trước xã hội. Bà Thảo bị tước cả danh hiệu nội bộ lẫn sự ảnh hưởng xã hội và chỉ trở thành người cầm tiền. Như vậy, câu chuyện này là lỗi của tòa án. Chúng ta phải xem xét hết sức thận trọng tất cả các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp.
Ông có nhìn nhận gì về kết quả phiên toà sơ thẩm hiện nay đã bị Viện Kiểm sát kháng nghị, người liên quan kháng cáo?
- Về bản án sơ thẩm bị đã kháng nghị, tôi cho rằng việc kháng nghị bản án đó không nằm ngoài dự đoán của mọi người. Ở đây không phải là câu chuyện bênh vực ai, mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải đứng trung lập để xem xét.
Tôi lấy ví dụ như một điểm mà ai đọc đến trong bản án đó thì cũng thấy rất buồn cười, đó là việc tòa tuyên bà Thảo chỉ được nhận tiền, không được nhận cổ phần, giao hết cổ phần cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Không ai cho phép tòa án được phép tuyên người này chỉ nhận tiền mà không được nhận cổ phần, bởi đấy chính là tài sản của họ. Việc làm như vậy có nghĩa là đã vượt qua cả Hiến pháp và các đạo luật như Bộ luật Dân sự để anh phế bỏ quyền sở hữu tài sản của một công dân.
Vào ngày 6/6, tổ công tác của Cục Thi hành án Dân sự TP HCM đến biệt thự của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để cưỡng chế thi hành án, buộc giao trả con dấu và giấy đăng ký kinh doanh cho Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên theo bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP HCM. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không thể thực thi quyết định cưỡng chế do biệt thự của bà Thảo không mở cửa, ông thấy sao về việc này?
- Việc trả con dấu, việc thi hành án phải theo đúng các quy định của pháp luật, nếu đã có quyết định của toà án (quyết định có hiệu lực) về việc trả con dấu thì phải thi hành.
Tuy nhiên, cần phải hết sức lưu ý trong xem xét các thủ tục thi hành án và những vấn đề có liên quan, thì việc trả con dấu là đúng hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố đó nữa, chứ không chỉ căn cứ vào bản án. Cần hết sức lưu ý, việc thi hành bản án có hiệu lực pháp luật là yếu tố bắt buộc nhưng không có nghĩa là người ta thi hành ngay được mà có các yếu tố khác liên quan cũng cần phải xem xét.