Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 11/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, trong khi sửa luật, bổ sung định giá sách giáo khoa thì lại bỏ Khoản 3 Điều 19, mà đưa vào phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để cho các bộ và cơ quan ngang bộ tự quyết là không thể hiện được ý chí của Quốc hội, dễ dẫn đến buông lỏng quản lý giá đối với những hàng hóa, dịch vụ rất quan trọng này.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng). |
Theo đại biểu, Khoản 3 Điều 19 luật hiện hành quy định rất chặt chẽ, minh bạch, cụ thể, hợp lý... Chính vì vậy, đại biểu đề nghị khôi phục lại Khoản 3 Điều 19 này, cần thiết thì bổ sung thêm loại hàng hóa, dịch vụ thuộc từng hình thức định giá.
Một nội dung nữa liên quan đến sách giáo khoa, đại biểu Thúy kiến nghị, đó là Dự thảo luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu, dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Thực tế, dễ thấy rằng sách giáo khoa biên soạn bằng ngân sách nhà nước, ví dụ như sách giáo khoa ngoại ngữ biên soạn theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia hoặc doanh nghiệp có hỗ trợ của ngân sách nhà nước về trụ sở, phương tiện làm việc, tài sản... thì có lợi thế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân.
“Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, tôi đề nghị quy định khung giá bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Thúy, quy định này nhất quán với quy định tại Khoản 2 Điều 8 dự thảo luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá tối đa, giá tối thiểu.
Phát biểu sau đại biểu Thúy, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho biết, ông quan tâm tới Điều 3 mà các đại biểu, trong đó có đại biểu Thúy tranh luận. Đó là việc đưa giá về cho các đơn vị chủ quản, tức là các đơn vị chuyên sâu, ví dụ như là khám, chữa bệnh cho Bộ Y tế, điện lực cho Bộ Công Thương, giáo dục là sách giáo khoa và một số lĩnh vực khác.
“Tôi cho rằng Bộ Tài chính trong quản lý giá phải có vai trò và các bộ chỉ phối hợp, sau đó chúng ta có một giá, giá này là giá quy định niêm yết, phải có khung trần và sàn của giá để cho Hội đồng nhân dân các tỉnh áp dụng phù hợp với tỉnh của mình”, đại biểu Hoàng nêu ý kiến.
Chưa nghĩ đến chuyện ngăn chặn giá quá thấp
Sau khi nghe ý kiến từ các đại biểu, Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, những ý kiến về sách giáo khoa, định giá giá tối đa hay giá tối thiểu của các đại biểu rất hay.
"Bây giờ trong tư duy chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao, nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói về việc cần có quỹ bình ổn giá xăng dầu". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
.