Rất may sự cố rò rỉ dầu đã không trở thành thảm họa, tuy nhiên đây là bài học sâu sắc về việc quản lý, bảo quản, giám sát máy móc, trang thiết bị tại chung cư cao tầng.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC số 9 thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, vào thời điểm trên, đơn vị nhận được thông tin khẩn báo cháy tại chung cư Văn Phú Victoria. Đơn vị đã điều xe thang và xe chữa cháy cùng lực lượng CBCS đến hiện trường làm nhiệm vụ.
Khi lực lượng chữa cháy có mặt đã thấy cảnh hỗn loạn, người dân hoảng sợ tháo chạy xuống dưới sảnh.
|
Cảnh sát PCCC đang kiểm tra các vết dầu chảy để có biện pháp khắc phục tránh cháy nổ xảy ra. |
Theo một số người dân, sự việc bắt đầu khi một số cư dân đi về muộn, khi họ lái xe ô tô xuống bãi đỗ tầng hầm B2 chung cư Văn Phú Victoria thì phát hiện có mùi xăng dầu bốc lên nồng nặc. Một số người đã đi tìm nguyên nhân, họ phát hiện ở góc hầm B2, vị trí dưới tòa nhà V1, có chất lỏng liên tục nhỏ giọt xuống nền hầm chảy lênh láng và xác định đó là dầu. Những cư dân này hoảng hốt đi lên văn phòng Ban quản lý tòa nhà để thông báo nhưng họ không gặp được ai.
Khi một số nhân viên bảo vệ nhận được tin báo, đến hiện trường nhìn ngó và cũng loay hoay không biết cách phải xử lý với tình huống này.
Trước nguy hiểm có thể xảy ra, cư dân đã gọi điện thông báo cho Cảnh sát 113 và Cảnh sát PCCC.
Khi tiếp cận sự việc, lực lượng chữa cháy đã dùng cát khô đổ lấp lên khu vực chất lỏng loang chảy dưới nền hầm, đồng thời bật quạt thông gió đẩy không khí ra ngoài tránh việc ngưng tụ gây cháy nổ bất cứ lúc nào.
Đại diện Phòng cảnh sát PCCC số 9 cho biết, chất lỏng nhỏ giọt và loang chảy dưới sàn tầng hầm là dầu diesel. Tại vị trí phía trên bị thấm dột là phòng đặt máy phát điện của tòa nhà. Tại đây, có một bể dầu diesel rất lớn để phục vụ máy phát điện, với khối lượng hàng nghìn lít, bị rò rỉ và thấm qua trần bê tông nhỏ giọt xuống tầng hầm B2.
Được biết, 3 tòa nhà V1, V2, V3 chung cư Văn Phú Victoria có trên 1.300 căn hộ, với trên 4.000 cư dân đang sinh sống tại đây. Tòa nhà được quản lý bởi Công ty CP quản lý và khai thác tòa nhà VNPT (PMC). Khi đi vào sử dụng, tòa nhà đã được cơ quan chức năng nghiệm thu các thiết bị PCCC.
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 9, các chung cư cao tầng đều phải có máy phát điện phục vụ dự phòng mất điện. Trong mỗi khoang đặt máy nổ đều có số lượng dầu nhất định phục vụ vận hành máy. Vì vậy, việc bảo quản và an toàn cháy nổ đối với khu vực này rất nghiêm ngặt, liên quan đến xăng dầu chất dễ cháy. Do đó ban quản trị, bảo vệ trực tổ máy phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện thay thế các thiết bị hư hỏng.
Cũng theo đại diện Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, sự việc tràn dầu máy nổ Văn Phú Victoria là hi hữu, tuy nhiên nếu chỉ một phát sinh về lửa trần hoặc xe máy hở điện khi đi ngang qua, chuột cắn bình ắc quy… gây ra tia lửa điện có thể cháy nổ và trở thành thảm họa. Để tránh sự việc tương tự, đề nghị các Ban quản lý tòa nhà cần tăng cường kiểm tra, kịp thời thay thế, bảo dưỡng, bảo trì máy nổ, thiết bị an toàn PCCC đúng thời hạn, định kỳ.
Theo chuyên gia xây dựng, sự cố tràn dầu thấm qua tầng hầm như xảy ra tại chung cư Văn Phú Victoria, cần phải xem lại các hệ thống vách ngăn buồng máy, vị trí đặt máy và phần trần đã đảm bảo hay chưa. Bởi nếu thao tác đúng vị trí, đúng quy định sẽ không xảy ra sự cố như vậy.