Một trong những chính sách bộ luật mới có lợi cho người dân được thực hiện ngay đầu năm 2018 chính là Nghị định 141 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực.
Tăng lương tối thiểu vùng, điều chỉnh chế độ hưu trí
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng I là 3.980.000 đồng/tháng; vùng II: 3.530.000 đồng/tháng; vùng III: 3.090.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng.
Cũng từ tháng 1/2018, người lao động muốn hưởng lương hưu mức tối đa sẽ phải đóng thêm 5 năm bảo hiểm xã hội nữa, đồng nghĩa lao động nữ phải đủ 30 năm, lao động nam là 35 năm. Mức lương tối đa tính bằng 75% mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Quy định này áp dụng với lao động nữ ngay từ 1/1/2018. Còn với lao động nam sẽ theo lộ trình, mỗi năm tăng thêm 1 năm đóng bảo hiểm xã hội. Lộ trình đến năm 2022 sẽ phải đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng mức tối đa lương hưu.
|
Mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương cũ khoảng 180.000-230.000 đồng/tháng. |
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc sẽ được đặc cách sau khi tuyển dụng
Một cơ hội lớn cho các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc trong năm 2018 khi Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/1/2018. Theo đó, đối tượng áp dụng quy định này là sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc trong nước hoặc nước ngoài và người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú.
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi tuyển dụng được đặc cách cử tham dự kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nếu được xếp loại ở mức hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liên tiếp; cán bộ khoa học phải có ít nhất một đề tài khoa học công bố trên các tạp chí.
Tuy nhiên, trong thời gian 3 năm được tuyển dụng nếu có 2 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực… thì cơ quan, tổ chức bố trí công tác khác và thôi hưởng phụ cấp tăng thêm theo quy định. Trường hợp 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.
Không phải nộp tiền sử dụng đất khi chuyển đất sản xuất kinh doanh sang đất ở
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Một trong những nội dung đáng chú ý của nghi định là hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp nhưng có nguồn gốc là đất ở sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân thì không phải nộp tiền sử dụng đất.
Hàng loạt Bộ luật có hiệu lực, hữu ích cho người dân, doanh nghiệp
Từ ngày 1/1/2018, 10 bộ luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Du lịch.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1. Theo Bộ luật, nhiều tội danh bỏ án tử hình gồm: cướp tài sản; đầu hàng địch; chống mệnh lệnh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.
11 tội danh cũng không còn trong Bộ luật Hình sự 2015 gồm kinh doanh trái phép; cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; tảo hôn; đăng ký kết hôn trái pháp luật. Với tội cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng được thay thế bằng 9 tội danh mới.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng chính thức có hiệu lực năm 2018. Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập, thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo.
Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác. Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực quy định nội dung hỗ trợ bao gồm: Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực quy định hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau bị áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật quy định hàng hóa bị cấm xuất khẩu trong các trường hợp: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật quy định biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.