Thăng hàm cấp tướng công an trước thời hạn cần quy định rõ tiêu chí
Ngày 2/6, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (dự thảo luật). Theo đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn), một sĩ quan công an nhân dân trải qua quá trình công tác, chiến đấu, lập được chiến công thì uy tín, sự ngưỡng mộ, trân trọng đối với người đó được ghi nhận một cách tự nhiên. Nếu đủ điều kiện được phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời có thêm điều kiện để tiếp tục làm tròn sứ mạng.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước
Ảnh: Như Ý
|
Do vậy, theo đại biểu, chính sách về xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan công an nhân dân khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự là cần thiết và có ý nghĩa. Tuy nhiên, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí thăng hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, công tác vào khoản 2 của dự thảo luật mà không giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan quy định về tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, cho rằng, theo Bộ luật Lao động năm 2023, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 9 tháng, nữ là 56 tuổi. Vì vậy, chia việc tăng tuổi phục vụ sĩ quan cấp Đại tá, Thượng tá là phù hợp. Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ, tận dụng được nguồn nhân lực chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm. Đồng thời, việc nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ công an sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội.
|
ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí thăng hàm cấp tướng trước thời hạn vào trong dự thảo luật
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu đối với hàm nữ Thượng tá lên 3 tuổi, nữ Đại tá lên 5 tuổi. Theo ông, với yếu tố đặc thù của nghề nghiệp, môi trường làm việc vất vả, không thể đánh đồng với các cơ quan hành chính sự nghiệp về tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động. Ông đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu với nữ Thượng tá là 57, nữ Đại tá là 58, Thiếu tướng vẫn là 60.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí việc tích hợp một số thông tin về công dân vào thẻ căn cước nhằm góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong các giao dịch hành chính, dân sự, đi lại, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời đề nghị việc tích hợp thông tin phải đi đôi với việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và quản lý, sử dụng thông tin để bảo vệ quyền công dân, bí mật đời tư của công dân.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “thẻ căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú. “Việc thay đổi để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu.
Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ Công an đã cấp gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ nên việc quy định thời hạn hết giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân cơ bản không tác động đến người dân. Quy định này sẽ hạn chế việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân cũ, có tính bảo mật không cao bằng thẻ căn cước và không có nhiều tiện ích; thúc đẩy người dân thay đổi thói quen bằng việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp điện tử.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định đối tượng cấp thẻ căn cước là người dưới 14 tuổi, vì cho rằng, nhu cầu sử dụng thẻ căn cước của nhóm đối tượng này rất ít. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí nội dung thể hiện trên thẻ căn cước. Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung thông tin “Nhóm máu” trên thẻ căn cước bảo đảm thuận tiện khi sử dụng trong một số trường hợp cấp bách.