Dấu ấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ điều hành Chính phủ

Google News

Sáng 2/4, Quốc hội tiếp tục tiến hành quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cùng nhìn lại một nhiệm kỳ Chính phủ mang nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại các Đoàn ĐBQH về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu kín, rồi thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, thông tin tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước và đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Cùng nhìn lại một nhiệm kỳ Chính phủ mang nhiều dấu ấn trong lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dau an Thu tuong Nguyen Xuan Phuc trong nhiem ky dieu hanh Chinh phu
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách
Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tập thể Chính phủ để lại nhiều dấu ấn trong việc đưa “con tàu Việt Nam vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ để đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội."
Với phương châm “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực.
Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển, huy động và giải phóng mọi nguồn lực, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, chúng ta đã "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Một trong những điểm nổi bật của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động, tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Dau an Thu tuong Nguyen Xuan Phuc trong nhiem ky dieu hanh Chinh phu-Hinh-2
 Thủ tướng tiếp xúc cử tri Hải Phòng. Ảnh: VGP
Phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể kết hợp với đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Chính phủ và từng thành viên trong giải quyết các công việc chung thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Giai đoạn 2016 - 2020, Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
3 đột phá của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành
Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện các đột phá chiến lược là ưu tiên cao của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành.
Đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, điểm mới trong triển khai xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả. Ngoài thảo luận tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã có thêm 7 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội.
Đột phá thứ hai, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo.
Đột phá thứ ba về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.
Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Tập trung chỉ đạo theo dõi sát tình hình, nhận diện thời cơ, thách thức, chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và đề ra các đối sách, giải pháp kịp thời, phù hợp.
Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: "Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch COVID-19".
Dau an Thu tuong Nguyen Xuan Phuc trong nhiem ky dieu hanh Chinh phu-Hinh-3
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. 
Quy mô nền kinh tế đứng thứ 37 thế giới
Trong nhiệm kỳ qua và trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.
GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN[x], đứng thứ 37 thế giới.
Dau an Thu tuong Nguyen Xuan Phuc trong nhiem ky dieu hanh Chinh phu-Hinh-4
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong một chuyến đi thị sát, chỉ đạo hộ đê tại Ninh Bình. 
Người đứng đầu Chính phủ nói rằng, dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và để tiếp đà tăng tốc, vượt lên trong khu vực, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp gắn với vận hành hiệu quả các nguồn lực tín dụng, tài khóa, đầu tư công... đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế biển.
Phát triển giáo dục, văn hóa xã hội là phát huy sức mạnh “nội sinh” của quốc gia. "Chúng ta đã có nhiều đổi mới trong đào tạo, nâng cao năng lực y tế, phát triển y tế dự phòng, mạng lưới y tế, nhất là trong phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, quản trị bệnh viện; đồng thời đạt kết quả tốt về tỷ lệ bảo hiểm y tế, tăng lên gần 91% năm 2020" – Thủ tướng nói.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông theo Chiến lược thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030, đã góp phần tạo đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân...
Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.
Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của Chính phủ nhằm giúp cho “cỗ máy hành chính” hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và là tiền đề cho nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.
Về công tác phòng chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ xử lý nhiều vụ việc, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản, thành lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết dứt điểm nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
Bảo vệ trật tự xã hội, cuộc sống bình yên của mọi người dân, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, sự toàn vẹn mỗi “tấc đất” biên cương, mỗi “dặm biển” khơi xa của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, trách nhiệm cao cả được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo.
Trong bối cảnh quốc tế mới, luôn chú trọng tăng cường tiềm lực, sức mạnh của các lực lượng vũ trang, bao gồm cả trên không gian mạng; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa quân đội với công an; cảnh giác, chủ động bảo vệ tổ quốc “từ xa”, “từ sớm”.
Đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá. Kiên quyết trấn áp tội phạm; tai nạn giao thông liên tục giảm sâu cả 3 tiêu chí, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước.
Trong đối ngoại, quan hệ quốc tế, Việt Nam đã được tín nhiệm quốc tế rất cao, bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đó thực sự là niềm tự hào của hai tiếng “Việt Nam”. Các kết quả này càng khẳng định thêm tiếng nói, uy tín của Việt Nam, từ một thành viên nghiêm túc tuân thủ, nay tiến lên tham gia định hình, kiến tạo các cơ chế hợp tác mới.
Trước đó một nhiệm kỳ, khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Thực tế những dấu ấn nổi bật trên cho thấy: “Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm."
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Nguồn: Truyền hình Nhân dân

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)